Danh pháp
Tên khoa học
Salvia miltiorrhiza.
Tên tiếng Việt
Huyết sâm, Xích sâm, Huyết căn, Đơn sâm, Tử sâm, Hồng căn, Cứu thảo.
Phân loại khoa học
Họ Hoa môi – Lamiaceae.
Mô tả cây
Đan sâm là một cây thảo sống lâu năm, cao 0,4 – 0,8m, toàn thân mang lông ngắn màu vàng trắng nhạt. Thân vuông, có 4 cạnh và lông mềm, trên có các gân dọc. Lá kép mọc đối thường có 3 – 7 lá chét, hình trứng hoặc trái xoan, dài 2 – 7cm, gốc tròn, đầu nhọn, có cuống dài; lá chét giữa thường lớn hơn, cuống lá chét ngắn có dìa; mép lá có răng cưa tù, mặt trên màu xanh, mặt dưới có màu xanh tro, hai mặt đều có lông mềm màu trắng. Gân nổi chằng ở mặt dưới như thành mạnh lưới làm phiến lá như bị rộp lên, chia phiến lá chét thành múi nhỏ.
Cụm hoa mọc ở đầu cành hay kẽ lá tạo thành chùm bông, 10 – 20cm. Hoa mọc vòng tạo thành nhiều vòng sít nhau ở ngọn, mỗi vòng 3 – 10 hoa màu lơ tím nhạt; tràng màu xanh tím nhạt, 2 môi, môi trên cong hình lưỡi liềm và dài hơn ống tràng, môi dưới chia làm 2, nhị 3, bầu có vòi dài lòi ra ở môi trên; đài chia 2 môi, môi trên nguyên, môi dưới xẻ 2 thùy, thùy giữa có răng cưa tròn.
Quả bế nhỏ, đầu tù.
Thân rễ hình trụ, ngắn, cứng chắc, đôi khi còn sót lại gốc của thân ở đỉnh. Rễ mảnh, hình trụ dài, hơi cong, có khi phân nhánh và có rễ con, dài 10 – 20cm. Mặt ngoài rễ màu đỏ nâu, thô ráp, có vân nhăn dọc. Vỏ rễ khi già thường bong ra, có màu nâu tía. Thể chất cứng và giòn, mặt bẻ gãy có vết nứt không chắc, hoặc hơi phẳng và đặc, phần vỏ màu đỏ nâu và phần gỗ màu vàng xám hoặc màu nâu tía với bó mạch màu trắng vàng, xếp theo hướng xuyên tâm. Mùi nhẹ, vị hơi đắng và se.
Sinh thái
Cây thích nghi và phân bố chủ yếu vùng ôn đới ấm và cận nhiệt đới, có ít loài sống ở vùng nhiệt đới.
Mùa ra hoa từ tháng 5 – 8; mùa kết quả từ tháng 6 – 9.

Phân bố
Trên thế giới
Tập trung tại Trung Quốc.
Tại Việt Nam
Được di thực đến nước ta, cây được trồng chủ yếu ở đồng bằng và trung du Bắc bộ và đang được trồng ở Tam Đảo.
Bộ phận dùng
Thường dùng rễ và thân rễ phơi hay sấy khô của cây.
Thu hái, chế biến
Thu hái
Thu hoạch rễ vào mùa đông.

Chế biến
Sau khi đào lấy rễ và thân rễ, rửa sạch, bỏ rễ con và thân con sót lại, phơi và sấy khô.
Đan sâm khô, loại bỏ tạp chất và thân sót lại, rửa sạch, ủ mềm, thái lát dày, phơi khô để dùng.
Tửu Đan sâm (Chế rượu): Đem Đan sâm rửa sạch, thái phiến, thêm rượu, trộn đều, đậy kín, để 1 giờ cho dược liệu ngấm hết rượu, đem sao nhỏ lửa đến khô, lấy ra để nguội.
Bảo quản
Để dược liệu ở nơi khô ráo, thoáng mát, tránh mốc và mọt.
Thành phần hóa học
Trong rễ của Đan sâm có chứa các hợp chất:
Các polyphenol: acid salvianolic, acid caffeic, acid rosmarinic, acid lithospermic.
Phenol và acid phenolic: danshensu, acid rosmarinic, acid lithospermic, acid lithospermic dimethyl ester, acid rosmarinic methyl ester, các acid salvianolic (A, B, C, G).
Các hợp chất diterpen: miltiron, salviol, feruginol, dehydromiltiron, miltiodiol, miltionon, danshenspirocetal lacton, epi – danshenspirocetal lacton, tanshion (I, IIA, IIB), methyltanshinonat, hydroxytanshinon IIA, cryptotanshinon, dihydrotanshinon I, przewaquinon (A, B), miltionon II, tanshinlacton, isocryptotanshinon, isotanshinon (I, IIA), danshenxinkun D, silvilenon.
Các thành phần khác: β – sitosterol, tanin, vitamin E.
Tác dụng dược lý
Tính lưu biến huyết dịch
Dịch chiết nước và thuốc tiêm Đan sâm làm giảm độ nhớt của máu toàn phần và huyết thanh, huyết tương, tăng tốc độ điện di huyết sắc tố, tăng khả năng biến dạng của hồng cầu, giảm tính bám dính của bạch cầu, cải thiện tính lưu biến máu trên động vật thí nghiệm.
Trên nghiên cứu lâm sàng, Đan sâm làm giảm độ nhớt dính của máu bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim, mạch vành, đột quỵ thiếu máu não… Có tác dụng cải thiện đáng kể tình trạng “niêm, tụ, trệ” trên bệnh nhân bị hội chứng huyết ứ.
Chống kết tập tiểu cầu
Sử dụng ADP gây kết tập tiểu cầu, Đan sâm tác dụng ức chế kết tụ và thúc đẩy giải tụ, tác dụng này phụ thuộc vào liều. Tiêm tĩnh mạch tanshinon IIA natri sulfat sẽ làm giảm độ bám dính và tập hợp tiểu cầu; các dẫn xuất acetyl của acid salvianolic A có tác dụng ức chế ADP, AA, thrombin, collagen gây kết tập tiểu cầu in vitro. Tác dụng của danshensu là ức chế tổng hợp TXA2, PDE, giảm phân huỷ cAMP.
Chống đông máu
Đan sâm có tác dụng chống đông máu in vitro; danshensu, tanshinone là các thành phần có tác dụng chống đông. Tanshinone IIA natri sulfat kéo dài thời gian calci hoá prothrombin và thromboplastin; danshensu kéo dài thời gian prothrombin mà có tác dụng chống đông máu.
Phân giải fibrin
Danshensu, tanshinon IIA natri sulfat thúc đẩy quá trình tiêu hủy fibrin. Đan sâm thông qua kích hoạt hệ thống cầm máu, phân giải fibrin, dẫn đến phân hủy fibrin, thúc đẩy tiêu sợi huyết.
Chống huyết khối
Danshensu, tanshinon IIA natri sulfat có tác dụng ức chế sự hình thành huyết khối in vitro, kéo dài thời gian tạo huyết khối, giảm độ dài, giảm trọng lượng cục máu đông. Tác dụng chống huyết khối của Đan sâm có liên quan đến khả năng ức chế kết tập tiểu cầu, chống đông máu và phân hủy fibrin.
Tác dụng hạ cholesterol và chống xơ vữa động mạch
Trên mô hình thử nghiệm xơ vữa động mạch, Đan sâm làm giảm TG và LDL-C, làm giảm diện tích xơ vữa động mạch chủ và giảm hàm lượng cholesterol tại thành động mạch. Acid salvianolic A và B có tác dụng mạnh nhất chống peroxy hóa lipid và dọn gốc tự do mạnh; có tác dụng ngăn ngừa màng tế bào bị tổn thương và chống xơ vữa động mạch.
Chống thiếu máu cơ tim
Đan sâm cải thiện vi tuần hoàn, tăng lưu lượng máu mạch vành, thúc đẩy tuần hoàn bàng hệ, cải thiện tính lưu biến máu, cung cấp máu cho cơ tim thiếu máu cục bộ; làm giảm nồng độ angiotensin II trong máu, ức chế tăng TXA2 và IP3 sau nhồi máu cơ tim cấp. Tác dụng chống thiếu máu cơ tim của Đan sâm liên quan đến khả năng giảm diện tích thấm máu và viêm, ức chế hoạt hoá bạch cầu và chống tổn thương do peroxy hóa lipid.
Cao rễ Đan sâm có tác dụng trên rối loạn vi tuần hoàn gây bởi noradrenalin ở túi má chuột lang, làm giãn tiểu động mạch và tăng tốc độ vi tuần hoàn. Nhận xét cho thấy tác dụng tương tự ở vi tuần hoàn tĩnh mạch và mao mạch. Tiêu dẫn chất tanshinon II natri sulfonat của hoạt chất vào đầu phía xa của động mạch vành đi xuống, ở xa chỗ tắc, làm giảm có ý nghĩa kích thước của nhồi máu ơ tim cấp tính 24 giờ sau khi cho thuốc. Kích thước vùng thiếu hụt mạch giảm đáng kể hoặc mất đi.
Tác dụng tốt của tanshinon II natri sulfonat trên thiếu máu cục bộ của tim có liên quan với sự thúc đẩy mở nhanh những nhánh mạch vành.
Thử nghiệm lâm sàng trên 180 bệnh nhân có bệnh mạch vành tim chứng tỏ chất nêu trên có tác dụng cải thiện bệnh trên điện tâm đồ hay lâm sàng đối với đau thắt ngực và tức ngực.
Hiện nay Đan sâm là 1 trong những thành phần khá quan trọng trong các sản phẩm tim mạch với tác dụng hỗ trợ hoạt huyết, tăng cường lưu thông khí huyết.
Bạn có thể tham khảo thêm sản phẩm tim mạch có chứa Đan sâm tại đây
Chống thiếu máu não
Đan sâm, tanshinone IIA và acid salvianolic có tác dụng bảo vệ não trong mô hình thiếu máu não và thiếu máu não – tái tưới máu ở chuột. Đan sâm có tác dụng làm giảm tỷ lệ đột quỵ não và tử vong trên mô hình động vật thí nghiệm, trên mô hình thiếu máu não – tái tưới máu làm giảm phù; giảm nhẹ tổn thương do thiếu máu, giảm diện tích não bị tổn thương, cải thiện tình trạng hạn chế vận động. Đan sâm làm giảm thiểu lượng bạch cầu đa nhân xâm nhập vào khu vực não thiếu máu – tái tưới máu, nên giảm tổn thương tế bào thần kinh.
Microglia là, sau thiếu máu não – tái tưới máu, Đan sâm có tác dụng kháng hoạt tính của microglial – đại thực bào trong hệ TKTW, và ức chế khả năng thực bào của nó.
Đan sâm còn ngăn chặn bám dính tế bào nội mạc mạch máu với bạch cầu, giảm bạch cầu trung tính xâm nhập vào gây tổn thương tế bào thần kinh mô não thiếu máu cục bộ. Đan sâm làm giảm tổn thương do thiếu máu não thông qua kích thích giải phóng acid amin cản trở sự vận chuyển Ca2+ vào tế bào, chống peroxy hóa lipid, tăng lưu lượng máu não, cải thiện vi tuần hoàn não.
An thần
Đan sâm làm giảm hoạt động tự chủ của động vật, hiệp đồng ức chế TKTW với cloral hydrat, meprobamat, hexobarbital; ức chế tác dụng hưng phấn của amphetamin; danshensu một thành phần hoạt chất chính cho tác dụng an thần.
Chống tổn thương gan
Có tác dụng bảo vệ gan trên nhiều mô hình gây tổn thương gan khác nhau, như CCI4, acetaminophen. Tác dụng bảo vệ gan của Đan sâm thông qua khả năng giảm ALT, giảm tổn thương bệnh lý trên tế bào gan, thúc đẩy hồi phục chức năng gan, ức chế sự phát triển xơ gan…
Cải thiện chức năng thận
Ức chế nhiều tác nhân khác nhau gây tổn thương thận, chứng thận hư trên nhiều mô hình khác nhau. Đan sâm cải thiện chức năng thận, làm tăng lưu lượng máu và tỷ lệ lọc qua thận, giảm ure huyết thanh và creatinin. Tác dụng bảo vệ thận của Đan sâm liên quan mật thiết đến khả năng cải thiện lưu biến máu, tăng lưu lượng máu qua thận, cải thiện vi tuần hoàn tổ chức thận, chống hình thành huyết khối, chống peroxy hoá…
Thúc đẩy hồi phục và tái sinh mô tế bào
Dược liệu thúc đẩy hồi phục nhiều loại tổ chức tổn thương khác nhau. Đan sâm còn có tác dụng tăng khả năng hồi phục niêm mạc dạ dày, ruột tổn thương; làm tăng tuần hoàn huyết dịch cục bộ và dọn gốc tự do, ức chế peroxy hóa lipid, có tác dụng tích cực đến thúc đẩy hồi phục và tái sinh tổ chức.
Tính vị, quy kinh
Tính khổ, vị hàn, hơi hàn. Quy vào các kinh tâm, can.
Công năng: Hoạt huyết, bổ huyết, thông kinh, giảm đau, thanh tâm lương huyết, thanh tâm, trừ phiền.
Chủ trị: Kinh nguyệt không đều, bế kinh, đau bụng kinh, huyết tích hòn cục, đau thắt ngực; mất ngủ, tâm phiền.

Công dụng và liều dùng
Công dụng
Đan sâm được dùng chữa bệnh tim, tâm hư phiền nhiệt, hồi hộp khó chịu, thần kinh suy nhược, nhức đầu, mất ngủ, mụn độc, ghẻ lỡ.
Dùng chữa phụ nữ kinh nguyệt không đều, rong kinh, bế kinh, đau bụng, bụng dưới kết hòn cục, phụ nữ chưa chồng da vàng, ăn uống thất thường, tử cung xuất huyết, làm thuốc bổ máu cho phụ nữ, an thai, tiêu thai chết.
Đan sâm dùng trị đau thắt ngực, phong thấp, các khớp xương sưng đau, chấn thương sai khớp, tăng cường tuần hoàn máu.
Còn dùng chế thuốc xoa bóp.
Ở Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản, Đan sâm còn được dùng để trị bệnh tiểu đường, thái hóa khớp xương, tăng cường tuần hoàn máu, nhiễm khuẩn da, chứng to gan lách.
Liều dùng
Ngày dùng 6 – 12g, dùng dưới dạng thuốc sắc.
Một số bài thuốc
Thiên vương bổ tâm đan (Chữa suy nhược cơ thể, thiếu máu, phụ nữ sau đẻ mất máu)
Đan sâm 8g; Huyền sâm, Địa hoàng, mỗi vị 12g; Thiên môn, Mạch môn, mỗi vị 10g; Phục linh, Viễn chí, Đương quy, Bá tử nhân, Toan táo nhân, mỗi vị 8g; Ngũ vị tử, Cát cánh, mỗi vị 6g; Chu sa 0,6g. Dùng dạng thuốc sắc uống kèm với gói chu sa để riêng, ngày một thang. Hoặc tán bột làm viên, mỗi ngày 20g.
Tư can bổ thận (Bài thuốc bổ)
Đan sâm, Hoài sơn, Ngọc trúc, Hà thủ ô đỏ, mỗi vị 400g; Đương quy 2000g; Đơn bì, Bạch linh, Mạch môn, Trạch tả, mỗi vị 200g; Thanh bì, Chỉ thực, Thù nhục, mỗi vị 100g. Các vị thuốc tán nhỏm dùng mật ong hoặc siro luyện thành viên hoàn nặng 5g, ngày uống 4 – 6 viên.
Thiên vương bổ tâm (Chữa tim hồi hộp, chóng mặt, nhức đầu, hoa mắt, ù tai)
Đan sâm, Sa sâm, Thiên môn, Mạch môn, Thục địa, Long nhãn, Đảng sâm, mỗi vị 12g; Bá tử nhân, Toan táo nhân, Viễn chí, mỗi vị 8g; Ngũ vị tử 6g. Sắc uống.
Hà sa hoàn thang (Chữa động kinh)
Đan sâm 8g; Đảng sâm, Bạch truật, Kỷ tử, Hà thủ ô, mỗi vị 12g; Tử hà sa, Phục linh, Viễn chí, mỗi vị 8g; Trần bì, Cam thảo, mỗi vị 6g. Làm thành viên hoặc uống.
Tiêu giao tán gia giảm (Chữa đau dây thần kinh liên sườn)
Đan sâm, Bạch truật, Bạch thược, Bạch linh, Uất kim, Sài hồ, Thanh bì, mỗi vị 8g; Bạc hà, Hương phụ, Cam thảo, mỗi vị 6g; Gừng 4g. Tán bột hoặc sắc uống.
Than tư âm hoạt huyết
Đan sâm 12g; Sinh địa, Huyền sâm, Thảo quyết minh sao, Ngưu tất, mỗi vị 16g; Đơn bì, Xích thược, Mạch môn, Huyết giác, Mộc thông, mỗi vị 12g; Hoàng cầm, Chi tử, mỗi vị 10g; Cam thảo dây 8g. Sắc uống.
Chữa viêm khớp cấp
Đan sâm 12g; Hy thiêm bảo, Ké đầu ngựa, Thổ phục linh, Kim ngân, mỗi vị 20g; Kê huyết đằng, Tỳ giải, mỗi vị 16g; Cam thảo nam, Ý dĩ, mỗi vị 12g. Sắc uống ngày 1 thang.
Chữa suy tim
Đan sâm 16g; Đảng sâm 20g; Bạch truật, Ý dĩ, Xuyên khung, Ngưu tất, Trạch tả, Xa tiễn, Mộc thông, mỗi vị 16g. Sắc uống.
Chữa viêm gan mạn tính, sưng gan, đau vùng gan
Đan sâm, Nọc sởi, mỗi vị 20g. Sắc uống hàng ngày.
Những điều cần lưu ý khi sử dụng vị thuốc Đan sâm
Người mẫn cảm hay dị ứng với Đan sâm hay các thành có trong dược liệu không nên sử dụng.
Không phối hợp Đan sâm với giấm, Lê lô, vì có thể xảy ra tác dụng phụ gây hại đến sức khỏe.
Phụ nữ có thai không được sử dụng vì dễ làm sảy thai hoặc sinh non.
Phụ nữ đang trong lúc hành kinh không nên dùng vì sẽ làm chu kỳ kéo dài thêm, đẩy máu ra ngoài nhiều.
Người huyết áp thấp nên kiêng vị thuốc Đan sâm vì sẽ gây tụt huyết áp.
Trước khi sử dụng nên tham khác ý kiến của các thầy thuốc và bác sĩ để phát huy tác dụng và an toàn sức khỏe khi dùng vị thuốc Đan sâm này.
Tài liệu tham khảo
- 1. Đỗ Tất Lợi (2013), Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, Hồng Đức.
- 2. Trần, C. L., Đỗ, V. M., & Vũ, T. B. (2016). Giáo trình Dược liệu học.
- 3. Nguyễn Nhược Kim (2007). Bào chế đông dược.
- 4. Trường Đại Học Dược Hà Nội – Chủ biên: PGS. TS. Nguyễn Mạnh Tuyển (2021), Dược lý dược cổ truyền, NXB Y Học.
Bài viết liên quan