Chỉ xác và những lợi ích không ngờ ! Những lưu ý khi sử dụng vị thuốc

Chỉ xác phiến sau khi thu hái và qua chế biến
5/5 - (2 bình chọn)

Danh pháp

Tên khoa học

Fructus Citri aurantii.

Tên tiếng Việt

Chỉ thực, Xuyên chỉ xác, Xuyên chỉ thực, Trúc, Đường quất, Nô lệ, Thương xác, Đổng đình nô lệ.

Phân loại khoa học

Họ Cam – Rutaceae.

Mô tả cây

Chỉ xác thuộc loại cây gỗ nhỏ, cao 2 – 10m. Thân nhẵn, không có gai hoặc có gai ngắn, thẳng. Lá mọc so le, hình trái xoan, phiến dai, gốc tròn, đầu tù có khi lõm, hơi có răng ở gần đầu lá; cuống lá có cánh ruộng, có khi to bằng phiến lá, hai mặt nhẵn, mặt trên bóng.

Cụm hoa là một chùm mọc ở kẽ lá, gồm 6 – 8 hoa nhỏ, màu trắng hoặc vàng nhạt, có 5 lá dài, 5 cánh hoa, 20 nhị.

Quả có hình cầu hoặc hình trứng, có núm, vỏ quả ngoài sần sùi màu nâu hoặc nâu thẫm, khi chín có màu vàng nhạt, ruột màu vàng lục. Phía đầu của quả có những túi tinh dầu dạng hạt trũng xuống, có vết vòi nhụy còn sót lại hoặc vết sẹo của cuống quả. Mặt cắt giữa vỏ quả, có màu trắng vàng, nhẵn, hơi nhô lên, dày khoảng 0,4 – 1,3cm, có khoảng 1 – 2 hàng túi tinh dầu ở phần ngoài vỏ quả. Chất cứng, rắn, khó bẻ gãy. Ruột quả có từ 7 đến 12 múi, một số ít quả có tươi có tới 15 – 16 múi. Múi khô, nhăn nheo, có màu từ nâu đến nâu thẫm, trong có hạt. Mùi thơm, vị đắng, hơi chua.

Sinh thái

Chỉ xác có nguồn gốc từ các vùng nhiệt đới như Ấn Độ, Malaysia, sau lan rộng ra nhiều nước Đông Nam Á khác, trong đó có Việt Nam và ở cả Nam Trung Quốc.

Chỉ xác thuộc loại cây gỗ nhỏ ưa sáng và ưa ẩm, rụng lá vào mùa đông, ra lá non và hoa vào giữa mùa xuân.

Mùa hoa nở vào tháng 2 – 4; mùa ra quả: tháng 5 – 8.

Phân bố

Trên thế giới

Phân bố chủ yếu ở các các nước Đông Nam Á và Trung Quốc.

Tại Việt Nam

Cây mọc hoang và được trồng nhiều ở vùng đồng bằng và trung du các nơi miền Bắc và miền Nam nước ta.

Bộ phận dùng

Chỉ xác là quả chưa chín hoặc gần chín đã bổ đôi để làm thuốc, phơi hay sấy khô cùa cây Cam chua.

Thu hái, chế biến

Thu hái

Thu hoạch Chỉ xác lúc trời khô ráo vào tháng 7 – 8, hái các quả vào lúc gần chín.

Hình ảnh cây chỉ xác
Hình ảnh cây chỉ xác

Chế biến

Sau khi thu hái quả, bổ quả ngang làm đôi, phơi hoặc sấy nhẹ ở 40 – 50°C cho tới khô.

Chỉ xác phiến: Sau khi thu hoạch các quả, đem loại bỏ tạp chất, rửa sạch, ủ mềm, nạo bỏ ruột và hột, thái lát ngang, phơi hoặc sấy khô nhẹ. Lát thái hình dài hay hình cung không đều, dài 5cm rộng đến 1,3cm.

Chỉ xác sao cám: Đun 10kg cám trên chảo đến khi bốc khói, cho 1kg Chỉ xác phiến vào sao cám đến khi có màu vàng thẫm lấy ra, lọc bỏ cám.

Chỉ xác mang hiệu quả chữa bệnh cao khi để càng lâu.

Chỉ xác phiến sau khi thu hái và qua chế biến
Chỉ xác phiến sau khi thu hái và qua chế biến

Bảo quản

Để dược liệu ở nơi khô ráo, tránh mốc mọt.

Thành phần hóa học

Trong Chỉ xác người ta thấy có naringin, methylhesperdin. Cây Chỉ xác mọc ở Philippin có vỏ quả chứa 4% tinh dầu, trong đó thành phần chính là D – citral. Với cây mọc ở Ấn Độ, vỏ quả chứa 0,7% tinh dầu, trong đó thành phần chính là D – citronelal.

Một nhà nghiên cứu người Nhật đã xác định vỏ quả chứa tinh dầu với 57 hoạt chất, trong đó có gần 24% D – citronelal; 26% β – pinen và 18% terpinen – 4 – ol. Còn dịch chiết từ cỏ quả chứa gần 32% β – pinen; 16% sabinen; 17% citronelal.

Tác dụng dược lý

Tác dụng trên tử cung, ruột cô lập

Thử nghiệm trên tử cung cô lập của thỏ có thai hoặc không có thai. Tác dụng không ổn định, khi thì ức chế, khi thì kích thích, khi lại không tác dụng.

Trên chuột nhắt cô lập, thuốc có tác dụng ức chế là chủ yếu (khoảng 70%).

Các loại dịch chiết như sắc với nước, chiết bằng cồn hoặc chế cao lỏng có tác dụng như nhau.

Adrenalin cũng có tác dụng ức chế, nhưng khoảng thời gian tác dụng ngắn, còn Chỉ xác có tác dụng kéo dài.

Tác dụng trên tử cung, dạ dày, ruột, thử lại chỗ

Trên tử cung thỏ có thai hay không, thuốc có tác dụng hưng phấn, gây tăng co bóp, có thẻ co cứng.

Trên dạ dày ở ruột chó cũng thấy tác dụng hưng phấn, co bóp tăng nhưng nhịp co đều đặn.

Sự khác nhau giữa tác dụng trên quan cô lập (ức chế) và thử tại chỗ (hưng phấn) có lẽ có vai trò của hệ TKTW.

Tác dụng lên mạch máu, hệ tiết niệu và hô hấp

Thử trên huyết áp của cho gây mê thấy huyết áp tăng lên, dung tích của thận giảm, lượng nước tiểu bài xuất giảm.

Trên tim ếch cô lập: nồng độ thấp làm tim co bóp, nhưng nồng độ cao co bóp lại giảm. Thấy tác dụng ức chế tim ở trên chuột.

Thử trên hệ mạch bụng ếch, thấy tác dụng co mạch.

Không có tác dụng giãn nở hoặc co khí quản của chuột cống trắng.

Các tác dụng khác

Naringin, methylhesperidin có trong Chỉ xác, tiêm 5mg vào màng bụng chuột bạch gây ức chế tim lập tức. Dùng liên tục 9 ngày sẽ thấy tác dụng ức chế tối đa vào ngày thứ 3. Còn có khuynh hướng làm giảm huyết áp.

Ngoài ra, vỏ quả cũng có tác dụng làm tăng độ acid dịch vị.

Tính vị, tác dụng

Tính khổ, tân, lương, tính hơi hàn, vị the, chua, đắng. Quy vào các kinh tỳ, vị.

Công năng: Phá khí, hòa đờm, tiêu tích, trừ bĩ, lợi cách, khoan hung (Hòa hoãn hơn Chi thực).

Chủ trị: Ngực sường trướng đau do khí trệ, khó tiêu do đờm trệ.

Công dụng và liều dùng

Công dụng

Chỉ xác có tác dụng giúp sự tiêu hóa, trừ đờm, táo thấp, lợi tiểu tiện, ra mồ hôi, yên dạ dày, ruột.

Ngoài ra còn dùng để chữa ho, hen, đờm xuyễn.

Chỉ xác chữa thần kinh dễ bị kích thích, đánh trống ngực, nuốt hơi, bệnh thần kinh gây mất ngủ, trằn trọc ban đêm, động kinh, đau nửa đầu, tích trệ.

Dịch quả ở Chỉ xác tươi chữa bệnh chảy máu chân răng.

Liều dùng

Ngày dùng từ 6 – 12g có thể hơn, dùng dưới dạng thuốc sắc hoặc ngâm rượu.

Các thầy thuốc thường cho phối hợp trong các bài thuốc.

Dược liệu chỉ xác
Dược liệu chỉ xác

Một số bài thuốc

Chữa trẻ con đi lỵ, ăn uống thất thường

Chỉ xác sấy khô tán nhỏ. Mỗi ngày cho uống 2 lần, mỗi lần 3g.

Chữa táo bón

Chỉ xác, Bồ kết, hai vị thuốc lượng bằng nhau. Hai vị phơi khô, tán nhỏ làm thành viên bằng hạt ngô. Uống 10 viên vào buổi tối trước khi đi ngủ.

Chữa đại tiện không thông, nôn nghén

Chỉ xác, Mộc thông, mỗi vị 8g. Sắc uống.

Chữa đau tức ngực ở vùng gan, dưới sường phải hoặc ở dưới mỏ ác trên rốn, ăn không tiêu, tích báng, bụng trướng nổi gân xanh, đi ngoài phân sống trắng bệch hoặc nhiều lần lượng ít, ợ hôi thối

Chỉ xác 8g, Nghệ đen 8g. Sắc uống.

Chữa huyết ứ, hàng tháng thấy kinh chậm, sau chu kỳ bình thường, lượng kinh ít, màu thẫm hoặc đen hoặc bụng đau tức có khi có hòn cục, ấn vào càng đau, đại tiện thường táo

Chỉ xác 12g, lá Mần tưới 12g, Ngưu tất 12g (hoặc Cỏ xước 20g), Tô mộc 12g, Ích mẫu 16g, Nghệ xanh 16g, Củ gấu (tứ chế) 16g. Sắc uống, dùng ngày 1 thang, uống 3 – 5 thang.

Những điều cần lưu ý khi sử dụng vị thuốc Chỉ xác

Tỳ vị hư hàn mà không có thấp và tích trệ nên kiêng kỵ.

Phụ nữ có thai hoặc gầy yếu quá không nên dùng dược liệu Chỉ xác.

Quá mẫn hoặc dị ứng với bất kỳ thành phần nào của dược liệu.

Để phòng trường hợp gặp những tác dụng không mong muốn, nên tham khảo ý kiến của các thầy thuốc và bác sĩ để có thể phát huy công dụng của vị thuốc Chỉ xác.

Tài liệu tham khảo

  1. 1. Đỗ Tất Lợi (2013), Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, Hồng Đức.
  2. 2. Trần, C. L., Đỗ, V. M., & Vũ, T. B. (2016). Giáo trình Dược liệu học.
  3. 3. Nguyễn Nhược Kim (2007). Bào chế đông dược.
  4. 4. Trường Đại Học Dược Hà Nội – Chủ biên: PGS. TS. Nguyễn Mạnh Tuyển (2021), Dược lý dược cổ truyền, NXB Y Học.
Ngày viết:
Để lại câu hỏi về bài viết

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

1800 1799