Đỗ trọng: Vị thuốc bổ thận, mạnh gân cốt và nhiều tác dụng khác

Danh pháp

Tên khoa học

Eucommia ulmoides.

Tên tiếng Việt

Mộc miên, Ngọc ti bì, Tự trọng, Ty liên bì, Hậu đỗ trọng, Miên hoa, Xuyên đỗ trọng, Dang ping (Tày)

Phân loại khoa học

Giới Plantae

Bộ Garryales

Họ Eucommiaceae (Họ Đỗ trọng)

Chi Eucommia

Loài E. ulmoides

Mô tả cây

Đỗ trọng là cây nhỡ hay cao 10 – 15m hay hơn, thường xanh. Vỏ thân màu xám, khi bẻ đôi sẽ thấy những sợi màu trắng mảnh như sợi tơ giữa các mảnh vỏ. Lá mọc so le, hình trứng rộng, gốc tròn, đầu nhọn, mép có khía răng cưa; mặt trên lục sẫm, mặt dưới nhạt hơn, khi đứt lá làm 2 – 3 mảnh cũng thấy những sợi nhựa trắng như tơ giữa các mảnh lá đó liền nhau, giống như vỏ cây; phiến lá dài 6 – 13cm, cuống lá ngắn 1 – 1,5cm.

Hoa đơn tính, hoa đực và hoa cái khác gốc, không có bao hoa; hoa đực mọc thành chùm, hoa cái tụ tập ở kẽ lá.

Quả hình thoi, dài 3cm, rộng 1cm, dẹt, đầu quả xẻ đôi thành chữ V, chứa một hạt, màu nâu bóng.

Vỏ thân là những miếng vỏ phẳng hoặc hay bên mép hơi cong vào, to nhỏ không đều, dày 0,2 – 07cm, màu xám tro. Mặt ngoài sần sùi, có nhiếp nếp nhăn dọc và vết tích của cành con. Mặt trong vỏ màu sẫm, trơn, chất giòn, dễ bẽ gãy, mặt bẻ có nhiều sợi màu trắng ánh bạc, có tính đàn hồi như cao su. Vị hơi đắng.

Sinh thái

Đỗ trọng thuộc lại cây gỗ nhỡ, bắt đầu từ vùng ôn đới ấm ở Trung quốc; cây ưa khí hậu ẩm mát của vùng á nhiệt đới núi cao (trên 1300m). Cây rụng lá và chịu được băng tuyết khi sang mùa đông. Đến tháng 3 hàng năm, các chồi ngủ mọc nhiều lá non, đồng thời ra hoa quả. Sau khi chặt cây có khả năng tái sinh cây chồi khỏe.

Hình ảnh cây Đỗ trọng
Hình ảnh cây Đỗ trọng

Phân bố

Trên thế giới

Cây được trồng ở các tỉnh tại Trung Quốc (Vân Nam, Quảng Đông, Quảng Tây, Tứ Xuyên, Quý Châu), còn trồng ở Triều Tiên, Nhật Bản và Nga cũ.

Tại Việt Nam

Được đem về trồng tại Hà Nội và SaPa (Lào Cai), Hà Giang, Lai Châu, Hòa Bình..

Bộ phận dùng

Thường dùng vỏ thân phơi hay sấy khô của cây.

Thu hái, chế biến

Thu hái

Thu hái vào mùa hạ khi cây đã được 10 năm. Thu hoạch vỏ ở những cây có đương kính to.

Thường gặp dạng vỏ thân được xén ngang nhưng chưa đứt rời hẳn (còn nối với nhau bởi một lớp nhựa) trông giống như da rắn.

Vỏ thân của cây Đỗ trọng được dùng làm thuốc
Vỏ thân của cây Đỗ trọng được dùng làm thuốc

Chế biến

Sau khi thu hái vỏ thân, cắt thành từng đoạn, ép phẳng, xếp thằng đống, ủ cho nhựa chảy ra, tới khi mặt trong vỏ có màu tím đen hay nâu đen, đem phơi khô, cạo bỏ vỏ ngoài cho nhẵn bóng.

Đỗ trọng thái miếng: Cạo vỏ thô còn sót lại, rửa sạch, thái miếng hoặc sợi còn tơ, phơi khô, dùng sống hoặc chế.

Diêm Đỗ trọng (Chế muối): Lấy Đỗ trọng thái miếng, tẩm dược liệu trong nước muối 2 giờ (dùng 1kg Đỗ trọng cho 30g muối trong 200ml nước), sao vàng đến khi đứt tơ; hoặc sao cho đến khi mặt ngoài màu đen sém, khi bẻ gãy thấy tính đàn hồi tơ kém sơ với khi chưa sao. Vị hơi mặn.

Bảo quản

Để dược liệu ở nơi khô, thoáng mát.

Thành phần hóa học

Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng Đỗ trọng sử dụng chất nhựa của nó có tính chất như cao su.

Có 2 nhóm nhóm thành phần chính là iridoid glycosid và lignan glycosid.

Các iridoid glycosid có trong vỏ thân, bao gồm aucubin, harpagid acetat, ajugosid, reptosid và cucomiol. Aucubin là thành phần chính có hàm lượng 0,1 – 4% ở vỏ thân và 1,6 – 1,7% ở lá.

Ngoài ra, còn có ulmosid (aucubigenin – 1 – β – isomaltosid), eucomiosid, acid geniposid, geniposid, 4 – deoxyeucomiol (chất này có cả ở thân và lá).

Các lignan glycosid từ vỏ thân gồm medioresinol di-O-β-D-glucopyranosid, olivil di-O-β-D-glucopyranosid, hydroxypinoresinol di-O-β-D-glucopyranosid, eucomin A. Bổ sung thêm nhiều chất lignan đã quen biết liriodendrin, pinoresinol diglucosid.

Pinoresinol diglucosid có chủ yếu ở libe của vỏ 0,55% (các phần khác của vỏ không có diglucosid).

Nhiều chất lignan và lignan glycosid cũng được phát hiện trong Đỗ trọng như guaiacylglycerol-β-D-medioresinol ether diglucosid, alcol erythro hydroxy dehydroconiferylic.

Ngoài ra còn có các chất thuộc nhóm hóa học khác như erytho và threo – guaiacyl – glycerol, ulmoprenol, nonacosan, n – triacontanol, β – sitosterol, betulin, acid betulic, acid ursolic, acid vanilic, tinh dầu, chất béo.

Lá chứa acid chlorogenic, acid cafeic, acid dihydrocafeic, acid tartric, catechol.

Tác dụng dược lý

Những kết quả nghiên cứu cho thấy vỏ thân Đỗ trọng có tác dụng kích thích với liều thấp, và với liều cao có tác dụng ức chế hệ thần kinh trung ương, đặc biệt vùng dưới vỏ não.

Có tác dụng gây hạ huyết áp do ảnh hưởng trên trung tâm vận mạch ở hành tủy và trên hệ thống dây thần kinh phế vị và làm tăng sức co bóp của cơ tim.

Nước sắc vỏ thân làm tăng tiết niệu ở chuột nhắt, tăng trương lực cơ trơn tử cung và ruột động vật thí nghiệm.

Vì thuốc ít độc, cho chuột nhắt cái thiến uống dịch chiết của một bài thuốc bổ thận đông y gồm Đỗ trọng và một số vị thuốc khác, thấy có tác dụng gây động dục kiểu oestrogen.

Cao cồn vỏ thân tiêm tĩnh mạch cho cho gây mê, đã gây hạ huyết áp. Nhưng sau khi cho thuốc nhiều lần, có hiện tượng quen thuốc. Đỗ trọng gây hạ áp còn do tác dụng làm giãn mạch ngoại vi và tác dụng trực tiếp trên cơ trơn thành mạch. Dịch chiết từ quả cũng có tác dụng gây hạ huyết áp.

Nước sắc vỏ thân cho vào dạ dày chó gây tăng huyết áp do thận trong 4 tuần, đã có tác dụng hạ áp yếu.

Trên thỏ và chó được tiêm tĩnh mạch các chế phẩm Đỗ trọng, thấy dược liệu sao có tác dụng mạnh hơn thuốc sống, nước sắc tác dụng mạnh hơn cao cồn.

Nhiều nghiên cứu khoa học về sinh học trên các dẫn chất lignoid chiết từ vỏ thân Đỗ trọng đã chứng minh trong dẫn chất có tác dụng kháng khuẩn, chống phân bào, chống ung thư và tác dụng ức chế đặc hiệu một số enzyme.

Các dẫn chất iridoid được chiết từ vỏ thân Đỗ trọng, được nghiên cứu và thấy có một số tác dụng dược lý như tác dụng kháng khuẩn, hạ huyết áp, giảm đau, chống viêm, an thần, nhuận tràng và chống ung thư.

Các hợp chất phân lập từ vỏ thân Đỗ trọng đã được nghiên cứu về hoạt tính chống kết hợp bổ thể. Cao 50% methanol và nước của vỏ thân có tác dụng chống kết hợp bổ thể rõ rệt.

Trong các dẫn chất lignanoid từ vỏ thân Đỗ trọng, cucomimin A và một số chất khác có tác dụng chống kết hợp bổ thể ở mức trung bình. Những lignan glucosid có hoạt tính mạnh hơn những aglycon của chúng. Trong các hợp chất iridoid từ vỏ thân Đỗ trọng, genipin có hoạt chất chống kết hợp bổ thể mạnh nhất, cucommiol có hoạt tính yếu. Trong các glucosis iridoid, geniposid và một sốt chát khác cũng có hoạt tính chống kết hợp bổ thể yếu.

Tính vị, quy kinh

Vị cam, hơi tân, tính ôn. Quy vào các kinh can, thận.

Công năng: Bổ can thận, mạnh gân cốt, an thai, hạ áp, dưỡng huyết, ấm tử cung.

Chủ trị: Can thận bất túc, xương khớp, gân cốt vô lực, đau nhức lưng gối, hoa mắt, tăng huyết áp, di tinh, liệt dương, động thai ra máu, lưu thai chóng mặt.

Dược liệu Đỗ trọng
Dược liệu Đỗ trọng

Công dụng và liều dùng

Công dụng

Vỏ thân Đỗ trọng dùng điều trị thận hư, chân gối yếu mỏi, phong thấp, sưng tê phù, đau lưng, tăng huyết áp, di tinh, liệt dương, có thai đau bụng, động thai ra huyết, hay đi đái đêm, bại liệt.

Đỗ trọng còn được dùng điều trị phù và những bệnh về thận, gan và bệnh thống phong. Còn có tác dụng chữa bệnh ngoài da khi dùng thuốc bôi.

Gutta percha, dịch dạng sữa đặc của cây có tính chất đàn hồi và có thể được dùng trong lâm sàng khoa miệng.

Trung y học cổ truyền Trung Quốc, vỏ thân Đỗ trọng được dùng chữa các chứng bệnh đau mỏi lưng và khớp gối, di tinh, có thai đau tức ở vùng hông, động thai, tăng huyết áp.

Ở Nga, Đỗ trọng được công nhận là thuốc trị cao huyết áp.

Ở Nhật Bản, Đỗ trọng cũng có công dụng bổ gan thận, cường gân, xương, an thai.

Liều dùng

Ngày dùng 5 – 12g, dùng dưới dạng thuốc sắc, dạng hoàn tán, cao lỏng hoặc rượu thuốc. Khi dùng, có thể sử dụng dạng tẩm muối sao

Dạng thuốc mỡ khi dùng ngoài.

Có thể dùng Đỗ trọng riêng hoặc phối hợp với các vị thuốc khác.

Một số bài thuốc

Cao đại bổ (Chữa âm tinh suy kiệt, đau lưng, mỏi gối, di tinh, hay sốt chiều, đổ mồ hôi trộm)

Đỗ trọng, Câu kỷ tử, Ngưu tất, mỗi vị 60g; Rau thai nhi (rau con so, vô bệnh) 1 bộ; Hoàng bá, Trần bì nướng, mỗi vị 40g; Gừng khô 15g.

Rau thai cắt bỏ gân màng, lấy mũi đỏ tươi, ngâm rượu một đêm rồi nấu nhừ vắt lấy nước. Câu kỷ tử, Đỗ trọng, Ngưu tất, Hoàng bá nấu lấy nước đặc, trộn với nước rau thai; Trần bì, Gừng khô tán bột cho vào, bắc lên chảo cô cách cát cho thành cao, pha thêm 25% rượu, đựng vào chai đựng nút kỹ. Ngày dùng 3 lần, mỗi lần 2 thìa canh, pha với nước nóng uống.

Hà sa đại tạo hoàn gia long cốt, mẫu lệ (Chữa thận âm hư, suy nhược thần kinh, tăng huyết áp)

Đỗ trọng 12g; Rau thai nhi 1 cái; Đảng sâm, Thục địa, Ngưu tất, Long cốt, Mẫu lệ, mỗi vị 16; Hoàng bá 8g, Tạo giác 4g. Đem tất cả các vị đi tán bột, làm thành viên, mỗi ngày uống 16 – 20g.

Hà sa đại tạo hoàn (Chữa hen phế quản khi hết cơn hen)

Đỗ trọng 60g; Thục địa 80g; Hoàng bá, Quy bản, mỗi vị 60g; Rau thai nhi khô, Mạch môn, Thiên môn, Ngưu tất, mỗi vị 40g. Tán nhỏ làm viên, mỗi lần uống 10, ngày 2 lần.

Thiên ma câu đằng ẩm (Chữa tăng huyết áp thể âm hư dương xung, hay gặp ở thể tăng huyết áp người trẻ, hoặc rối loạn tiền mãn kinh)

Đỗ trọng 14g; Thạch quyết minh 20g; Tang ký sinh, Ích mẫu, Dạ giao đằng, mỗi vị 16g; Câu đằng, Phục linh, Ngưu tất, Hoàng cầm, mỗi vị 12g; Chi tử 8g, Thiên ma 6g. Nếu nhức đầu, thêm Cúc hoa, Mạnh kinh tử, mỗi vị 12g; hoặc ngủ không đủ giấc thêm Toan táo nhân, Bá tử nhân, mỗi vị 8g. Sắc uống, ngày 1 thang.

Độc hoạt ký sinh thang gia giảm (Chữa đau dây thần kinh hông do thoái hoa cột sống gây chèn ép)

Đỗ trọng 8g; Độc hoạt, Tang ký sinh, Ngưu tất, Đảng sâm, Phục linh, Bạch thược, Đương quy, Thục địa, Đại táo, mỗi vị 12g; Phòng phong, Cam thảo, mỗi vị 8g; Tế tân, Quế chi, mỗi vị 6g. Sắc uống, ngày 1 thang.

Thai nguyên ẩm (Chữa động thai, có thai ra máu do khí huyết hư)

Đỗ trọng 12g; Đảng sâm 16g; Bạch thược, Thục địa, mỗi vị 12g; Đương quy 8g; Trần bì 6g; Cam thảo 4g. Sắc uống.

Những điều cần lưu ý khi sử dụng vị thuốc Đỗ trọng

Khi chế biến, dược liệu dễ bị biến chất và mốc mọt khi ẩm ướt nên cần phơi hay sấy khô ngay.

Người có âm hư, hỏa vượng hay can thận âm hư không nên dùng.

Không dùng Đỗ trọng cùng Huyền sâm và Xà thoái, kết hợp sẽ gây ra các tác dụng phụ.

Người âm hư thể nhiệt phải sử dụng vị thuốc Đỗ trọng cẩn thận, có thể gây các tác dụng không mong muốn.

Không sử dụng cho phụ nữ đang mang thai, mắc chứng máu khó đông.

Sử dụng dạng tẩm rượu, không nên kết hợp cùng tỏi và hành.

Tài liệu tham khảo

  1. 1. Đỗ Tất Lợi (2013), Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, Hồng Đức.
  2. 2. Trần, C. L., Đỗ, V. M., & Vũ, T. B. (2016). Giáo trình Dược liệu học.
  3. 3. Nguyễn Nhược Kim (2007). Bào chế đông dược.
  4. 4. Trường Đại Học Dược Hà Nội – Chủ biên: PGS. TS. Nguyễn Mạnh Tuyển (2021), Dược lý dược cổ truyền, NXB Y Học.
Ngày viết:
Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *