Cam thảo có phải “Thần dược” quý chữa bách bệnh không?

Dược liệu Cam thảo
5/5 - (1 bình chọn)

Danh pháp

Tên khoa học

Glycyrrhiza uralensis.

Tên tiếng Việt

Cam thảo bắc, Diêm cam thảo, Sinh cam thảo, Phấn cam thảo, Bắc cam thảo, Quốc lão, Lộ thảo.

Phân loại khoa học

Giới Plantae

Bộ Fabales

Họ Fabaceae (Họ Đậu)

Chi Glycyrrhiza

Loài G. uralensis

Mô tả cây

Cam thảo thuộc loại cây thảo sống lâu năm, cao 0,3 – 1m hoặc hơn. Rễ dài có màu vàng nhạt. Thân có lông mềm, ngắn, rất nhỏ. Lá kép lông chim lẻ, mọc so le, gồm 9 – 17 lá chét hình trứng, mép nguyên, đầu nhọn.

Vào mùa hạ và mùa thu nở hoa màu tím nhạt, mọc thành chùm bông ở kẽ lá; tràng hoa hình cánh bướm.

Quả đậu, giáp cong hình lưỡi liềm, dài 3 – 4cm, rộng 6 – 8cm, màu nâu đen, mặt quả có nhiều lông dày, chứa 2 – 8 hạt nhỏ, dẹt, màu nâu xám hoặc xanh đen nhạt, bóng.

Đoạn rễ hình trụ, thẳng hay hơi cong queo, thường dài 20 – 100cm. Lớp bần ngoài cùng bị cạo bỏ hoặc dính chặt, Rễ chưa cạo lớp bần bên ngoài có màu nâu đỏ hoặc màu nâu xám, còn các vết sẹo của rễ con sot lại, những vết nhăn dọc và các lỗ vỏ nhô lên. Rễ đã cạo lớp bần có màu vàng nhạt. Chất cứng chắc, khó bẻ gãy, vết bẻ màu vàng nhạt có nhiều xơ dọc, có tinh bột. Mặt cắt ngang rễ có nhiều tia ruột từ trung tâm tỏa ra, trông giống như nan hoa bánh xe, đôi khi có khe nứt, tầng phát sinh libe – gỗ thành vòng rõ. Đoạn thân rễ hình trụ, bên ngoài có các núm sẹo, tủy ở trung tâm mặt cắt ngang. Mũi đặc biệt, vị ngọt hơi khé cổ.

Sinh thái

Chi Glycyrrhiza có 12 loài, phân bố chủ yếu ở vùng á nhiệt đới, ôn đới ấm thuộc châu Á, châu Âu và Bắc Phi, tập trung nhiều loài lại là vùng Trung Á..

Cây Cam thảo là cây ưa sáng, chịu khô hạn cao, điều kiện thời tiết khắc nghiệt và sống được trên nhiều loại đất. Cây mọc khỏe và mùa xuân, hạ và thu; mùa đông thì lụi tàn hoặc giảm khả năng phát triển; sang năm vào mùa xuân cây lại mọc tốt.

Mùa hoa nở vào tháng 6 – 7; mùa kết quả vào tháng 8 – 9.

Hình ảnh cây Cam thảo
Hình ảnh cây Cam thảo

Phân bố

Trên thế giới

Phân bố tập trung chủ yếu ở vùng Trung Á như Iran, Azecbaizan, Cazaxtan, Ấn Độ, Nga, Trung Quốc và Mông Cổ.

Tại Việt Nam

Được tìm thấy hầu như ở khắp nơi, tập trung ở Văn Điển, Tam Đảo, SaPa, Hải Dương.

Bộ phận dùng

Rễ và thân rễ còn vỏ hoặc cạo lớp bần, phơi hay sấy khô của Cam thảo.

Thu hái, chế biến

Thu hái

Thu hoạch sau 5 năm cây được trồng. Thu hoạch rễ, để nguyên vỏ hoặc cạo sạch, phơi khô.

Rễ hay thân rễ của cây Cam thảo được dùng làm thuốc
Rễ hay thân rễ của cây Cam thảo được dùng làm thuốc

Chế biến

Sau khi đào lấy rễ, xếp thành đống để cho hơi lên men làm cho rễ có màu vàng sẫm hơn hoặc sấy khô.

Cam thảo sống: Lấy rễ Cam thảo, phun nước cho mềm, thái phiến, phơi hoặc sấy khô.

Chích thảo: Cam thảo được thái phiến, đem tẩm mật ong rồi đem sao vàng.

Bảo quản

Để dược liệu ở những nơi khô ráo, thoáng mát và tránh sâu mọt.

Thành phần hóa học

Trong Cam thảo người ta đã phân tích thấy 3 – 8% glucose, 2,4 – 6,5% saccarose, 25 – 30% tinh bột, 0,3 – 0,35% tinh dầu, 2 – 4% asparagin, 11 – 30mg% vitamin C, các chất anbuymidnoit, gôm, nhựa…

Nhưng hoạt chất chính trong Cam thảo là saponin: Glycyrrihizin (6 – 12%) tồn tại ở dạng muối Ca và Mg trong cây, có độ ngọt gấp 60 lần saccarose. Thủy phân sẽ cho một phân tử acid glycyrhetic còn gọi là acid glycyretinic và 2 phân tử acid glycuronic. Trên thị trường, thương phẩm glycyrrhizin có tên gọi là amoni glycyrrhizat.

Axit glyxyretic không có vị ngọt, nhưng glycyrrihizin và nhất là glycyrrihizin phối hợp amoniac hay thổ kiềm lại càng ngọt hơn. Pha loãng vẫn còn vị ngọt.

Flavonoid: Liquiritina, isoliquiritin, liquiritigenina, isoliquiritigenin.

Ngoài ra còn có các hợp chất có tác dụng oestrogen có nhân sterol với hàm lượng thấp.

Tác dụng dược lý

Tác dụng gây trấn tĩnh, ức chế thần kinh trung ương, giảm vận động tự nhiên, hạ thể nhiệt, giảm hô hấp, giảm ho, giảm co thắt cơ trơn.

Chống dị ứng và viêm gan. Chữa viêm loét đường tiêu hóa, tác dụng ức chế gây tăng tiết dịch vị của histamin.

Bảo vệ gan trong viêm gan mạn tính và tăng bài tiết mật. Tác dụng oestrogen.

Chữa bệnh Addison vì trong Cam thảo có acid glycyrhetic cấu tạo gần như cortison nên có tác dụng trên sự chuyển hóa của chất điện giải, giữ natri và clorid (gây phù)trong cơ thể, giúp sự bài tiết kali.

Tác dụng giải độc, chứng minh Natri glycyrhizat có hiệu lực chống lại tác dụng các chất gây độc trên tim, đồng thời kích thích co bóp tim giống adrenalin. Na và K glycyrhizat có tác dụng giải độc mạnh đối với độc tố của bạch hầu, chất độc của cá, lợn, nọc rắn, đồng thời có tác dụng bảo vệ chống choáng. Glycyrrhizin có khả năng giải độc đới với strychnin, độc tố uốn ván, cocain hydroclorid và cloral hydrat.

Ngoài ra, Cam thảo còn có chữa táo bón, tác dụng lợi tiểu, chữa một số bệnh về da.

Cam thảo có khả năng giảm mẫn cảm trong thí nghiệm nuôi cấy tế bào lympho. Việc phối hợp liều nhỏ cimetidin và Cam thảo đã loại trừ lycyrrhizin, thí nghiệm trên tổn thương niêm mạc dạ dày, đã làm giảm độc tích của cimetidin và có tác dụng tốt điều trị loét dạ dày, tá tràng.

Acid glycyrrhizic, hợp chất triterpenic của rễ Cam thảo có tác dụng ức chế sự phát triển của nhiều vi khuẩn trong nuôi cấy và làm mất hoạt tính của vi khuẩn herpes đơn thuần một cách không phục hồi.

Dịch chiết nước Cam thảo tác dụng ức chế aconitin, strophanthin K gây rối loạn nhịp tim trên chuột cống trắng và chuột lang. Flavonoid toàn phần có tác dụng kéo dài thời kỳ tiềm phục làm rối loạn nhịp tim do aconitin, giảm thiểu tỷ lệ rung thất do chloroform gây ra trên chuột nhắt trắng.

Glycyrrhizin, flavonoid… có tác dụng chống virus HIV ở nhiều mức độ khác nhau, hiệu quả rõ rệt nhất là các flavonoid. Polysaccharide, acid glycyrrhizic, acid glycyrrhetinic, glycyrrhizin có tác dụng ức chế đối với virus chân tay miệng, virus herpes simplex, virus đậu bò, virus herpes zoster, virus cúm. Natri glycyrrhetate, acid glycyrrhetinic có tác dụng ức chế với Staphylococcus aureus, Mycobacterium tuberculosis, E. coli, amipTrichomonas âm đạo…

Tính vị, tác dụng

Cam, tính bình. Quy vào các kinh phế, tỳ, tâm, vị và thông 12 kinh.

Công năng: Kiện tỳ ích khí, nhuận phế chỉ ho, giải độc, hoãn cấp chỉ thống, điều hòa, thanh nhiệt, khử đờm chỉ khái, hòa hoãn dược tính.

Chủ trị: Các chứng tỳ vị hư nhược, người mệt mỏi, tâm quý khí đoản, ho nhiều đàm, bụng đau, chân tay co quắp, mụn nhọt sưng đau; hoãn giải độc tính.

Dược liệu Cam thảo
Dược liệu Cam thảo

Công dụng và liều dùng

Công dụng

Cao thảo sống dùng chữa cảm, ho mất tiếng, viêm họng, đau dạ dày, ngộ độc, mụn nhọt, tiêu chảy.

Cam thảo chích có tác dụng bổ, chữa tỳ vị hư nhược, tiêu chảy, thân thể mệt mỏi, kém ăn, trị đàm, tức ngực, rối loạn nhịp tim.

Trong y học cổ truyền Trung Quốc, Cam thảo còn dùng chữa xuất huyết não, cao huyết áp, đau dây thần kinh, nhức đầu, viêm rễ dây thần kinh, thống phong, đau dây thần kinh cũng liên khớp…

Muốn thanh hỏa thì dùng Cam thảo sống, muốn ôn trung thì dùng Cam thảo nướng. Cam thảo được nướng lên chữa tỳ hư mà tiêu lỏng, phế hư mà ho, vị hư mà khát nước. Dùng sống chữa đau họng

Cam thảo còn có tác dụng dụng chữa bệnh loét dạ dày và ruột, tác dụng giảm loét, giảm có thắt cơ, giảm tiết acid hydrocloric, chữa bệnh Addison.

Liều dùng

Ngày dùng 4 – 20g, dùng dưới dạng bột, thuốc hãm, nước sắc và cao mềm.

Một số bài thuốc

Nhân trung hoàng (Chữa sốt quá hóa điên cuồng, trúng độc, mụn nhọt)

Cam thảo tán nhỏ, cho vào đầy một ống tre đã cạo hết lớp tinh tre bên ngoài. Bịt kín hai đầu bằng nhựa thông. Đến mùa đông cắm cả ống tre vào hố phân người, cho đến ngày lập xuân lấy ra rửa sạch, bổ ống tre lấy Cam thảo phơi khô tán nhỏ. Mỗi lần uống 1 – 2g.

Chữa hư lao, ho lâu ngày

Cam thảo nước 120g. Tán bột, uống mỗi lần 4, ngày uống 3 – 4 lần.

Chữa mụn nhọt, ngộ độc

Dùng cao mềm Cam thảo. Ngày uống 1 – 2 thìa cà phê.

Xuất huyết não, dị ứng do huyết áp cao

Cam thảo 15,5g, lá Sen 15,5g, Đỗ trọng 12,5g, Sinh địa 10g, Mạch môn 10g, Tầm gửi 10g, Bạch thược 10g, nước 800ml sắc còn 300ml. Nước sắc chia làm 3 lần uống trong ngày.

Đau dây thần kinh, nhức đầu

Cam thảo 10g, Thanh cao 15g, Quế 5g, Xuyên khung 7,5g, Bạc hà 5g, nước 800ml sắc còn 300ml. Ngày uống 2 lần, mỗi lần 150ml nước.

Những điều cần lưu ý khi sử dụng vị thuốc Cam thảo

Không được phối hợp Cam thảo với các dược liệu Cam toại, Đại kích, Hải tảo, Nguyên hoa.

Dùng Cam thảo lâu sẽ gây phù nề.

Phụ nữ đang mang thai không nên sử dụng các bộ phận của Cam thảo.

Người bị lợi tiểu trừ thấp, đầy bụng hay phù trướng nên cân nhắc khi sử dụng vì có thể gây ra các tác dụng không mong muốn.

Người bị cao huyết áp, táo bón, viêm phế quản, ho nhiều hay khó thở, người cao tuổi cũng không nên sử dụng vị thuốc Cam thảo này.

Sử dụng ấm bằng thủy tinh, sứ, gốm để sắc thuốc hoặc pha trà; không dùng vật phẩm bằng kim loại vì có thể làm mất dược tính của dược liệu.

Nên tham khảo ý kiến của các thầy thuốc hay bác sĩ để sử dụng các bài của vị thuốc Cam thảo được an toàn, đạt hiệu quả tối đa.

Tài liệu tham khảo

  1. Đỗ Tất Lợi (2013), Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, Hồng Đức.
  2. Trần, C. L., Đỗ, V. M., & Vũ, T. B. (2016). Giáo trình Dược liệu học.
  3. Nguyễn Nhược Kim (2007). Bào chế đông dược.
  4. Trường Đại Học Dược Hà Nội – Chủ biên: PGS. TS. Nguyễn Mạnh Tuyển (2021), Dược lý dược cổ truyền, NXB Y Học.
Ngày viết:

    Để lại câu hỏi về sản phẩm

    Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc gì hãy để lại câu hỏi của bạn. Chúng tôi sẽ giải đáp ngay!



    Để lại câu hỏi về bài viết

    Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

    1800 1799