Bạch thược có tác dụng giảm đau bụng đến kiết lỵ, chống mặt và đau đầu,… Là một vị thuốc quý trong Đông y. Vậy cây Bạch thược có đặc điểm gì? Được sử dụng như thế nào trong các bài thuốc dân gian chữa bệnh. Cùng Sao Thái Dương tìm hiểu chi tiết trong bài viết dưới đây nhé!
Tìm hiểu về Bạch Thược
- Tên khoa học: Paeonia lactiflora.
- Tên tiếng Việt: Thược dược, Mẫu đơn trắng, Dư dung, Ngưu đình, Kim thược dược, Tiêu bạc thược, Cẩm túc căn.
- Phân loại khoa học:
- Giới Plantae
- Bộ Saxifragales
- Họ Ranunculaceae (Họ latinh Mao lương)
- Chi Paeonia
- Loài P. lactiflora
- Mô tả cây Bạch thược:
- Bạch thược là cây thảo sống lâu năm cao 50 – 80cm. Thân cây nhẵn, mọc thẳng đứng, không có lông. Lá mọc so le, có cuống dài, xẻ sâu thành 3 – 7 thùy hình trứng hoặc mác thuôn dài 8 – 12cm, rộng 2 – 4cm, đầu nhọn, mép nguyên, phía cuống hơi hồng.
- Hoa rất to mọc đơn độc ở ngọn thân, gồm nhiều cánh hoa màu trắng, nhị vàng.
- Rễ củ to, dạng hình trụ tròn, thẳng hoặc hơi uốn cong, hai đầu phẳng; độ to không đồng đều hoặc đôi khi có một đầu to hơn, dài 5 – 18cm. Mặt ngoài của rễ có màu nâu thẫm, nhẵn hoặc có nếp nhăn dọc và còn vết tích của rễ nhỏ sót lại. Thể chất dạng rắn chắc, khó bẻ gãy, nặng. Mặt cắt trong của rẽ phẳng, bên trong có màu hồng nhạt hoặc hơi trắng, vỏ hẹp, gỗ phân thành tia rõ đôi khi có khe nứt. Vị chua và hơi đắng, không mùi.
- Sinh thái:
- Bạch thược mọc dưới những cây bụi hoặc những cây to. Cây phân bố ở vùng ôn đới ấm Bắc bán cầu, Địa Trung Hải, Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản, Ấn Độ.
- Cây Bạch thược là cây bụi ưa ẩm và ưa sáng. Cây di thực về Việt Nam, thích nghi với khí hậu của vùng á nhiệt đới núi cao.
- Mùa ra hoa vào tháng 5 – 7; mùa kết quả vào tháng 6 – 7.
- Phân bố trên thế giới: Phân bố ở các tỉnh Trung Quốc như Hà Long Giang, Hà Bắc, Cát Lâm, Hà Nam, Liêu Ninh, Sơn Đông.
- Phân bố tại Việt Nam: Được di thực vào nước ta và đang được trồng tại SaPa.
- Bộ phận dùng: Thường dùng rễ đã cạo bỏ lớp bần và phơi hay sấy khô của cây.
Xem thêm: Dược liệu Tang kí sinh

Tác dụng của Bạch thược
Tác dụng kháng khuẩn
Cao nước dược liệu có tác dụng kháng khuẩn trên Vibrio cholerae, Shigella, Staphylococcus, Pneumococcus, Salmonella và Corynecacterium diphtheriae.
Đọc thêm: Quy bản và cao quy bản: Vị thuốc bổ dưỡng quen thuộc từ loài Rùa
Tác dụng trên sự co bóp ruột
- Nước sắc Bạch thược, ở nồng độ thấp gây ức chế trên ruột thỏ cô lập; nồng độ cao, lúc dầu hưng phấn, sau ức chế.
- Nếu kích thích ruột thỏ trước khi thử nghiệm bằng acetylcholin hoặc histamin, tác dụng ức chế rất rõ rệt.
Tác dụng kháng cholin
Cao methanol 50% và hoạt chất paeoniflorin có tác dụng anticholinergic trên chuột cống trắng in vivo mà biểu hiện là tác dụng chống co thắt, chống tiêu chảy và còn có tác dụng giảm đau.
Tác dụng an thần và giảm đau
Glucozit là một thành phần trong thảo dược có tác dụng làm dịu và giảm đau bởi vì nó có khả năng làm giảm sự hoạt động của trung khu thần kinh. Nó cũng giúp ngăn chặn quá trình hình thành huyết khối, cải thiện sự lưu thông của máu dinh dưỡng đến cơ tim. Ngoài ra, Glucozit còn có khả năng giảm mức men transaminaza, một enzyme liên quan đến chức năng gan, và bảo vệ gan khỏi tổn thương.
Tác dụng hỗ trợ tiêu hóa
Các chất chống oxy hóa trong bạch thược giúp bảo vệ dạ dày khỏi các tác nhân gây loét đến 88,8%. Ngoài ra, Paeoniflorin, một thành phần trong Bạch thược, không chỉ giúp cải thiện giấc ngủ mà còn hỗ trợ trong các vấn đề đường tiêu hóa như viêm dạ dày và trào ngược axit. Nghiên cứu của Đại học Thẩm Dương – Trung Quốc năm 2019 còn cho thấy rằng Paeoniflorin có khả năng tăng cường lợi khuẩn trong ruột, giúp cân bằng vi khuẩn đường ruột và đặc biệt có ích cho những người gặp vấn đề về tiêu hóa.
Tác dụng khác
- Cao thân và lá của Bạch thược có tác dụng chống thực khuẩn thể.
- Nước sắc rễ Bạch thược ức chế sự biến hóa sinh học acid arachidonic in vivo và in vitro.
- Chất acid benzoic trong Bạch thược được uống với liều cao có thể sinh co quắp, cuối cùng mê sảng và chết.
Thu hái, chế biến dược liệu Bạch thược
Thu hái
Thu hái khi cây được 3 – 5 năm tuổi, đào rễ vào tháng 8 – 10.
Chế biến
- Sau khi đào lấy rễ, rửa sạch đất cát, cạo bỏ vỏ ngoài, cắt bỏ đầu đuôi và rễ con, đồ lên cho chín, sửa lại cho thẳng rồi phơi hay sấy khô.
- Bạch thược thái lát: Lấy rễ chưa thái lát, làm ẩm, ủ mềm, thái lát mỏng, phơi khô.
Bảo quản
Để dược liệu ở những nơi khô ráo, thoáng mát, tránh mốc và mọt.

Thành phần hóa học
- Rễ Bạch thược chứa 3,3 – 5,7% paconiflorin, oxypaeoniflorin, albiflorin, benzoyl paconiflorin.
- Ngoài ra, rễ còn có ít hoặc không có paconol, paeonosid hoặc paeonolid, lactiflorin, β – sitosterol, β – sitosterol – α – glucosid, acid benzoic (khoảng 1,07%), acid palmitic, acid galic, daucosterol, d – catechin, myoinositol, methyl galat, sucrose và glucogalin.
- Bạch thược còn chứa các hợp chất triterpen và flavonoid. Các howjp chất triterpen từ rễ là acid oleanolic, hederagenin, acid betulinic.
- Các flavonoid từ lá 1,06% bao gồm kaempferol – 3 – O – β – D glucosid và kaempferol – 3,7 – di – O – β – glucosid.
Bạch thược tính vị, quy kinh
- Vị đắng, chua, hơi hàn. Quy vào các kinh tỳ, can, phế.
- Công năng: Nhuận gan, dưỡng huyết, lợi tiểu, bổ huyết, dưỡng âm, thư cân, bình can, chỉ thống.
- Chủ trị: Đau bụng tả lỵ, ra mồ hôi trộm, tiểu tiện khó, huyết hư, da xanh xao, đau sườn ngực, kinh nguyệt không đều, âm hư phát sốt, chóng mặt đau đầu, chân tay co rút, đau bụng do can khắc tỳ.

Công dụng của Bạch thược
- Bạch thược được dùng làm thuốc giảm đau, thông kinh, kinh nguyệt không đều nhức đầu, chân tay nhức mỏi, còn dùng chữa phụ nữ bế kinh, xích bạch đới lâu năm không khỏi.
- Bạch thược chữa đau bụng, tả lỵ do ruột co bóp quá mạnh, lưng ngực đau, mắt hoa, bệnh về mạch như viêm mạch huyết khối, tắc mạch, nghẽn mạch não, mồ hôi trộm, tiểu tiện khó.
- Tác dụng kích thích ống tiêu hóa: tăng co bóp dạ dày, nhu động ruột.
- Bạch thược khi để sống có tác dụng mát dịu, chữa đau cơ bắp, nhức đầu, hoa mắt, trị tả lỵ, cảm mạo, giải nhiệt, tiểu tiện khó, mồ hôi trộm.
- Sao tẩm Bạch thược chữa kinh nguyệt không đều, xích bạch đới, bế kinh.

Bạch thược trong các bài thuốc chữa bệnh
Ngày dùng 6 – 12g, dùng dưới dạng thuốc sắc hoặc dạng thuốc hoàn. Thầy thuốc thường cho Bạch thược phối hợp với các vị thuốc khác như:
Quế chi gia linh truật thang (Chữa đầu nhức mắt hoa)
Bạch dược, Quế chi, Đại táo, Sinh khương, Phục linh, Bạch truật, mỗi vị 6g; Cam thảo 4g; nước 600ml, sắc còn 200ml. Chia 3 lần uống trong ngày.
Bạch thược cam thảo thang (Chữa hai chân và đầu gối đau nhức, khó co duỗi, đau bụng, háo khát, đái tháo đường)
Bạch thược 8g, Cam thảo 4g. Sắc chia 2 lần uống trong ngày hoặc tán bột, mỗi lần uống 4g, ngày 3 lần.
Tứ vật thang (Chữa kinh nguyệt không đều, đau bụng khi hành kinh, xích bạch đới, bế kinh sinh đau nhức)
Bạch thược, sinh địa, mỗi vị 20g; Đương quy 10g; Xuyên khung 4g; hoặc tứ vật gia Ngưu tất (thêm Ngưu tất 20g), hoặc tứ vật gia Ngưu tất, Mần tưới (mỗi vị 15g). Sắc uống hoặc chế cao hoặc làm thành viên hoàn.
Hỗ trợ điều trị đái tháo đường
Bạch thược 40g, Cam thảo 8g. Chế thành dạng cao khô rồi làm thành viên, mỗi viên chỉ khoảng 0,165g. Uống khoảng 4 – 8 viên/lần với tần suất 3 lần/ngày cùng với nước ấm.
Chữa ho gà
Bạch thược 15g, Cam thảo 3g. Đem sắc lấy nước uống ngày 1 thang. Nếu ho có đờm hãy cho thêm Ngô công, Địa long và Đình lịch vào sắc cùng. Với trường hợp bị ho lâu ngày thì cho thêm Bách hộ vào uống cùng.

Chữa hen suyễn
Bạch thược, Cam thảo lấy lượng phù hợp với tỷ lệ 2:1. Đem tán thành bột mịn trộn đều. Mỗi lần dùng lấy 30g thuốc bột đun sôi với 120ml nước trong khoảng từ 3 – 5 phút. Dùng lúc còn ấm.
Chữa viêm loét dạ dày
Bạch thược 15 – 20g, Cam thảo 12 – 15g. Sắc lấy nước uống trong ngày, dùng 1 thang/ngày.
Chữa băng huyết, rong kinh
Bạch thược, Can khương, Thục địa, Mẫu lệ, Long cốt, Quế lâm, Mộc giác giao, Hoàng kỳ (mỗi vị 8g). Tán thành bột mịn rồi trộn đều với nhau. Lấy 8g uống với nước ấm hoặc rượu nóng trước bữa ăn. Sử dụng 3 lần/ngày.
Chữa đau bụng, tiêu chảy
8g Bạch thược đã sao vàng, Phòng phong 8g, 12g bạch truật sao khử thổ, Trần bì 6g. Đem sắc với nước trong 10 phút. Ngày dùng 1 thang chia thành nhiều lần uống.
Chữa kiết lỵ
Bạch thược 12g, Cam thảo 6g, Hoàng cầm 12g. Đem sắc với nước cho tới khi còn lại 1/2 nước ban đầu. Ngày uống 1 thang, uống ấm.
Trường hợp kiết kỵ ra máu:
Bạch thược 40g, Đương quy 20g, Hoàng cầm 40g, Hoàng liên 20g, Cam thảo 8g, Đại hoàng 12g, Binh lang 8g, Mộc hương 8g, Quan quế 6g. Tán thành bột mịn và trộn đều với nhau. Mỗi lần dùng lấy ra 20g sắc cùng với 2 bát nước cho đến khi còn 1 bát. Dùng 1 lần/ngày khi còn ấm nóng.
Những điều cần lưu ý khi sử dụng vị thuốc Bạch thược
- Đầy bụng, tỳ khí hà, đầy hơi không nên dùng dược liệu.
- Không dùng Bạch thược với Lê lô, vì khi kết hợp có thể gây các tác dụng phụ không mong muốn.
- Không sử dụng cho người bị mụn đậu, huyết hư hàn.
- Người bị đau bụng, trúng hàn do tiêu chảy cũng không được sử dụng vị thuốc Bạch thược.
- Nên tham khảo ý kiến của các chuyên gia khi sử dụng vị thuốc, cũng như các bài thuốc của vị Bạch thược để đạt hiểu qua cao và an toàn cho sức khỏe.
Tài liệu tham khảo
- Đỗ Tất Lợi (2013), Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, Hồng Đức.
- Trần, C. L., Đỗ, V. M., & Vũ, T. B. (2016). Giáo trình Dược liệu học.
- Nguyễn Nhược Kim (2007). Bào chế đông dược.
- Trường Đại Học Dược Hà Nội – Chủ biên: PGS. TS. Nguyễn Mạnh Tuyển (2021), Dược lý dược cổ truyền, NXB Y Học.