Cao đậu tương có nguồn gốc từ hạt đậu tương, hương vị nhẹ và không mùi. Có tác dụng ngăn ngừa loãng xương, chống lão hóa, ngăn ngừa ung thư vú, hỗ trợ điều trị béo phì,…Cùng tìm hiểu chi tiết hơn trong bài viết này.
Giới thiệu về cây Đậu tương
- Tên khoa học: Glycine soja Siebold et Zucc, Glycine max (L.) Merrill
- Tên tiếng việt: Đậu tương, đậu nành, đỗ tương
- Phân loại khoa học:
- Giới :Plantae
- Bộ: Fabales
- Họ: Fabaceae
- Chi: Glycine
- Loài:G. max

- Đặc điểm nhận biết cây Đậu tương:
- Cây thân thảo đứng, sống lâu năm, cao từ 40-80cm. Thân cành mảnh khảnh, có lông trắng.
- Lá kép, mọc so le, gồm 3 lá chét trái xoan hoặc hình bầu dục, gốc có hình tròn, đầu nhọn, dài từ 3 đến 12 cm, rộng từ 2 đến 8 cm, lá chét lệch bên, hai mặt có lông nằm rải rác, gân chính 3, cuống chung dài từ 7 đến 10cm và có lông.
- Hoa tím hoặc trắng, nhỏ, mọc thành cụm ở chân cuống lá. Đài được phủ một lớp lông mềm và có dạng hình chuông. Tràng không có tai nhưng lại có cánh cờ rộng. Nhị một bó, bầu nhị có lông.
- Quả hình hạt đậu hoặc lưỡi liềm, thõng xuống, có rất nhiều lông vàng mềm, khoảng 3 – 4cm, hơi co lại ở giữa các hạt. Hạt từ 2-5, hình cầu hoặc hình thận có màu trắng vàng.
- Sinh thái:
- Được gieo trồng bằng hạt đậu tương. Tất cả những loại đất có pH 6-7 đều có thể trồng được đậu tương. Tuy nhiên, cao đậu tương rất kém chịu hạn và chịu úng. Cần căn cứ vào thời tiết mà tưới tiêu sao cho hợp lý.
- Đậu tương có thể bị sâu xám, các loại sâu hại lá, ruồi đục thân, sâu đục quả… cần kết hợp các biện pháp để phòng ngừa hiệu quả.
- Mùa hoa: tháng 6-8.
- Mùa quả: từ tháng 7-9
Có thể bạn quan tâm: Dong riềng đỏ
- Trên thế giới:
- Nguồn gốc Cây đậu tương ở Trung Quốc rồi sau đó lan dần ra các nước khác như: Malaysia, Triều Tiên, Nhật Bản và có cả Việt Nam.
- Ngày xa xưa hạt đậu tương đã được sử dụng làm thức ăn ở những quốc gia trên. Ở các nước Châu Âu chỉ mới biết đến đậu tương vào đầu thế kỷ XVIII và sau đó việc trồng trọt và bắt đầu phát triển ở Liên Xô cũ và được phát triển nhanh chóng ở cả những nước Châu Mỹ.
- Tại Việt Nam:
- Ở Việt Nam, cây đậu tương được trồng chủ yếu ở các tỉnh đồng bằng Sông Cửu Long ( bao gồm các tỉnh An Giang, Đồng Tháp,….)
- Ở miền Bắc, mùa vụ đậu tương lớn được trồng nhiều ở các tỉnh như Lạng Sơn,Hà Bắc, Cao Bằng…
- Bộ phận dùng: Hạt đã được phơi khô ( thường gọi là Đạm đậu xị) hoặc dầu ép từ hạt
Tác dụng của Cao đậu tương
Tác dụng chống lão hóa, giảm tàn nhang, làm trắng da
Trong hạt đậu tương chứa những dưỡng chất rất quý cho da như genistein và isoflavone có tác dụng làm ức chế quá trình lão hóa da, làm da săn chắc, ngoài ra còn một số loại axit amin, kẽm, sắt, các vitamin như A, B12 hay E và một số hoạt chất khác hỗ trợ duy trì độ ẩm cho da, giúp tăng cường sức sống cho làn da.
Xem thêm: Đương quy có tác dụng gì? Cách sử dụng vị thuốc như thế nào?
Tác dụng ngăn ngừa loãng xương
Đậu tương chứa một hàm lượng canxi vượt trội hơn so với một số thực phẩm khác. Vì vậy việc sử dụng các sản phẩm từ đậu tương một cách hợp lý, sẽ là một nguồn cung cấp canxi dồi dào cho sức khỏe, giúp xương khớp được cứng cáp và khỏe mạnh hơn. Bên cạnh đó còn giúp phòng ngừa được một số bệnh lý về xương khớp nhất là loãng xương.
Nhờ hàm lượng canxi vượt trội nên ngày nay Cao đậu tương có rất nhiều trong các sản phẩm thực phẩm bảo vệ xương khớp. Bạn có thể tham khảo thêm một số thực phẩm bảo vệ sức khỏe có chứa Cao đậu tương tại đây
Xem thêm: Điều trị đau nhức xương khớp với dược liệu Tần giao
Tác dụng làm cải thiện các triệu chứng mãn kinh ở phụ nữ
Phụ nữ tuổi ở độ tuổi trung niên, thường hay mắc phải các triệu chứng như: suy giảm trí nhớ, tâm trạng hay lo âu, người bốc hỏa, đổ mồ hôi, rụng tóc nhiều, dễ nổi nóng… Nguyên nhân chính của các triệu chứng này là do sự suy giảm hàm lượng nội tiết tố estrogen ở nữ giới trong thời thì mãn kinh dẫn đến mất cân bằng hormone trong cơ thể.
Hàm lượng hoạt chất Isoflarm có trong đậu tương chúng giúp bổ sung một lượng lớn estrogen, điều này dẫn đến lượng hormone bên trong cơ thể người phụ nữ được cân bằng, qua đó giúp làm giảm các triệu chứng thường gặp của phụ nữ ở độ tuổi mãn kinh và tiền mãn kinh
Tác dụng ngăn ngừa ung thư vú
Genistein có trong đậu tương là một hoạt chất được nghiên cứu và báo cáo lại rằng, chúng có thể giúp bảo vệ các tế bào tự nhiên, ức chế sự phát triển của tế bào ung thư, nhất là các tế bào ung thư vú.
Ngoài ra, bên trong đậu tương còn chứa thành phần hoạt chất là Daidzein. Chất này khi được dùng ở liều cao giúp làm thúc đẩy hệ miễn dịch của cơ thể hoạt động tốt hơn, nhờ đó mà góp phần làm phá hủy các tác nhân gây ung thư.
Tác dụng phòng ngừa và hỗ trợ trong điều trị béo phì
Đậu tương rất giàu protid,các vitamin và khoáng chất tuy nhiên lại chứa một hàm lượng tinh bột thấp. Vì vậy mà đậu tương thường được dùng làm thực phẩm ăn kiêng cho những người bị thừa cân hay béo phì.
Nó tăng cường cho các hoạt động chuyển hóa chất béo, giúp làm tăng đào thải lượng mỡ thừa được tích trữ ở phần bụng, đùi, mông hay ở hai bên cánh tay, đồng thời, việc sử dụng đậu tương còn làm giảm cảm giác thèm ăn, giúp duy trì được thể trạng và vóc dáng lý tưởng.
Tác dụng chống tăng huyết áp và máu nhiễm mỡ
Sử dụng đậu tương với điều độ và hợp lý có thể giúp cơ thể đào thải lượng mỡ dư thừa bị tích trữ trong máu, giúp ngăn ngừa và hỗ trợ trong điều trị các trường hợp máu nhiễm mỡ. Bên cạnh đó, những người bị tăng huyết áp, khi tiêu thụ protein có trong đậu tương có thể giúp làm giảm lượng huyết áp tâm trương xuống khoảng 3-5 mmHg và huyết áp tâm thu giảm xuống khoảng 4-8 mmHg.
Tác dụng giúp cải thiện và làm tăng cường trí nhớ
Trong đậu tương có một lượng lớn hoạt chất lecithin giúp tăng cường chức năng của hệ thần kinh, giảm thiểu khả năng mắc Alzheimer, giúp đầu óc luôn được sáng suốt và minh mẫn.
Thu hái, chế biến
Hạt đậu tương thường được thu hoạch khi lá của cây khô vàng. Chọn ngày nắng ráo để thu hoạch, cắt cả cây về, sau đó phơi khô rồi đập cây để lấy hạt. Hạt đem đi sàng sảy, lọc qua, rồi đem phơi đến khô ( sao cho độ ẩm hạt dưới 12% là đạt ) để nguội rồi sau đó bảo quản hạt trong chum đậy kín, để nơi khô ráo và thoáng mát.

Thành phần hóa học
Toàn cây đậu tương chứa khoảng 12% nước, 16% là glucid, 14 -15% là protein, 6% là muối khoáng và còn lại là các chất khác không có nitơ.
Trong hạt, chứa trung bình khoảng 8% là nước, 4-5% là chất vô cơ (trong đó nhiều nhất là kali(2%), photpho(0,65%), lưu huỳnh (0,45%), natri (0,38%), canxi (0,23%) và magiê(0,24%)).
- Glucid chiếm một hàm lượng tương đối nhiều từ 15-25% bao gồm các holosid như ( raffinose, sacarose, stachyose) và các pentosan, galactoza. Hàm lượng tinh bột rất ít tuy nhiên lại bị men amylase phân giải, chuyển thành dextrin và đường.
- Hàm lượng chất béo cũng chiếm một phần khá lớn với 15-20% có khi đạt 23%. Hàm lượng phần trăm của các glycerin axit béo: Linolein chiếm 49,3%, olein chiếm 32%, panmitin chiếm 6,5%, stearin chiếm 4,2%, linolenin chiếm 2%, aracgidin chiếm 0,7%, axit panmitooleic hay axit hexadexenoic chiếm 0,5% và lignoxerin chiếm 0,1% .
- Trong dầu béo của đậu tương còn có các phospholipid mà chủ yếu là lexitin (1-5%)
- Và thành phần chiếm hàm lượng lớn nhất trong hạt đậu tương đó là chất protid chiếm với 35- 40%, có khi đạt tới 50%, bao gồm một globulin, một anbumin, glyxinin và một casein (photphoproteit) gần giống như casein có trong sữa bò.
Ngoài ra, trong cây đậu tương còn có một số thành phần:
- Đậu đen và tím mang sắc tố anthoxyan.
- Sắc tố màu vàng: các carotenoid và một số dẫn xuất flavon.
- Một số Vitamin tan được trong nước như vitamin B1, B2.. PP và một số vitamin tan được trong dầu như A, D , E, K, F.
- Ngoài ra còn có một số các loại men như amylase, lipaseidin, protease, urease,…
Công dụng và liều dùng Đậu tương
Công dụng
Đậu tương thường được chế biến thành thức ăn dùng hàng ngày như đậu phụ, bột, sữa, cháo,…. Ngoài ra còn được phối hợp chung với một số loại thực phẩm khác làm thành ngũ cốc,… bồi dưỡng cơ thể mà đặc biệt là đối với trẻ nhỏ, bệnh nhân đái tháo đường, thiếu khoáng chất, lao động tri óc, làm việc quá sức, người mới ốm dậy, người bị thấp khớp….
Ngoài ra, đậu tương còn giúp phòng trừ các bệnh: phong hàn ngoại cảm, nhức đầu, đau mắt, thông tiểu, sốt không ra mồ hôi, chứng bụng đầy khó chịu, mệt mỏi, mất ngủ, nôn mửa.
Liều dùng
Ngày dùng 16-20g đậu tương đã được tán thành dạng thuốc bột hoặc cũng có thể dùng ở dạng thuốc sắc.
Một số bài thuốc sử dụng Đậu tương
Bài thuốc bổ can thận
Đậu tương, đậu xanh, đậu đỏ, vừng đen, lạc, đậu đen đong chúng với hàm lượng như nhau thêm đường trắng với lượng vừa đủ. Sao thơm tán bột, trộn đều lên, ăn 2 lần/ ngày, mỗi lần khoảng 30g bột dùng với nước đường hoặc sữa tươi. Thường dùng cho những người có thể chất bị suy nhược, sắc mặt tím tái, không tươi, tóc bạc sớm, tóc rụng nhiều.
Bài thuốc kiện tỳ ích vị, tư âm bổ huyết
Bột đậu tương 100g, bột ngô 200g, bột mì 100g, đường đỏ 150g, sữa bò 150g, trứng gà 4 quả . Trộn đều 3 loại bột cùng với đường đỏ, đập 4 quả trứng gà vào, thêm sữa bò và thêm nước vừa đủ, trộn đều kỹ, nặn, nhào tạo hình thành bánh, nướng chín, mỗi ngày ăn từ 30 – 50g.

Bài thuốc bổ dưỡng não tủy
Đậu phụ (dạng chế biến của đậu tương) 200g, đầu cá chép 1 phần, khiếm thực 25g, hành, rau cần, gừng tươi, dầu vừng và một số gia vị . Đầu cá làm sạch, sau đó bổ làm đôi, ướp với gừng và các gia vị, cho vào nồi thêm nước, nấu sôi nấu sôi. Khiếm thực được ngâm trong nước ấm cho mềm, sau đó xát và bỏ phần vỏ. Đậu phụ cắt thành miếng vừa ăn, sau đó rán vàng cùng dầu vừng. Cho khiếm thực và đậu phụ đã rán vàng cùng với rau cần và hành cho vào nồi nấu cùng với đầu cá cho chín hẳn, dùng làm canh ăn trong bữa cơm thường ngày. Thường dùng cho những người bị suy nhược thần kinh và suy nhược cơ thể
Những điều cần lưu ý khi sử dụng vị thuốc Cao đậu tương
- Đậu tương tuy là là thực phẩm ít có độc tính và an toàn, tuy nhiên cũng có thể gây ra một số tác dụng phụ nhẹ như táo bón, buồn nôn và đầy hơi nếu như sử dụng quá nhiều.
- Nên thận trọng khi dùng bột đậu tương cho người bị dị ứng với các thành phần có trong đậu tương và trẻ sơ sinh với đường tiêu hóa còn yếu kém, có thể dẫn đến các triệu chứng như ngứa da, buồn nôn, phát ban, mệt mỏi và có thể gây sốc phản vệ.
- Trong đậu tương tươi chứa một số hoạt chất có hại. Vì vậy, tránh sử dụng đậu tương khi còn tươi sống hoặc uống sữa đậu tương khi chưa được chế biến. Khi chế biến các món ăn từ đậu tương cũng không nên nấu quá lâu sẽ làm biến chất của dược liệu.
- Tránh dùng đậu tương và uống quá nhiều sữa từ loại đậu này cùng lúc sẽ gây dư thừa lượng chất dinh dưỡng và dẫn đến đau bụng, đi ngoài.
- Tránh dùng đậu tương cùng lúc với các loại thuốc kháng sinh như Erythromycin , Tetracycline có thể khiến các chất dinh dưỡng bị phá hủy.
- Tránh dùng đậu tương cho các bệnh nhân: có tỳ vị hư hàn, bị rối loạn tiêu hóa, di tinh, hoặc tiểu nhiều về đêm, thận hư.
Tài liệu tham khảo
- Đỗ Tất Lợi (2013). Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam. NXB Hồng Đức
- Trần, C. L., Đỗ, V. M., & Vũ, T. B. (2016). Giáo trình Dược liệu học.
- Tuệ Tĩnh, Tuyển tập 3303 cây thuốc đông y, NXB Y học.
- Nhóm tác giả viện dược liệu, Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam ( tập 1), NXB khoa học và kỹ thuật.