Cát cánh – Từ giảm ho đến bảo vệ tim mạch và nhiều công dụng khác

Dược liệu Cát cánh
5/5 - (1 bình chọn)

Danh pháp

Tên khoa học

Platycodon grandiflorum.

Tên tiếng Việt

Cánh thảo, Kết cánh, Bạch dược, Tể ni, Phương đồ, Mộc tiện, Lư như, Khổ cánh, Phù hổ.

Phân loại khoa học

Giới Plantae

Bộ Asterales

Họ Campanulaceae (họ Hoa chuông)

Chi Platycodon

Loài P. grandiflorum

Mô tả cây

Cát cánh là một loại cây thảo nhỏ đa niên. Thân đứng cao khoảng 50 – 80cm, nhẵn, màu lục xám chứa nhựa mủ. Lá gần như không có cuống, lá phía dưới mọc đối hay vòng 3 – 4 lá. Phiến lá hình trứng, gốc tròn, đầu nhọn, phía mép có răng cưa. Lá phía trên nhỏ, có khi mọc so le, dài từ 3 – 6cm, rộng từ 1 – 2,5cm.

Hoa hình chuông to màu làm tím hoặc trắng, mọc riêng lẻ hoặc thành bông thưa ở kẽ lá hay ngọn cành. Đài màu xanh, 5 thùy, hình chuông rộng, dài 1cm, mép có 5 răng; tràng hợp màu lam tím hoặc trắng, hình chuông, có 5 cánh hợp; nhị 5, bầu 5 ô.

Quả nang, hình trứng ngược, bao bọc trong đài tồn tại chứa nhiều hạt nhỏ, màu đen nâu.

Rễ củ có vỏ ngoài màu vàng nhạt, đôi khi phân nhánh.

Rễ hình trụ, thuôn dần về phía dưới, đôi khi có phân nhánh, phần trên còn sót lại vết tích gốc thân, có nhiều sẹo nhỏ, dài từ 5 – 15cm, đường kính khoảng 0,7 – 2cm. Mặt ngoài rễ có màu vàng nhạt đến vàng nâu nhạt, có nhiều rãnh dọc và nếp nhăn ngang. Thể chất giòn, mặt bẻ thô không phẳng, không có xơ. Mặt cắt ngang có phần gỗ màu trắng ngà hoặc nâu nhạt, có vân như hoa cúc. Không mùi hoặc có mùi đường cháy nhẹ, vị ngọt sau hơi nhẫn đắng.

Hình ảnh cây Cát cánh
Hình ảnh cây Cát cánh

Sinh thái

Cây phân bố chủ yếu ở vùng ôn đới ấm Đồng – Bắc Á. Cát cánh được trồng lâu đời ở Trung Quốc sau du nhập sang cả Ấn Độ. Cây đang được di thực vào nước ta.

Về Việt Nam cây được trồng ở vùng núi cao nơi có khí hậu ẩm mát, sau chuyển dần xuống vùng có khí hậu nhiệt đới nóng và ẩm.

Mùa hoa nở: tháng 5 – 8; mùa quả: tháng 7 – 9.

Phân bố

Trên thế giới

Phân bố chủ yếu ở Nga, Trung Quốc, Triều Tiên và Nhật Bản.

Tại Việt Nam

Tập trung ở các tỉnh miền núi phía Bắc như SaPa, Bắc Hà (Lào Cai). Các vùng đồng bằng như các tỉnh Nam Định, Hà Nam, Thái Bình.

Bộ phận dùng

Thường dùng rễ của cây Cát cánh để làm thuốc.

Rễ cây Cát cánh được dùng làm thuốc
Rễ cây Cát cánh được dùng làm thuốc

Thu hái, chế biến

Thu hái

Thu hái khi cây được 2 năm và vào mùa đông khi cây tàn lụi hoặc mùa xuân. Nhưng thu hái vào mùa thu đông tốt hơn.

Chế biến

Đào lấy rễ, cắt bỏ đầu rễ và rễ con, rửa sạch, ngâm dược liệu trong nước, để ráo nước hoặc ủ khoảng 12h và để nguyên hoặc cạo bỏ lớp vỏ ngoài, thái lát mỏng phơi hay sấy khô.

Bảo quản

Để dược liệu ở nơi khô ráo, thoáng mát, tránh mốc mọt.

Thành phần hóa học

Thành phần chính của rễ cây Cát cánh là các Saponin, trong đó chủ yếu là platycodin. Saponin trong Cát cánh thủy phân cho hỗn hợp các chất gồm là acid platicogenic A, B, C, acid polygalasic A, B, C và platycodigenin. Ngoài ra còn có platycodonin, botulin, a-spinasterol, và nhiều acid amin, nguyên tố vi lượng khác.

Rễ cây Cát cánh còn có flavonoid (platyconin, apigenin, luteolin, platycosid…), các acid phenol, polyacetylen, sterol, acid béo (acid linoleic) và amino acid.

Tác dụng dược lý

Trừ đờm, giảm ho

Các bộ phận của Cát cánh đều có tác dụng trừ đàm, chủ yếu liên quan đến thành phần saponin. Saponin khi uống có tác dụng kích thích, tăng phản xạ tăng tiết dịch phế quản, giúp đờm loãng ra, dễ khạc. Ngoài ra, Platycodin cũng có tác dụng giảm ho hiệu quả.

Chống viêm

Saponin toàn phần có tác dụng chống viêm mạnh trên mô hình phù chân chuột cống trắng do carrageenan và acid acetic gây ra. Platycodin sử dụng đường uống có tác dụng ức chế u hạt, chống viêm khớp thực nghiệm rõ rệt, đồng thời có tác dụng ức chế tăng tính thấm mao mạch chuột nhắt trắng sốc phản vệ; tiêm phúc mạc saponin toàn, làm tăng ACTH và hàm lượng corticosteron huyết thanh tăng lên rõ rệt. Cơ chế tác dụng chống viêm của Cát cánh được thông qua kích thích trục tuyến yên – tuyến thượng thận.

Giảm đau, hạ sốt

Platycodin dùng đường uống có tác dụng ức chế viêm rõ rệt trên mô hình đau quặn do tiêm acid acetic vào phúc mạc ở chuột nhắt trắng, tác dụng hạ sốt rõ rệt trên chuột nhắt trắng gây sốt thực nghiệm bằng vi khuẩn Salmonella typhi, Salmonella enterica, vaccin.

Tác dụng trên hệ tim mạch

Platycodin tiêm tĩnh mạch ở chó làm tăng lưu lượng máu mạch vành, hạ huyết áp thoáng qua; tiêm tĩnh mạch chuột cống trắng gây giảm nhịp tim, hạ huyết áp thoảng qua và suy hô hấp, thời gian tác dụng tỷ lệ thuận với sự tăng lên của liều. Trên tim chuột lang cô lập, platycodin làm giảm lực co bóp tâm nhĩ, giảm nhịp tim, nhưng có tác dụng ức chế acetylcholin (Ach) gây rung nhĩ.

Hạ đường huyết và cholesterol

Dịch chiết nước và cắn ethanol Cát cánh có tác dụng hạ đường huyết thực nghiệm trên thỏ tăng đường huyết do alloxan, có thể ức chế tăng đường huyết do chế độ ăn và giảm phục hồi glycogen ở gan. Cắn chiết ethanol có tác dụng mạnh hơn dịch chiết nước. Platycodin làm hàm lượng cholesterol trong gan giảm và tăng bài tiết cholesterol ở chuột cống trắng.

Độc tính và phản ứng bất lợi

Trên chuột nhắt trắng LD50 của dịch chiết nước cát cánh đường uống là 24g/kg TT, của platycodin đường uống là 420 mg/kg TT, tiêm phúc mạc là 22,3mg/kg TT. Trên thỏ, platycodin đường uống có liều chết 100% trong 24 giờ là 40g/kg TT và liều sống 100% là 20g/kg TT. Trên chuột lang tiêm màng bụng, LD50 của platycodin là 23,1mg/kg TT.

Tính vị, tác dụng

Tính khổ, tân, ôn. Vị cay, hơi ngọt sau đắng, tính bình. Quy vào kinh phế.

Công năng: Ôn hóa hàn đàm, trừ mủ, lợi hầu họng, tuyên phế.

Chủ trị: Ho đờm nhiều, ngực tức, hầu họng đau, tiếng khàn, áp xe phổi, tiêu mủ, mụn nhọt, lỡ loét.

Dược liệu Cát cánh
Dược liệu Cát cánh

Công dụng và liều dùng

Công dụng

Rễ Cát cánh có tác dụng làm giảm ho và khử đờm, hạ nhiệt, giảm đau; làm trấn tĩnh; làm hạ đường huyết; giãn mao mạch và chống loét, chống viêm.

Cát cánh được dùng để trị ho có đờm hôi tanh, viêm họng, hen suyễn, khàn tiếng. Còn được dùng trị tức ngực, ho ra máu, mủ, khó thở, nhọt ở phổi, tiết lỵ.

Trong y học Trung Quốc, Cát cánh được dùng làm thuốc long đờm, chữa ho, một số bệnh về phổi và phế quản khác nhau. Các cánh có trong thành phần của thuốc mỡ dùng ngoài để điều trị một số bệnh ngoài da. Phối hợp với nhiều vị thuốc khác nhau để điều trị viêm ruột thừa.

Ở Nhật Bản, Cát cánh được dùng để chữa đau họng, ho có đờm, viêm phế quản, mụn nhọt và một số bệnh khác.

Ở Ấn Độ, rễ Cát cánh là vị thuốc quan trọng dùng làm thuốc long đờm, thuốc bổ, thuốc gây trụng tiện, chữa đầy bụng.

Liều dùng

Ngày dùng từ 3 – 9g. dùng dưới dạng thuốc sắc.

Một số bài thuốc

Bách gia trân tàng (Chữa ho, tiêu đờm)

Cát cánh, Bạc hà, Mộc thông, Cây bươm bướm, Chiêu liêu, mỗi vị 6g. Sắc uống.

Chữa cam răng, miệng hôi

Cát canh, Hồi hương, mỗi vị lượng bằng nhau, tán nhỏ trộn đều, chấm vào nơi cam răng đã được rửa sạch,

Ngũ tích tán (Chữa cảm ngoại trong lạnh ngoài nóng, sợ rét, không khát, chăn tay lạnh, đi phân sống)

Cát canh 5,7g; Bán hạ 7,5g; Thương truật 2,8g; Trần bì 2,3g; Can khương, Hậu phác, mỗi vị 1,5g; Quế nhục, Bạch linh, Bạch chỉ, Xuyên khung, Đương quy, Bạch thược, Cam thảo chích, mỗi vị 1,2g.

Chữa một số bệnh ngoài da

Cát cánh 6g, Cam thảo 4g, Gừng 2g, Táo chua 5g, nước 600ml, sắc còn 300ml. Chia làm 3 lần uống trong ngày hoặc dùng làm thuốc mỡ bôi da.

Những điều cần lưu ý khi sử dụng vị thuốc Cát cánh

Tính phá huyết của Cát cánh rất mạnh.

Phụ nữ có thai khi sử dụng cần thận trọng.

Cấm sử dụng Cát cánh dưới dạng thuốc tiêm.

Những người âm hư mà ho, âm hư hỏa nghịch thì không sử dụng Cát cánh được.

Cát cánh đường uống không độc và không thấy phản ứng bất lợi, đôi khi thấy buồn nôn, nôn mửa; nặng có thể chân tay đổ mồ hôi, suy nhược, bồn chồn.

Không dùng cho người không phế, phong hàn bế tắc.

Tài liệu tham khảo

  1. 1. Đỗ Tất Lợi (2013), Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, Hồng Đức.
  2. 2. Trần, C. L., Đỗ, V. M., & Vũ, T. B. (2016). Giáo trình Dược liệu học.
  3. 3. Nguyễn Nhược Kim (2007). Bào chế đông dược.
  4. 4. Trường Đại Học Dược Hà Nội – Chủ biên: PGS. TS. Nguyễn Mạnh Tuyển (2021), Dược lý dược cổ truyền, NXB Y Học.
Ngày viết:
Để lại câu hỏi về bài viết

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

1800 1799