Ngưu tất: Vị thuốc thông kinh, cường gân cốt, bổ can thận

Dược liệu Ngưu tất
Đánh giá post

Danh pháp

Tên khoa học

Achyranthes bidentata

Tên tiếng việt

Hoài ngưu tất, Cỏ xước hai răng, Cây cỏ xước.

Phân loại khoa học

Giới Plantae

Bộ Caryophyllales

Họ Amaranthaceae

Chi Achyranthes

Loài A. bidentata

Mô tả cây

Cây Ngưu tất là một cây thảo sống nhiều năm, cao 0,6 – 1m. Rễ củ dạng hình trụ dài, có nhiều rễ phụ to. Thân mảnh, hơi vuông, màu lục hoặc nâu tía, có 4 cạnh, phình lên ở các đốt.

Lá mọc đối, dài 5 – 12cm, rộng 2 – 4cm, phiến lá hình trái xoan bầu dục hoặc hình mác, gốc thuôn hẹp, hai đầu rất nhọn, hai mặt nhẵn, mép nguyên hoặc lượn sóng, có lông thưa hay không lông, gân lá mặt trên thường có màu nâu tía, gân phụ 5 – 7 cặp; cuống lá dài 1 – 1,5cm.

Cụm hoa hình bông mọc ở ngọn thân hoặc kẽ lá đầu cành, dài 2 – 5cm; hoa thường gập xuống, sát vào cuống và cụm hoa; lá bắc dài 3mm; lá đài 5, gần bằng nhau; nhị 5, chỉ nhị dính với nhau và dính cả nhị lép; nhị lép có răng rất nhỏ, bao phân hình mặt chim; bầu hình trứng.

Quả bế hình bầu dục, chứa một hạt hình trụ.

Rễ hình trụ, dài 20 – 30cm. Đầu trên mang vết tích của gốc thân, đầu dưới thuôn nhỏ. Mặt ngoài của rễ có màu vàng nâu, có nhiều nếp nhăn dọc nhỏ và vết tích của rễ con còn sót lại.

Sinh thái

Ngưu tất thích nghi với hầu hết các khí hậu, biên độ sinh thái của cây tương đối khá rộng. Cây ưa sáng và ưa ẩm, cây cho ra hoa quả nhiều, tái sinh tự nhiên chủ yếu từ hạt.

Mùa hoa nở vào tháng 8 – 9; mùa kết quả vào tháng 10 – 11.

Hình ảnh cây Ngưu tất
Hình ảnh cây Ngưu tất

Phân bố

Trên thế giới

Phân bố tập trung chủ yếu ở Đông Bắc Trung Quốc, Nhật Bản.

Tại Việt Nam

Cây Ngưu tất được nhập và trồng ở cả núi cao lẫn đồng bằng, như Sìn Hồ (Lai Châu), Tam Đảo (Vĩnh Phúc), Văn Điển (Hà Nội).

Bộ phận dùng

Thường dùng rễ củ đã được phơi khô hoặc sấy khô của cây Ngưu tất.

Thu hái, chế biến

Thu hái

Rễ được thu hái khi phần trên mặt đất tàn lụi, khi thân và lá đã khô héo, thu hoạch vào mùa đông xuân, thường tháng 1 – 2 ở vùng núi hoặc tháng 3 – 4 ở đồng bằng.

Nên chọn các rễ to, dài và dẻo, tránh dùng những rễ đã héo.

Rễ của cây Ngưu tất được dùng làm thuốc
Rễ của cây Ngưu tất được dùng làm thuốc

Chế biến

Đào lấy rễ, chọn loại rễ to, cắt bỏ rễ con và đầu rễ, loại bỏ đất, buộc thành bó nhỏ, đem phơi tái rồi ủ đến khi héo, khô nhăn da khoảng 6 – 7 ngày, xông diêm sinh, sấy khô.

Dùng sống (thường dùng), hoặc tẩm rượu sao hoặc muối tùy theo trường hợp, rồi phơi hay sấy khô.

Bảo quản

Để dược liệu ở nơi khô ráo, thoáng mát , tránh mốc mọt.

Thành phần hóa học

Rễ củ Ngưu tất chứa saponin triterpen dẫn chất của acid oleanolic và galactoza, hramnoza, glucoza. Ngoài ra, còn có các ecdysterol, inokosteron và muối Kali.

Theo một tài liệu khác, rễ chứa một saccharid là fructan mạch ngắn với mức độ trùng hợp trung bình là 8. Hoạt chất saccharid này có tác dụng cải thiện hệ miễn dịch.

Rễ còn có một peptid – polysaccharid trong đó 24,1% là peptid bao gồm glycin, acid glutamic, seric và acid aspartic. Chất peptid – polysaccharid này có tác dụng miễn dịch.

Betain có trong rễ với hàm lượng 0,930 – 1,029% đã được chứng minh là ổn định trong quá trình chế biến.

Rễ khô còn có physcion và emodin.

Tác dụng dược lý

Chồng viêm, hạ cholesterol máu, hạ áp, gây co bóp tử cung.

Tác dụng chống viêm

Chống viêm rõ rệt đối với giai đoạn cấp tính và mạn tính của phản ứng viêm thực nghiệm. Rễ Ngưu tất có tác dụng mạnh hơn khoảng 4 lần so với rễ Cỏ xước.

Tác dụng trên tuyến ức

Ngưu tất tác dụng gây thu teo tuyến ức chuột cống đực non. Tác dụng gây thu teo tuyến ức là một trong những đặc tính tác dụng của thuốc ức chế miễn dịch. Rễ Ngưu tất có tác dụng mạnh hơn khoảng 8 lần so với rễ Cỏ xước. Có mỗi tương quan song song giữa tác dụng chống viêm và tác dụng gây thu teo tuyến ức của rễ Ngưu tất.

Tác dụng trên huyết áp và cholesterol máu

Rễ Ngưu tất làm giảm cholesterol máu ở thỏ đã gây tăng cholesterol máu thực nghiệm do ức chế sự sự hấp thu cholesterol từ ngoài vào và cả sự tổng hợp cholesterol trong cơ thể thỏ; gây hạ huyết áp rõ rệt trên mèo, mức độ hạ huyết áp từ từ, thời gian tác dụng kéo dài. Có độc tính cấp.

Tác dụng trên xương khớp

Các chế phẩm có chứa Ngưu tất và một số dược liệu khác đã được điều trị thấp khớp, có tác dụng chống viêm và giảm đau rõ rệt trên lâm sàng. Kết quả tốt nhất và tương đối nhanh đối với đau lưng cấp do lạnh và san chấn.

Đối với viêm da khớp dạng thấp, chưa có biến dạng về khớp và đối với chứng đau nhức đơn thuần, tác dụng điều trị tương đối tốt. Khi đã có biến dạng về xương, cơ, khớp, kết quả kém.

Tác dụng trên tử cung

Ngưu tất có tác dụng chọn lọc gây cơ trơn tử cung chuột lang mà không làm co cơ trơn ruột và gây sẩy thai ở người.

Một bài thuốc có Ngưu tất làm thành phần trong thuốc có tác dụng gây sẩy thai trên chuột nhắt chửa ở giai đoạn thai sớm. Ecdysteron và inkosterol trong Ngưu tất có tác dụng dự phòng sự tăng đường máu gây bởi glucagon ở chuột cống trắng. Cho chuột cống trắng uống hằng ngày hỗn hợp 2 chất 0,2 – 2g/kg trong 35 ngày không gây tác dụng độc

Các tác dụng khác

Cao Ngưu tất làm giảm các chỉ số lipid như: lipid toàn phần, cholesterol toàn phần, cholesterol trong thành phần beta – lipoprotein và những glycerid.

Trên sự cử động của răng chỉnh hình, Ngưu tất làm tăng cử động của răng lên 1,6 lần. Xét nghiệm của một tổ chức học cho thấy sự tiêu xương ở mặt chịu áp lực của răng có cử động rõ hơn ở động vật thử thuốc so với đối chứng.

Ngưu tất không gây biến dị trong thử nghiệm trên Bacillus subtilis và Salmonella typhimurium, có tác dụng kháng quá mẫn cảm trong thí nghiệm lát cắt phổi chuột lang.

Tính vị, quy kinh

Khổ, toan, tính bình, không độc. Quy vào các kinh can, thận.

Công năng: Hoạt huyết thông kinh, mạnh gân cốt, bổ can thận, hành ứ, tiêu ung lợi thấp.

Chủ trị: Dùng trị đau lưng gối, mỏi gân xương; kinh nguyệt không đều, bế kinh, tăng huyết áp.

Công dụng và liều dùng

Dược liệu Ngưu tất
Dược liệu Ngưu tất

Công dụng

Trong nhân dân, Ngưu tất được dùng để chữa thấp khớp, kinh đau, huyết áp cao, bệnh tăng cholesterol máu, viêm họng, đau bụng, kinh nguyệt khó khăn.

Ngưu tất dạng sống chữa cổ họng sưng đau, mụn nhọt, tiểu ra máu, tiểu rát buốt hoặc sỏi, bụng dưới kết hòn cục, đẻ khó hoặc khi đẻ nhau thai không ra, sau khi đẻ ứ huyết gây đau bụng, chấn thương, ứ máu bầm, đầu gốc nhức mỏi.

Ngưu tất sao tẩm chữa can thận hư, ù tai, đau lưng, mỏi gốc, tay chân có quắp hoặc bài tiết.

Ngoài ra, rễ Ngưu tất còn được dùng làm thuốc kích thích tình dục, tráng dương, chữa liệt dương, gây sẩy thai. Dùng ngoài chữa các bệnh về da chân và các nấm (bệnh nấm biểu bì)

Hạt được dùng làm thuốc chống độc, chữa rắn cắn, thấp khớp, hen phế quản.

Liều dùng

Ngày dùng từ 8 – 12g, dùng dưới dạng thuốc sắc hoặc dạng bột

Một số bài thuốc

Chữa bại liệt, co giật, teo cơ, phong thấp, xơ vữa mạch máu

Ngưu tất 10 – 12g, sắc uống.

Chữa viêm đa khớp dạng thấp

Ngưu tất, Độc hoạt, Tang ký sinh, Phòng phong, Tục đoạn, Xuyên quy, Thục địa, Bạch thược, Đảng sâm, Ý dĩ, mỗi vị 12g; Tần giao 10g; Quế chi, Xuyên khung, mỗi vị 8g; Cam thảo, Tế tân, mỗi vị 6g. Mỗi ngày sắc uống một thang.

Chữa bí tiểu ở người già

Ngưu tất, Xa tiền tử, Thục địa, Hoài sơn, mỗi vị 12g; Sơn thù, Trạch tả, Phục linh, Phụ tử chế, Đan bì, mỗi vị 8g; Nhục quế 4g. Sắc uống ngày một thang.

Chữa trẻ chậm đi

Ngưu tất 6g, vỏ Chân chim 12g, Mộc qua 6g. Tán nhỏ, uống với nước cơm.

Chữa huyết áp cao, nhức đầu, chóng mặt, nhức mắt ù tai, mắt mờ, rối loạn tiền đình, khó ngủ, đau nhức dây thần kinh, rút gân, co giật, táo bón

Ngưu tất 12g, hạt Muống 12g. Sắc uống mỗi ngày 1 thang.

Những điều cần lưu ý khi sử dụng vị thuốc Ngưu tất

Tránh sử dụng cho phụ nữ đang mang thai, băng huyết

Khí hư, tỳ vị hư hàn không nên sử dụng vị thuốc này.

Mộng tinh, di tinh, hoạt tinh ở nam giới cũng không được sử dụng vị thuốc Ngưu tất.

Ngưu tất là một loại cỏ xước cho nên dễ bị nhầm lẫn với cây Cỏ xước Achyranthes aspera nhưng có công dụng gần giống nhau.

Tránh sử dụng thịt trâu khi đang dùng Ngưu tất trị bệnh.

Tài liệu tham khảo

  1. 1. Đỗ Tất Lợi (2013). Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam. NXB Hồng Đức
  2. 2. Trần, C. L., Đỗ, V. M., & Vũ, T. B. (2016). Giáo trình Dược liệu học.
  3. 3. Nguyễn Nhược Kim (2007). Bào chế đông dược.
  4. 4. Nguyễn Mạnh Tuyển (2021)-Dược lý dược cổ truyền, NXB Y Học
  5. Dược điển Việt Nam IV
Ngày viết:

    Để lại câu hỏi về sản phẩm

    Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc gì hãy để lại câu hỏi của bạn. Chúng tôi sẽ giải đáp ngay!



    Để lại câu hỏi về bài viết

    Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

    1800 1799