Danh pháp
Tên khoa học
Poria cocos.
Tên tiếng Việt
Phục linh, Bạch phục linh, Bạch thần.
Phân loại khoa học
Giới Fungi
Bộ Polyporales
Họ Polyporaceae (Họ Nấm lỗ)
Chi Poria
Loài P. cocos
Mô tả cây
Nấm mọc hoạt ký sinh trên rễ thông.
Quả thể hình khối hơi dẹt, to nhỏ không đều, có thể nặng đến 5kg, nhỏ cũng bằng nắm tay. Mặt thể ngoài hình nhăn nheo có khi hình bướu, màu nâu đen hoặc xám đen; cắt ngang sẽ thấy mặt lổn nhổn màu trắng hoặc hồng xám, viền ngoài mặt cắt có màu nâu nhạt, có khi có rễ xuyên qua ở giữa nấm. Vị nhạt, nhai dính răng.
Phục linh bì – lớp vỏ ngoài của củ Bạch linh tách ra, lớn, nhỏ, không đồng nhất. Mặt ngoài từ nâu đến nâu đen, mặt trong màu trắng hoặc nâu nhạt. Chất tương đối xốp, hơi có tinh đàn hồi.
Phục linh khối – sau khi tách lớp ngoài, phần còn lại được thái, cắt thành phiến hay miến, kích thước không đồng đều, hồng nhạt, trắng hoặc nâu nhạt.
Xích phục linh – lớp thứ hai sau lớp ngoài, hơi hồng và nâu nhạt.
Bạch phục linh – phần bên trong màu trắng.
Phục thần – những phần nấm Bạch linh ôm đoạn rễ thông bên trong.
Sinh thái
Thường mọc ở những vùng núi có khí hậu ôn đới ấm hoặc cận nhiệt đới, nhiều ánh mặt trời, thoáng, đất mịn tơi xốp, pha cát và dễ thấm nước.

Phân bố
Trên thế giới
Cây phân bố chủ yếu ở các tỉnh Vân Nam, Quảng Đông, Vân Linh tại Trung Quốc. Và một số quốc gia khác như Nhật Bản, Nga.
Tại Việt Nam
Tập trung phân bố ở Hà Giang, Thanh Hóa, Lâm Đồng.
Bộ phận dùng
Bộ phận dùng là quả thể của nấm Bạch linh còn gọi là củ.
Thu hái, chế biến
Thu hái
Thu hoạch sau khi cây trồng được từ 2 – 4 năm, từ tháng 7 – 9

Chế biến
Sau khi thu hoạch loại bỏ đất cát, chất đống cho ra mồ hôi rồi rải ra chỗ thoáng gió cho se bề mặt, tiếp tục chất đống, ủ vài lần cho đến khi nước khô và bề mặt dược liệu nhăn nheo, đem phơi âm can đến khô.
Trước khi dùng, ngâm Bạch linh vào nước, rửa sạch, đồ thêm cho mềm, gọt vỏ, thái miếng hoặc thái lát lúc đang mềm và phơi hoặc sấy khô.
Hoặc khi Bạch linh còn tươi, thái miếng và phơi âm can nơi thoáng gió đến khô.
Bảo quản
Để dược liệu ở những nơi khô mát, tránh ẩm, và tránh làm vụn nát.
Thành phần hóa học
Các acid hữu cơ (pachymic, eburicoic…), đường khử (pachymose, glucose…), chất khoáng.
Có chất đường đặc biệt của Bạch linh: 75% pachymoza (kháng ung thư mạnh), glucose, fructose và chất khoáng.
Các acid có thành phần hợp chất tritecpen: acid pachimic, acid tumolosic, acid eburicoic, acid pinicolic.
Ngoài ra còn có ergosterol, cholin, histidin, ponatin, adenin, lecithin, dầu béo, các vết của muối vô cơ và rất ít men proteaza.
Tác dụng dược lý
Tác dụng lợi tiểu
Theo dõi thỏ trong 5 ngày, cho ăn uống bình thường và thêm đậu đen, mỗi ngày 200ml nước va theo dõi lượng nước tiểu thải ra hằng ngày. Qua ngày sau tiêm dịch chiết Bạch linh liều 2ml/kg/ngày, tiêm 5 ngày liên tiếp. Kết quả cho thấy, Bạch linh có tác dụng lợi tiểu rõ rệt so với lô đối chứng (Nacl 0,9%). Vỏ ngoài của Bạch linh có tác dụng lợi tiểu mạnh hơn Bạch linh không vỏ ngoài.
Tác dụng chống nôn
Các hợp chất triterpen phân lập từ Bạch linh có tác dụng chống nôn ở ếch trên mô hình gây nôn bằng đồng sulfat. Acid pachymic là một trong những chất có tác dụng chống nôn.
Tác dụng kháng khuẩn
Nước sắc Bạch linh có tác dụng ức chế sự phát triển của các vi khuẩn Staphylococus aureus, Enterococcus và Bacillus subtilis. Dịch chiết cồn của Bạch linh còn có tác dụng trên xoắn khuẩn Spirochaeta.
Thử lâm sàng chữa phù
Dùng Bạch linh, tán bột, chế thành viên có 30% Bạch linh chữa cho 30 nhận bị phù (10 ca phù do bệnh tim và thận, 20 ca còn lại phù không đặc hiệu). Người lên dùng 8 viên/ lần, ngày 3 lần; trẻ em dùng 4g/ lần; uống liền trong 7 ngày, không dùng thêm thuốc nào khác, kể cả lợi tiểu. Kết quả cho thấy phù do bệnh tim và thận, rút nhanh hơn phù không đặc hiệu.
Thử lâm sàng chữa ung thư
Chiết lấy polysaccharid của Bạch linh cữa cho 70 ca ung thư, trong đó có ca kết hợp xạ trị, hóa trị và phẫu trị. Cho thấy có tác dụng tăng sức, tăng trọng, giúp ăn ngon hơn, nâng chức năng miễn dịch, làm giảm phản ứng phụ, cải thiện chức năng gan thận, bảo vệ tủy xương, tăng hiệu quả xạ trị đối với ung thư vòm họng.
Các tác dụng khác
Bạch linh có tác dụng tăng cường miễn dịch, làm tăng chỉ số thực bào ở chuột cống trắng, có tác dụng an thần, chống loét dạ dày, hạ đường huyết và bảo vệ gan.
Tính vị, quy kinh
Cam, đạm, tính bình. Quy vào năm kinh thận, tâm, phế, tỳ, vị.
Công năng: Lợi thủy, thẩm thấp, tĩnh tâm an thần, kiện tỳ hòa trung.
Chủ trị: Thùy thũng kèm tiểu sén, đánh trống ngực, mất ngủ, kém ăn, phân lỏng, tiết tả.

Công dụng và liều dùng
Công dụng
Bạch linh dùng làm thuốc bổ, chữa bí tiểu, lợi tiểu, phù thũng, bụng đầy trướng, tiêu chảy, tỳ hư, ăn kém.
Tác dụng an thần, chữa suy nhược, chóng mặt, dùng để chữa mất ngủ, lo âu, sợ hãi, di tinh.
Phục linh bì có tác dụng nổi trội về lợi tiểu, tiêu thũng, chống phù.
Xích phục linh có tác dụng chính là lợi thấp nhiệt và hành thủy.
Phục thần có tác dụng an thần, chữa sợ hãi, hồi hộp, sầu uất, mất trí, tinh thần bạc nhược.
Liều dùng
Ngày dùng 5 – 15g, dùng dưới dạng thuốc sắc, thuốc bột hay dạng thuốc viên.
Thầy thuốc thường cho Bạch linh phối hợp với các vị thuốc khác.
Một số bài thuốc
Ngũ linh tán (Chữa phù thũng)
Bạch linh, Bạch truật, Trư linh, mỗi vị 10g; Trạch tả 12g; Quế chi 4g. Tất cả tán bột min, trộn đều. Mỗi lần uống 10g, ngày 2 – 3 lần.
Hương sa lục quân (Chữa suy nhươc cơ thể, kèm tiêu chảy kéo dài do tỳ hư)
Bạch linh, Bạch truật, Đẳng sâm, mỗi vị 10g; Trần bì, Bán hạ chế, mỗi vị 5g; Mộc hương, Sa nhân, mỗi vị 4g; Chích cam thảo 3g. Tất cả tán thành bột mịn trộn với nước gừng làm thành viên bằng hạt đậu xanh, mỗi lần uống 4 – 8g tùy tuổi.
Kinh phòng bại độc tán (Chữa bệnh khớp, phong hàn thấp tí hoặc nhiệt tí)
Bạch linh, Sài hồ, mỗi vị 120g; Kinh giới, Phòng phong, mỗi vị 100g; Khương hoạt, Độc hoạt, Tiền hồ, Cát cánh, Chỉ xác, Xuyên khung, Cam thảo, đều 80g. Đem tất cả các vị thuốc thái nhỏ, phơi khô, tán bột, rây mịn. Đóng gói 10 – 20g. Người lớn mỗi lần 10g, ngày 2 lần, uống với nước chín trước khi ăn; trẻ em dùng nửa liều người lớn.
Tứ quân tử thang (Chữa cơ thể suy nhược, mỏi mệt, gầy yếu)
Bạch linh, Nhân sâm, Bạch truật, mỗi vị 16g; Cam thảo 8g. Sắc kỹ chia làm 2 – 3 lần uống trong ngày.
Chữa vết đen trên mặt
Bạch linh tán thành bột mịn, bôi sát vào vết đen.
Những điều cần lưu ý khi sử dụng vị thuốc Bạch linh
Người có chứng âm hư thấp nhiệt không nên dùng.
Không cho người có tỳ hư hạ hãm, tiểu nhiều, di tinh do hư hàn sử dụng.
Nên xin ý kiến của các bác sĩ và thầy thuốc có chuyên môn cao, để sử dụng vị thuốc cũng như các bài thuốc của Bạch linh đảm bảo an toàn sức khỏe và đạt hiệu quả cao nhất.
Tài liệu tham khảo
- Đỗ Tất Lợi (2013), Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, Hồng Đức.
- Trần, C. L., Đỗ, V. M., & Vũ, T. B. (2016). Giáo trình Dược liệu học.
- Nguyễn Nhược Kim (2007). Bào chế đông dược.
- Trường Đại Học Dược Hà Nội – Chủ biên: PGS. TS. Nguyễn Mạnh Tuyển (2021), Dược lý dược cổ truyền, NXB Y Học.
Bài viết liên quan