Độc hoạt: Bài thuốc chữa xương khớp hiệu quả. Cách sử dụng Độc hoạt

Hình ảnh cây Độc hoạt
Đánh giá post

Danh pháp

Tên khoa học

Angelica pubescens.

Tên tiếng Việt

Đương quy lông, Hương độc hoạt, Mao đương quy.

Phân loại khoa học

Họ Hoa tán – Apiaceae

Mô tả cây

Độc hoạt là cây thảo sống nhiều năm, cao 0,5 – 1m có khi hơn. Thân mọc thẳng đứng, hình trụ, toàn thân màu tím nhạt, nhẵn không có lông, có rãnh dọc. Lá kép phía gốc 2 – 3 lần lông chim, lá chét nguyên hình bầu dục hay hình trứng hoặc chia thùy không đều, mép có răng cưa tù không nhọn, cuống lá nhỏ, phía dưới nở rộng thành bẹ có dìa mỏng; gân lá có lông ngắn và thưa.

Cụm hoa hình tán kép mọc ở kẽ lá hay đầu ngọn, có lông mịn màu vàng nâu, lá bắc 1 – 2 cái nhỏ hình kim; gồm 10 – 25 cuống tán nhỏ, mỗi tán nhỏ có 15 – 30 hoa, hoa nhỏ màu trắng.

Quả bế đôi, hình thoi dẹt, hình trụ, hình trứng hoặc hình bầu dục tròn, trên lưng có ống dẫn, hai bên phát triển thành dìa.

Rễ cái hình trụ, trên to, dưới nhỏ, đầu dưới phân 2 – 3 nhánh hoặc hơn, dài 10 – 30cm. Đầu rễ phình ra, hình nón ngược với nhiều vân ngang. Đỉnh trên còn sót lại ít gốc thân, mặt ngoài màu nâu xám hay nâu thẫm, có vân nhăn dọc, các lỗ vỏ hơi lồi ngang và những vết sẹo rễ con hơi nổi lên. Thể chất tương đối rắn chắc, khi ẩm thì mềm. Mặt bẻ gãy có vỏ màu xám trắng, với nhiều khoang dầu màu nâu rải rác, gỗ từ màu vàng đến xám nâu. Rễ có mùi thơm đặc biệt, vị đắng và hăng, nếm hơi tê lưỡi. Rễ lúc tươi màu trắng, khi phơi khô ngoài vỏ biến màu xám, trong ruột màu vàng, chất nhẹ xốp, vị cay.

Sinh thái

Cây gốc Trung Quốc, thuộc vùng ôn đới, được nhập vào Việt Nam. Cây thích nghi cao với điều kiện khí hậu của á nhiệt đới núi cao. Cây phát triển mạnh vào mùa hè, sau thân lá lụi khô vào cuối thu; vòng đời của cây khoảng từ 8 – 9 tháng.

Mùa ra hoa vào tháng 6 – 9; mùa kết quả vào tháng 10 – 12.

Hình ảnh cây Độc hoạt
Hình ảnh cây Độc hoạt

Phân bố

Trên thế giới

Cây mọc tập trung ở các tỉnh Trung Quốc như Triết Giang, Hồ Bắc, Hồ Nam.

Tại Việt Nam

Được trồng vùng núi ở Lào Cai, Lai Châu.

Bộ phận dùng

Người ta thường dùng rễ phơi hay sấy khô của cây Độc hoạt.

Thu hái, chế biến

Thu hái

Thu hoạch rễ vào tháng 2 -8. Thu hái khi thân, lá khô, lụi tàn hoặc vào mùa xuân trước khi cây nảy chồi, đào lấy rễ.

Rễ cây Độc hoạt được thu hoạch làm thuốc
Rễ cây Độc hoạt được thu hoạch làm thuốc

Chế biến

Sau khi đào lấy rễ, bỏ thân lá và rễ con, rửa sạch, phơi hoặc sấy đến gần khô, xếp đống 2 – 3 ngày, sau khi mềm, phơi hoặc sấy khô.

Dược liệu khô, loại bỏ tạp chất, rửa sạch, ủ mềm, thái phiến mỏng, phơi khô hay sấy khô ở nhiệt độ thấp.

Bảo quản

Để dược liệu ở những nơi khô mát, tránh mốc và mọt.

Thành phần hóa học

Rễ có các coumarin (angelol A – H, bergapten, columbianadin, columbianetin, umbelliferon).

Trong Độc hoạt có ostol, bergapten, angelon và angelical.

Rễ Độc hoạt chứa nhiều dẫn chất coumarin: angelol, bergapten, byakangelicin, coumurayin, osthol, glabralacton, scopoletin, psoralen, xanthotoxin, isopimpinelin, 7 – methoxy – 8 – senecioylcoumarin, 8 – (3 – hydroxyisovaleroyl) – 5,7 – dimethoxycoumarin, 5 – isopentanyloxy – 7 – methoxy – 8 – senecioylcoumarin.

Bên cạnh đó, nhiều chất prenylcoumarin mới được xác định là angelol B – H. Các angelol A, B; angelol C, F; angelol D, G, H là đồng phân lập thể.

Quả Độc hoạt chứa 9 coumarin: osthol, byakangelicol, byakangelicin, umbeliprenin, umbeliferon, imperatorin, oxypeucedanin, ncobyakangelicol và sec – O – acetylbyakangelicin.

Tác dụng dược lý

Tác dụng trên điện não

Thử nghiệm lâm sàng trên mô hình cấy điện cực trường diễn vào các trung tâm nghe, nhìn và cảm giác vận động của não thỏ. Độc hoạt làm tăng thành phần các sóng chậm, đặc biệt là sóng delta, tăng quá trình ức chế ở vỏ não và làm giảm hưng phấn, đồng thời biên độ điện thế có giảm; kết hợp ghi điện tim ở những thỏ này, thấy Độc hoạt ít ảnh hưởng trên hoạt động tim.

Tác dụng ức chế hoạt tính của cholinesterase trong huyết thanh

Độc hoạt có tác dụng ức chế rõ. Có lẽ đây là một nguyên nhân, Độc hoạt làm tăng hàm lượng acetylcholin.

Tác dụng giảm đau

Dùng mô hình gây đau bằng acid acetic tiêm trong màng bụng, thấy dịch chiết nước và cắn chiết methanol Độc hoạt có tác dụng giảm đau ở mức độ vừa phải. Bergapten cũng có hoạt tính giảm đau.

Tác dụng trên tim

Thử nghiệm lâm sàng trên tim ếch bị cô lập có tác dụng ức chế tim ếch. Ở nồng độ 2% thuốc trong dịch nuôi, Độc hoạt không có ảnh hưởng gì trên hoạt động tim. Nâng lên đến nồng độ 2,5%, biên độ có hơi giảm, nhưng nhịp tim vẫn không đổi.

Cắn chiết methanol Độc hoạt tiêm tĩnh mạch, làm hạ huyết áp trên chó và mèo gây mê. Osthol trong Độc hạt có tác dụng làm giãn mạch máu và hạ áp, với liều 10mg/kg có thể làm giảm 30% huyết áp động mạch của mèo gây mê trong vòng 2 giờ. GABA được chiết tách từ Độc hoạt có tác dụng đối kháng chứng loạn nhịp tim trong các thí nghiệm khác nhau, làm chậm sự xuất hiện, làm giảm tỷ lệ và rút ngắn thời gian của nhịp nhanh thất.

Tác dụng chống viêm

Dùng mô hình gây phù chân chuột bằng carrageenan, dịch chiết nước và cắn chiết methanol Độc hoạt có tác dụng chống viêm cấp khá rõ. Trên mô hình cầu bông ở chuột có tác dụng chống viêm khớp, ức chế u hạt. Chất osthol trong Độc hoạt có tác dụng chống viêm mạnh.

An thần

Dịch chiết nước và cắn methanol của Độc hoạt có tác dụng an thần, làm giảm hoạt động tự chủ ở chuột cống và chuột nhắt trắng, đồng thời có tác dụng chống co giật do strychnin gây ra trên ếch.

Chống co thắt

Tinh dầu Độc hoạt có tác dụng chống co thắt trên ruột chuột lang cô lập, tác dụng ức chế co thắt ruột do acetylcholin và histamin gây ra rõ rệt, tác dụng phụ thuộc vào liều; còn có tác dụng chống co thắt trên tử cung in vivo và in vitro. Cắn chiết ethanol Độc hoạt đối kháng tác dụng co thắt khí quản do histamin gây ra trên chuột lang. Osthol tác dụng phụ thuộc liều lượng, ức chế hoạt tính phosphodiesterase và tạo ra tác dụng chống co thắt.

Chống lão hóa

Dịch chiết nước và cắn ethanol của Độc hoạt có thể sửa cấu trúc phospholipid trong vỏ não, làm tăng hàm lượng IL-2 ở chuột trên mô hình gây lão hóa, chống viêm và dọn gốc tự do; cải thiện rõ rệt hoạt tính của phức hợp enzyme, chuỗi hô hấp tế bào trong mô não của chuột nhắt lão hoá.

Độc tính cấp

Đã dùng Độc hoạt với liều 100g/kg cho chuột nhắt trắng uống và không có chết.

Tính vị, quy kinh

Tính bình hơi ấm, vị đắng, ngọt, hơi cay. Quy vào ba kinh can, thận, bàng quang.

Công năng: Khu phong hàn, trừ thấp, thông tý, chỉ thống, giảm đau.

Chủ trị: Phong hàn thấp tý, lưng gối đau mỏi, thiếu âm phục phong đầu thống, phong hàn hiệp thấp đau đầu.

Dược liệu Độc hoạt
Dược liệu Độc hoạt

Công dụng và liều dùng

Công dụng

Độc hoạt thường dùng trị phong thấp, đau khớp, trúng phong co quắp, lưng gối đau mỏi, chân tay tê cứng.

Độc hoạt còn chữa cảm gió, đau đầu, đau răng.

Liều dùng

Ngày dùng 4 – 12g, dùng dưới dạng thuốc sắc hoặc ngâm rượu.

Thầy thuốc thường cho Độc hoạt phối hợp với các vị thuốc khác.

Một số bài thuốc

Độc hoạt thang (Chữa thấp khớp, đau lưng, đau mình, các khớp đau nhức)

Độc hoạt 5g; Đậu đen 5g; Đương quy, Phòng phong, Phục linh, Bạch thược, Hoàng kỳ, Cát căn, mỗi vị 3g; Nhân sâm 2g; Cam thảo, Can khương, Phụ tử 1g; nước 600ml sắc còn 200ml. Sắc uống, chia làm 3 lần uống trong ngày.

Độc hoạt ký sinh thang gia giảm (Chữa đau dây thần kinh hông do thoái hoa cột sống gây chèn ép)

Độc hoạt, Tang ký sinh, Ngưu tất, Đảng sâm, Phục linh, Bạch thược, Đương quy, Thục địa, Đại táo, mỗi vị 12g; Đỗ trọng, Phòng phong, Cam thảo, mỗi vị 8g; Tế tân, Quế chi, mỗi vị 6g. Sắc uống, ngày 1 thang.

Chữa trúng phong, răng cắn chặt, cứng đờ, cấm khẩu

Độc hoạt 20g, Xuyên khung 10g, Xương bồ 10g. Sắc uống.

Chữa cảm phong hàn, đau đầu, đau mình

Độc hoạt 8g; Ma hoàng, Xuyên khung, Cam thảo, mỗi vị 4g; Sinh khương 3 lát. Sắc uống. Nếu bị táo bón, thêm Đại hoàng 4g.

Những điều cần lưu ý khi sử dụng vị thuốc Độc hoạt

Không sử dụng vị thuốc cho những người âm hư hỏa vượng, huyết hư không phong hàn, thực tà.

Không dùng cho phụ nữ nửa người dưới yếu, đau nửa người.

Người mẫn cảm hay dị ứng với Độc hoạt hoặc các thành phần có trong dược liệu không được sử dụng.

Nên tham khảo ý kiến của người có chuyên môn để việc sử dụng các bài thuốc của vị thuốc Độc hoạt đạt hiệu quả nhất và an toàn sức khỏe.

Tài liệu tham khảo

  1. 1. Đỗ Tất Lợi (2013), Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, Hồng Đức.
  2. 2. Trần, C. L., Đỗ, V. M., & Vũ, T. B. (2016). Giáo trình Dược liệu học.
  3. 3. Nguyễn Nhược Kim (2007). Bào chế đông dược.
  4. 4. Trường Đại Học Dược Hà Nội – Chủ biên: PGS. TS. Nguyễn Mạnh Tuyển (2021), Dược lý dược cổ truyền, NXB Y Học.
Ngày viết:
Để lại câu hỏi về bài viết

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

1800 1799