Danh pháp
Tên khoa học
Carthamus tinctorius.
Tên tiếng Việt
Hồng lam hoa, Cây hoa rum, Hạt kham, Thảo hồng hoa, Sinh hoa, Trích hoa, Đơn hoa.
Phân loại khoa học
Họ Hoa cúc – Asteracea.
Mô tả cây
Hồng hoa là loại cây thảo nhỏ sống hàng năm, cao cỡ 1m hoặc có thể hơn, không có lông. Thân đứng, trắng, nhẵn, có vạch dọc, phân cành ở ngọn.
Lá mọc so le, gần như không cuống, hai mặt màu xanh lục sẫm, hình trứng thuôn hoặc hình bầu dục, dài 4 – 9cm, rộng 1 – 3cm; gốc lá tròn ôm lấy thân, mũi lá nhọn sắc, mép lá có nhiều răng cưa nhọn trông rất đặc sắc nhưng không đồng đều, gân giữa lồi ở mặt sau.
Cụm hoa mọc nhiều đầu ở ngọn thân họp lại thành ngù; bao chung gồm nhiều vòng lá bắc (tổng bao lá bắc) có hình dạng và kích thước khác nhau (lá ngoài có dạng lá, hình mác, méo có gai; lá trong nhỏ hơn, hình trứng, mang 5 – 7 gai ở đầu và các vảy đang sợi mỏng, trong suốt ở vòng trong cùng).
Khi chưa nở, cụm hoa đầu có màu trắng xanh. Hoa nhỏ, dài khoảng 1 – 2cm, khi mới nở có màu vàng rồi chuyển sang màu đỏ cam đính trên đế hoa dẹt; lá bắc có gai. Tràng hoa hình ống thon dạng sợi, phía trên xẻ làm 5 cánh hẹp, dài 0,5 – 0,8cm; đỉnh có 5 thùy; 5 nhị, đính ở họng của bao hoa thành ống bao quanh nhụy; không có mào lông. Bao phấn dính liền thành ống, có màu vàng, núm nhụy dài hình trụ, hơi phân đôi và nhô ra khỏi cánh hoa. Hoa có thể chất mềm, mùi thơm nhẹ và vị hơi đắng.
Quả bế, hình trứng, có 4 cạnh lồi nhỏ dài khoảng 7mm, rộng 5mm.
Dược liệu hoa có màu đỏ, mềm, mùi thơm. Đem ngâm nước thì nước nhuộm có màu vàng tươi (carthamin), ngâm kiềm thì dịch kiềm có màu đỏ (carthamon).

Sinh thái
Cây Hồng hoa là cây ưa sáng và ưa ẩm. Cây thuộc loài ở vùng ôn đới ấm, nên khi trồng tại Việt Nam cần tránh mùa hè.
Mùa hoa thường nở vào tháng 6 – 8. Mùa ra quả thường rơi vào tháng 9 – 10.
Phân bố
Trên thế giới
Hồng hoa phân bố và trồng rộng rãi khắp châu Á, châu Phi, châu Âu và vùng Địa Trung Hải.
Tại Việt Nam
Cây được trồng rộng rãi ở các tỉnh như Hà Giang, SaPa, Vân Điển, Đà Lạt.
Bộ phận dùng
Bộ phận thường dùng của Hồng hoa là hoa đã phơi khô.
Hạt và dầu ép từ hạt cũng được sử dụng để làm thuốc.
Thu hái, chế biến dược liệu Hồng hoa
Thu hái
Thu hoạch vào mùa hạ, khi hoa đang nở lúc hoa có màu hồng, nhiều hoạt chất. Phơi nắng nhẹ hoặc để nơi râm mát, thoáng gió cho khô dần.
Chế biến
Hái Hồng hoa về loại bỏ đài hoa đi và dùng cánh hoa, rồi giã nát vắt thành miếng như bánh mang phơi khô. Có thể chỉ phơi khô rồi dùng (tán Hồng hoa).
Dùng sống ở dạng thuốc thang hoặc tẩm rượu sao để dùng.
Bảo quản
Để dược liệu ở nơi khô ráo, thoáng mát, tránh nơi ẩm và mốc mọt.

Thành phần hóa học
Hoa chứa flavonoid nhóm quinochalcon: gồm sắc tố vàng (carthamin, hàm lương khoảng 0,5%, tan trong nước và rượu, dung dịch nước cất dễ bị phân giải), sắc tố đỏ (carthamon, dẫn xuất oxy hóa của carthamin), luteolin, isocarrthamin, dẫn chất của quercetin…
Tinh dầu: caryophyllen, 1-acetoxytetratralin, p – allytoluen và heneicosan.
Ngoài ra, hoa còn có chứa alkaloid là một dẫn chất của serotonin.
Hạt chứa 20 – 30% dầu (dầu này có tính nhuận tẩy), giàu acid béo α – linoleic, serotobenin, N – feruloyltryptamin và N – (p.coumaroyl) – tryptamin.
Hồng hoa còn có hoạt chất polysaccharid.
Tác dụng dược lý
Tác dụng trên tử cung cô lập
Nước sắc Hồng hoa được đem đi thử nghiệm lâm sàng trên tử cung cô lập và không cô lập; trên tử cung bình thường và tử cung có chửa của chuột lang, chuột bạch, mèo, thỏ và chó thấy có tác dụng kích thích lâu dài. Còn có tác dụng kích thích trên ruột các loài trên nhưng có thời gian tác dụng ngắn hơn.
Lưu Thiệu Quang ở Trung Quốc có thí nghiệm tác dụng cao lỏng Hồng hoa lên tử cung cô lập của chó và mèo, nhận xét thấy dù tử cung của chúng có thai hay không, đều có tác dụng làm tăng sự co giãn, nhưng cuối cùng thì không co giãn được nữa. Nếu rửa thuốc đi tử cung sẽ trở lại bình thường.
Tác dụng trên huyết áp và cholesterol
Nước sắc Hồng hoa làm hạ huyết áp trong thời gian dài của chó và mèo, làm tăng sự co bóp của tim, co nhỏ mạch máu thận và co cơ trơn phế quản của chuột bạch.
Hồng hoa còn có tác dụng giảm mức cholesterol máu và không ảnh hưởng rõ rệt đến mức α/β lipoprotein và mức lipid toàn phần lượng máu chuột cống trắng đã được gây tăng thực nghiệm mứa lipid máu.
Tác dụng trên hệ tuần hoàn
Cao chiết với nước nóng của Hồng hoa có tác dụng ức chế hoạt tính men phosphodiesterase của tim thỏ. Hồng hoa làm tăng nhanh quá trình tái tạo gan do cải tạo tuần hoàn gan. Hỗn hợp polysaccharid của Hồng hoa có tác dụng kích thích miễn dịch không đặc hiệu.
Các tác dụng khác
Hồng hoa có tác dụng giảm miễn dịch thể hiện trên khả năng nâng cao tỷ lệ sống của chuột lang trong thí nghiệm gây choáng phản vệ.
Gây co thắt cơ trơn phế quản chuột lang.
Thuốc mỡ pha chế với cao Hồng hoa thẩm thấu qua da vào mạch máu và có tác dụng chống viêm.
Ức chế sự phát triển của các nguyên bào.
Liều độc của cartamon đối với mèo là 80 – 85mg/kg thể trọng, đối với thỏ là 20 – 75mg/kg thể trọng.
Tính vị, tác dụng
Vị tân (cay), tính ôn (ấm). Quy vào các kinh tâm, can.
Công năng: Hoạt huyết thông kinh, tán ứ huyết, sinh huyết, giảm đau.
Chủ trị: Phụ nữ vô kinh, bế kinh, đau bụng khi hành kinh, hành kinh ra huyết cục, chấn thương gây tụ huyết, sưng đau, mụn nhọt.

Công dụng và liều dùng
Công dụng
Hồng hoa có tác dụng hoạt huyết, thông kinh, tán ứ, giảm đau, giải nhiệt ra mồ hôi.
Hồng hoa dùng làm thuốc an thần, điều kinh, chữa kinh nguyệt không đều, chữa bế kinh, đau bụng kinh, viêm tử cung.
Dầu hạt dùng chữa thấp khớp, chữa vết loét. Hạt dùng chữa thấp khớp, dùng để xổ.
Trong y học Trung Quốc, Hồng hoa dùng chữa kinh nguyệt không đều, bệnh thấy kinh đau bụng, bệnh kinh nguyệt xấu, bệnh mất kinh (amenorrhee), bệnh khí hư, viêm dạ con, viêm buồng trứng, có khi dùng uống cho ra thai chết trong bụng. Ngoài ra còn dùng trong bệnh viêm phổi và viêm dạ dày. Dầu ép từ quả được dùng xoa ngoài da chữa thấp khớp
Người ta còn dùng Hồng hoa làm gia vị, làm thuốc nhuộm thực phẩm, nhuộm màu tơ lụa, dùng làm nguyên liệu chế màu vàng đỏ không độc để làm thuốc.
Ở Ấn Độ, Hồng hoa được sử dụng như là thuốc an thần và điều kinh. Dược liệu dùng để điều trị sởi, bệnh tinh hồng nhiệt và các bệnh ngoại ban khác. Hạt được dùng làm thuốc lợi tiểu và bổ. Dầu đun nóng dùng chữa đau nhức và thấp khớp.
Các nước khác còn dùng Hồng hoa làm dầu thực vật.
Liều dùng
Ngày dùng từ 3 – 8g, dùng dưới dạng thuốc sắc hoặc ngâm rượu.
Các thầy thuốc thường cho Hồng hoa phối hợp với các vị thuốc khác.
Một số bài thuốc
Bát trân thang gia vị (Chữa suy tim)
Hồng hoa 12g; Đảng sâm, Bạch truật, mỗi vị 20g; Thục địa, Phục linh, Đan sâm, Ý dĩ, mỗi vị 16g; Xuyên khung, Đương quy, Bạch thược, Ngưu tất, mỗi vị 12g; Cam thảo 4g. Sắc uống ngày 1 thang.
Tứ vật đào hồng thang gia giảm (Chữa viêm gan mạn tính)
Hồng hoa 8g; Bạch thược, Xuyên khung, Đan sâm, mỗi vị 12g; Đương quy, Đào nhân, Diên hồ sách, mỗi vị 8g. Sắc uống ngày 1 thang.
Tứ vật đào hồng thang (Chữa kinh nguyệt không đều huyết ứ)
Hồng hoa 6g; Sinh địa, Bạch thược, mỗi vị 12g; Xuyên quy, Xuyên khung, Đào nhân, mỗi vị 8g. Sắc uống ngày 1 thang.
Huyết phụ trục ứ thang (Chữa đau bụng khi hành kinh do khí trệ huyết ứ
Hồng hoa 8g; Ngưu tất 12g; Xuyên khung, Đương quy, Xích thược, Đào nhân, Huyền hồ, Hương phụ, Thanh bì, Chỉ xác, mỗi vị 8g; Mộc hương 6g; Cam thảo 4g. Sắc uống ngày 1 thang.
Sinh huyết thanh nhiệt thang (Chữa đau bụng trước khi hành kinh, hoặc lúc mới hành kinh
Hồng hoa, Đan bì, Đào nhân, Huyền hồ sách, Hương phụ, mỗi vị 8g; Mộc hương 6g, Cam thảo 4g. Sắc uống ngày 1 thang.
Trục thai chết trong bụng ra
Hồng hoa, rễ Gấc, Gỗ vang, Cỏ nụ áo, lá Đào, Cỏ xước, vỏ Cây vông đông. Sắc rồi chế thêm Đồng tiện vào uống.
Hoặc có thể sử dụng riêng Hồng hoa đun với rượu rồi uống.
Chữa huyết vận lên tim, khí muốn tuyệt
Hồng hoa 40g, sắc với rượu và Đồng tiện rồi uống.
Dưỡng huyết
Hồng hoa 2g sắc uống.
Tan máu ứ, thông kinh bế
Hồng hoa 6 – 8g, sắc hoặc ngâm rượu uống.
Chữa phụ nữ sau khi đẻ máu xấu không ra, đau bụng, ngất mê man, hoặc phụ nữ kinh bế lâu ngày
Hồng hoa, Tô mộc, Nghệ đen, mỗi vị cùng lượng 8g. Sắc, chế thêm một chén rượu rồi uống.
Phòng và chống ban sởi
Hồng hoa 3 – 5 hạt. Nhai nuốt, chiêu với nước.
Thuốc mỡ bôi chữa chàm
Hồng hoa, Xuyên hoàng liên, Hồng đơn, Chu sa, mỗi vị 4g. Tán bột hòa với mở trăn bôi vào chỗ chàm.
Những điều cần lưu ý khi sử dụng vị thuốc Hồng hoa
Thêm Đồng tiện để giải độc, trị ứ huyết đau bụng hay tiêu tan sưng.
Phụ nữ có thai hay phụ nữ có kinh nguyệt nhiều không được dùng vì có thể gây sảy thai.
Phàm không ứ, trệ thì không dùng được.
Người có huyết áp cao cũng không nên dùng vị thuốc Hồng hoa.
Không nên dùng liều lượng nhiều vì có thể gây phá huyết, tiêu huyết gây nguy hiểm.
Không sử dụng Xạ hương và Trầm hương cùng Hồng hoa, tránh nguy hiểm.
Nên đi gặp và tham khảo ý kiến của các thầy thuốc trước khi sử dụng vị thuốc Hồng hoa này để đảm bảo sức khỏe và phát huy công dụng của các bài thuốc từ Hồng hoa.
Tài liệu tham khảo
- 1. Đỗ Tất Lợi (2013), Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, Hồng Đức.
- 2. Trần, C. L., Đỗ, V. M., & Vũ, T. B. (2016). Giáo trình Dược liệu học.
- 3. Nguyễn Nhược Kim (2007). Bào chế đông dược.
- 4. Trường Đại Học Dược Hà Nội – Chủ biên: PGS. TS. Nguyễn Mạnh Tuyển (2021), Dược lý dược cổ truyền, NXB Y Học.