Cây Hoàng bá: Vị Thuốc chữa nhiều bệnh nổi tiếng trong dân gian

Hoàng bá - Vị Thuốc chữa nhiều bệnh nổi tiếng trong dân gian

Cây Hoàng bá, là một loại dược liệu phổ biến trong lĩnh vực y học ngày nay. Được biết đến với tác dụng thanh nhiệt, an tâm, trừ lao, táo thấp, tư âm giáng hỏa, giải độc; tả hỏa ở thận kinh, trừ thấp nhiệt ở hạ tiêu,… Vậy, cây hoàng bá được ứng dụng trong việc điều trị các bệnh như thế nào hiệu quả và an toàn? Hãy cùng Sao Thái Dương tìm hiểu sau đây.

Giới thiệu về cây Hoàng bá

  • Tên khoa học: Phellodendron amurense.
  • Tên tiếng việt: Hoàng nghiệt, Quan hoàng bá, Nghiệt mộc, Sơn đồ, Hoàng nghiệt, Nguyên bá, Nghiệt bì.
  • Phân loại khoa học:
    • Giới: Plantae
    • Bộ:  Sapindales
    • Họ: Rutaceae (họ Cam)
    • Chi: Phellodendron
    • Loài: P. amurense
  • Mô tả cây:
    • Cây gỗ to cao, sống lâu năm, có thể cao tới 10 – 25m, đường kính thân có thể tới 70cm. rụng lá hằng năm.
    • Vỏ thân dày 0,3 đến 0,5 cm, dài 20cm đến 40cm, phân thành hai tầng rõ rệt, có những vết lõm sần sùi màu nâu.
    • Vỏ cành dày 0.15 – 0,2cm, mảnh dài cuộn lại thành hình ống. Mặt ngoài lớp thụ bì màu nâu xám, khi bong để lộ lớp bần màu nâu sẫm, trên có lấm tấm nhiều vết lỗ vỏ, mặt trong có màu nâu nhạt hơn, có nhiều những vết nhăn nhỏ, dọc.
    • Lá kép lông chim mọc đối hoặc lẻ, có từ 5 – 13 lá chét dày, hình trứng thuôn hoặc hình bầu dục, gốc tròn, dầu thuôn nhọn.
    • Cụm hoa màu vàng lục hoặc vàng nhạt mọc thành chùy ở đầu cành hoặc ngọn thân, dài 5 – 8m; hoa đơn tính khác gốc, mẫu 5.
    • Quả thịt hình cầu, khi chính quả có màu tím đen, có 2 – 5 hạt cứng.
  • Sinh thái:
    • Vùng ôn đới ẩm, thường mọc lẫn vào các kiểu rừng cây lá rộng. Tại Việt Nam, cây thích nghi với vùng có khí hậu ẩm mát của vùng nhiệt đới núi cao.
    • Hoàng bá là dạng cây gỗ mọc nhanh, ưa sáng và có thể hơi chịu bóng khi còn là cây con chưa phát triển. Cây sinh trưởng và phát triển mạnh trong mùa xuân – hạ; rụng lá vào mùa đông, lá non xuất hiện và tháng 3. Sau khi ra lá non, cây bắt đầu có hoa.
    • Mùa hoa: vào mùa hạ khoảng từ tháng 5 – 7; mùa quả: tháng 10 – 12.
  • Phân bố trên thế giới: Chủ yếu ở khu vực Đông và Đông – Bắc Á, bao gồm các nước Nga, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản.
  • Phân bố tại Việt Nam: Hiện nước ta vẫn còn phải nhập từ Trung Quốc. Thời gian gần đây cây được đem về trồng nhiều ở đồng bằng thường tại SaPa (Lào Cai), Lai Châu, Tam Đảo, Bá Thước.
  • Bộ phận dùng: Vỏ thân hoặc vỏ cành.

Xem thêm:

Hình ảnh cây Hoàng bá
Hình ảnh cây Hoàng bá

Tác dụng của Hoàng bá

Tác dụng kháng khuẩn

  • Cao cồn từ vỏ cây Hoàng bá có tác dụng kháng khuẩn với nhiều vi khuẩn gram dương và âm, trong đó có cả trực khuẩn lao. Dịch chiết và nước sắc từ Hoàng bá đều ức chế ở nhiều mức độ khác nhau.
  • Thí nghiệm trên ống kính đối với trực khuẩn lao người, Hoàng bá không có tác dụng ức chế trực tiếp nhưng có làm giảm số lượng vi khuẩn. Trên chuột lang được nhiễm lao bò, berberin tiêm bắp thịt có tác dụng điều trị nhất định.

Xem thêm: Tri mẫu: Vị thuốc quý thanh nhiệt và nhiều công dụng tuyệt vời

Tác dụng kháng nấm

Dịch chiết và nước sắc từ Hoàng bá được thí nghiệm trên ống kính có tác dụng ức chế một số nấm gây bệnh ngoài da.

Tác dụng kháng roi trùng

Nước sắc Hoàng bá (10%) có tác dụng ức chế roi trùng âm đạo nhưng không mạnh.

Tác dụng hạ huyết áp

Trên động vật gây mê, Hoàng bá tiêm tĩnh mạch hoặc tiêm phúc mạc đều có tác dụng hạ áp rõ rệt và kéo dài. Nước sắc Hoàng bá với cao lỏng Hoàng bá được tiêm phúc mạc trên động vật đều gõ tác dụng hạ áp nhưng cao lỏng ảnh hưởng không rõ đối với nhịp tim.

Tác dụng của vị thuốc Hoàng bá
Tác dụng của vị thuốc Hoàng bá

Tác dụng tăng tiết mật

Berberin trong thành phần của vỏ cây Hoàng bá có tác dụng tăng tiết mật và có ích trong điều trị giai đoạn mãn tính của bệnh viêm túi mật với rối loạn vận động đường dẫn mật, viêm túi mật do sỏi mật, viêm gan – túi mật, có biến chứng của viêm ống mật. Nhưng tác dụng không nhiều trong viêm túi mật cấp tính.

Tác dụng lợi tiểu

Hoàng bá có tác dụng lợi tiểu ức chế hoạt tính gây co thắt cơ trơn của hai hoạt chất Acetylcholin và histamin. Hoàng bá đã được kết hợp với các thuốc hóa dược sử dụng trong điều trị bệnh viêm ruột kết mạn tính đạt kết quả tốt. Một bài thuốc có Hoàng bá đã được điều trị tiêu chảy ở trẻ em đạt tỷ lệ đỡ và khỏi 95%.

Các tác dụng khác

  • Hoàng bá còn dùng để chữa kiết lỵ, tiêu chảy, hoàng đản (vàng da).
  • Ngoài ra còn có tác dụng giảm tiết dịch vị khi tiêm Berberin dưới da. Có thể dùng Berberin để điều trị loét dạ dày, chảy máu dạ dày và giảm tiết dịch vị.
  • Chống tiêu chảy, giảm tiết các thành phần nước và muối ở ruột non.
  • Vỏ cây Hoàng bá có tác dụng chống viêm khá mạnh.
  • Hoàng bá còn có tác dụng chống co thắt cơ trơn trên tử cung và ruột cô lập.
  • Hoàng bá có tác dụng gây trấn tĩnh và giảm sốt.

Thu hái, chế biến dược liệu Hoàng bá

Thu hái

Vỏ cây Hoàng bá được thu hoạch quanh năm nhưng thường vào tháng 3 – 6. Chỉ thu hoạch những cây có tuổi thọ từ 10 năm trở lên. Lớp vỏ dày bên ngoài thân và cành to sẽ được bóc tách mang về.

Chế biến

Vỏ thân và vò cành khi thu hái về cạo sạch lớp bụi bần, cắt thành từng miếng, phơi hoặc sấy khô ở 50 °C, loại tốt có màu vàng tươi rất đẹp, vị rất đắng; rối chế biến sao tẩm như sau:

  • Hoàng bá phiến: Đưa dược liệu đi ủ mềm, thái phiến chéo rộng 3 – 5mm, dài 5cm.
  • Hoàng bá sao: Cho Hoàng bá đã thái phiến vào nồi, sao nhỏ lửa đến khi có màu vàng đậm. Hoặc đung nồi nóng già khoảng 120 °C, đổ dược liệu vào, đảo đều, sao cho có màu vàng đậm.
  • Hoàng bá thán: Cho Hoàng bá phiến vào nồi, sao đến khi toàn bộ bên ngoài đen đều. Để dược liệu nguội, phun ít nước để trừ hỏa độc.
  • Hoàng bá tẩm rượu: Hoàng bá 10kg, rượu 2kg trộn đều rượu với Hoàng bá, ủ 30 phút cho ngấm hết, dùng lửa nhỏ sao tới khô. Hoặc sao Hoàng bá phiến lớn nóng già, rồi vẩy rượu và trộn đều, sao nhỏ lửa cho khô.
  • Hoàng bá tẩm muối: Dùng nước pha muối để có lượng thích hợp vừa đủ trộn đều vào Hoàng bá. Sau khi để thấm 30 phút cho nước muối ngấm đều, dùng lửa nhỏ sao tới khô. Cũng có thể sao Hoàng bá phiến đến nóng già rồi vẩy nước vào trộn đều, sao khô.

Bảo quản

Bảo quản Hoàng bá ở nơi thoáng gió, khô mát, tránh mốc mọt và biến màu.

Hoàng bá - Thần dược trị tiêu chảy, lở loét chân tay miệng ở trẻ em
Hoàng bá – Thần dược trị tiêu chảy, lở loét chân tay miệng ở trẻ em

Thành phần hóa học

  • Thành phần chủ yếu có trong vỏ Hoàng bá là các akaloid như là berberin, palmatin, phellodendrin, magnoflorin, jatrorrhizin, candicin.
  • Ngoài ra, trong Hoàng bá còn những chất có tinh thể, không chứa nitơ như obacunon, obaculacton, limonin, chất béo, hợp chất sterolic, các hợp chất phenol và dẫn xuất methyl este.
  • Trong lá Hoàng bá, có phelamurin (1% trong lá tươi) và amuresin (0,04% trong lá tươi), các chất flavon như phelodendrosis với aglycon phelamuretin, hyperin; phelosid 2,3 hydrophelosid; noricarisid phelatin và phelavin cũng đã được phân lập từ lá.
  • Quả Hoàng bá chứa các limonoid, 2 chất mới được xác định cấu trúc là kihalatacton A, B cùng với 7 turucalan triterpenoid.
  • Tinh dầu quả chứa myreen và geraniol.
  • Hạt chứa các lumonoid.
  • Trong rễ Hoàng bá, ngoài các alkaloid trên người ta còn chiết được một alkaloid nhân indol là canthin 6 on.

Công dụng của Hoàng bá

  • Trong y học cổ truyền, Hoàng bá được dùng chữa âm hư phát sốt, xương đau âm ỉ, ra mồ hôi trộm; viêm tiết niệu; kiết lỵ, tiêu chảy, tiểu ra máu, vàng da, đái đục, trĩ; xíc bạch đới, cốt chưng lao nhiệt, mắt sưng đỏ, loét miệng lưỡi; viêm âm đạo, sưng tinh hoàn, đái đường, di mộng tinh…
  • Trong y học hiện đại, các chế phẩm từ Hoàng bá dùng để điều trị các bệnh viêm màng não, viêm phổi, lao phổi, lỵ trực trùng, viêm âm đạo do roi trùng, viêm đại tràng, viêm tai giữa có mủ, viêm xoang hàm mạn tính.
Công dụng của Hoàng bá
Công dụng của Hoàng bá

Hoàng bá trong các bài thuốc trị bệnh

Liều dùng hằng ngày từ 6g đến 12g, dưới dạng thuốc sắc hoặc hoàn tán. Tùy vào trường hợp bệnh, Hoàng bá có thể được dùng sống, sao cháy hoặc tẩm rượu sao. Các thầy thuốc thường dùng Hoàng bá phối hợp với các vị thuốc khác:

Chữa di tinh đái đục

Hoàng bá sao, vỏ hến nung, mỗi vị 640g. Tán nhỏ thành bột mịn. Ngày uống hai lần, mỗi lần một thìa cả phê.

Chữa di mộng tinh

Hoàng bá 60g; Thục địa, Thiên môn, Đảng sâm (40g); Sa nhân 30g; Cam thảo 10g. Tất cả phơi khô tán bột, trộn với mật ong, làm viên bằng hạt ngô. Ngày uống 3 lần, mỗi lần 30 viên với nước nóng trước bữa ăn khoảng 1 giờ.

Chữa tiêu chảy ở trẻ em

Dùng viên tiêu chảy “B” – Hoàng bá 125g, Ngũ vị tử 42,5g, Ngũ bội tử 37,5g, Bạch phàn 25g. Tán bột mịn luyện với hồ làm thành viên băng hạt ngô.

  • Trẻ em dưới 1 tuổi, ngày uống 4 – 6 viên, chia làm 3 – 4 lần, hòa với nước đun sôi để nguội.
  • Trẻ 2 – 3 tuổi ngày uống 6 – 8 viên.
  • Từ 4 tuổi trở lên uống 9 – 12 viên.

Chữa viêm gan cấp tính, đau vùng gan, sốt, bụng trướng, tiểu tiện đỏ

Hoàng bá 16g; Mộc thông, Chi tử, Chỉ xác, Đại hoàng hay Chút chít, Nọc sởi, mỗi vị 10g. Sắc uống mỗi ngày một thang.

Hoàng bá trong các bài thuốc trị bệnh
Hoàng bá trong các bài thuốc trị bệnh

Chữa tiêu hóa kém, hoàng đán do viêm đường mật

Hoàng bá, Chi tử. mỗi vị 14g; Cam thảo 6g. Sắc với 600ml cho tới khi nước còn lại 200ml, chia 3 lần uống trong ngày.

Chữa lỡ miệng loét lưỡi

Hoàng bá cắt thành từng mẩu nhỏ và cho vào miệng ngậm. Có thể nuốt nước.

Chữa sốt xuất huyết

Hoàng bá, Ngưu tất, Tri mẫu, Sinh địa, Huyền sâm, Mạch môn, hạt Muồng (sao), Đan sâm, Đan bì, Xích thược, Cỏ nhọ nồi, Trắc bá (sao), Huyết dụ, mỗi vị 10 – 16g. Sắc uống ngày một thang.

Những điều cần lưu ý khi sử dụng vị thuốc Hoàng bá

  • Hoàng bá kỵ Can tất
  • Kiêng dùng trong các trường hợp không có hỏa, đi tiêu lỏng nhiều lần trong ngày do hư hàn, tỳ kém tiêu hóa; tiêu chảy do tỳ hư yếu, kém ăn.
  • Không nên sử dụng Hoàng bá khi bị dị ứng với các thành phần của vị thuốc.
  • Hoàng bá có thể tương tác với một số thuốc, thực phẩm chức năng hay dược liệu khác nên cần thận trọng khi sử dụng các bài thuốc.
  • Người sử dụng nên tham khảo ý kiến của các thầy thuốc Đông y trước khi dùng.
  • Trong quá trình sử dụng, nếu xuất hiện các triệu chứng bất thường, hãy tạm ngưng dùng và thông báo ngay cho bác sĩ.

Tài liệu tham khảo

  1. Đỗ Tất Lợi (2013), Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, Hồng Đức.
  2. Trần, C. L., Đỗ, V. M., & Vũ, T. B. (2016). Giáo trình Dược liệu học.
  3. Nguyễn Nhược Kim (2007). Bào chế đông dược.
  4. Trường Đại Học Dược Hà Nội – Chủ biên: PGS. TS. Nguyễn Mạnh Tuyển (2021), Dược lý dược cổ truyền, NXB Y Học.
5/5 - (2 bình chọn)
Để lại câu hỏi về bài viết

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

1800 1799