Phòng phong – Chữa cảm mạo, trị đau nhức xương khớp, đau nửa đầu

Danh pháp

Tên khoa học

Ledebouriella seseloides, Saphoshnikovia divaricata

Tên tiếng việt

Bách chi, Lan căn, Bỉnh phong, Thiên phòng phong, Đông phòng phong, Hồi thảo, Sơn hoa trà, Phòng phong bắc.

Phân loại khoa học

Giới: Plantae

Bộ: Apiales

Họ: Apiaceae

Chi: Saphoshnikovia, Ledebouriella

Loài: S. divaricata, L. seseloides

Mô tả cây

Phòng phong là một loại cây thảo, sống lâu năm, cao 0,5 – 0,8m. Rễ hình trụ dài, đầu rễ có nhiều xơ. Lá kép xẻ lông chim 2 – 3 lần, mọc so le, xẻ rất sâu, có cuống dài, phần gốc phát triển thành bẹ ôm lấy thân, bẹ có vân dọc, hai mặt lá nhẵn.

Cụm hoa mọc ở kẽ lá xếp thành tán kép, phân nhánh thành 5 – 7 tán nhỏ, có cuống dài ngắn không bằng nhau, kính thước hoa nhỏ, mỗi tán nhỏ có 4 – 9 hoa nhỏ màu trắng.

Quả thường là quả kép gồm 2 phần quả dính nhau như hình chuông, có những đường sống dọc ở lưng và có ống tinh dầu ở giữa sống, mặt tiếp xúc giữa 2 phần quả có ống tinh dầu.

Hình ảnh của cây phòng phong
Hình ảnh của cây phòng phong

Sinh thái

Phòng phong là một loại cây thảo ưa ẩm và ưa sáng. Dược liệu thích nghi với điều kiện khí hậu ở vùng ôn đới ẩm và vùng cận nhiệt đới.

Phần trên mặt đất của cây có thể lụi hằng năm vào mùa đông lạnh.

Cây ra hoa quả nhiều và trồng được bằng hạt.

Phân bố

Trên thế giới

Cây được trồng nhiều ở các tỉnh Tứ Xuyên, Quý Châu và Vân Nam (Trung Quốc).

Tại Việt Nam

Hiện nay Việt Nam vẫn chưa có dược liệu này. Dược liệu được nhập khẩu từ nước ngoài, chủ yếu từ Trung Quốc.

Bộ phận dùng

Thường dùng rễ to, chắc, đầu rễ không có lông, vỏ mỏng mịn, bên trong có màu nâu và tâm có màu vàng nhạt đã được phơi khô của cây Phòng phong.

Thu hái, chế biến

Rễ được thu hái vào mùa xuân và mùa thu khi thân cây có hoa,

Sau khi đào lấy rễ, loại bỏ rễ con và đất, cắt bỏ phần thân trên rồi rửa sạch, phơi hoặc sấy khô là dùng được. Hoặc sau khi rửa sạch có thể cắt bỏ phần đuôi, đem đi thái nhỏ và bảo quản để dùng dần.

Bảo quản ở nơi khô mát.

Thu hái, chế biến và bảo quản cây phòng phong
Thu hái, chế biến và bảo quản cây phòng phong

Thành phần hóa học

Phòng phong chứa 13 chất coumarin, chromon và polyacctylen, chủ yếu là khallaceton dieste.

Một nhà nghiên cứu khoa học đã chiết và phân lập từ Phòng phong được 5 hợp chất là umbelliferon, silinidin, anomalin, nodakenin và acid ferulic.

Tác dụng dược lý

Thử nghiệm năm 1942, nước sắc Phòng phong hạ nhiệt trên thỏ bị gây sốt thực nghiệm bằng tiêm tĩnh mạch vacxin thương hàn.

Phòng phong có hoạt tính đối kháng với histamin và acetylcholin.

Trong một thử nghiệm gây choáng phản vệ trên chuột lang, dược liệu có tác dụng nâng cao tỷ lệ sống của chuột qua cơn choáng phản vệ, nghĩa là có tác dụng ức chế miễn dịch.

Phòng phong có trong thành phần của một bài thuốc chống dị ứng gồm 16 dược liệu. Thử nghiệm trên các mô hình phun khí dùng histamin để gây co thắt phế quản và khó thở trên chuột lang; tiêm tĩnh mạch histamin để gây hạ huyết áp trên mèo; cho histamin vào dung dịch để gây co thắt hồi tràng cô lập chuột lang đã chứng minh bài thuốc có tác dụng kháng histamin.

Trong thử nghiệm lâm sàng trên 46 người bệnh herpes mạn tính và có rối loạn chức năng hệ miễn dịch được cho uống thuốc “hoàn hỏa long” có thành phần Phòng phong trong 10 ngày, đã có tác dụng chữa khỏi giai đoạn cấp tính của bệnh herpes với thời gian điều trị ngắn hơn, và làm giảm số lần tái phát so với nhóm đối chứng.

Thuốc làm bệnh nhân phục hồi khỏi tình trạng suy giảm miễn dịch, đặc biệt làm tăng các chỉ số về miễn dịch dịch thể và miễn dịch tế bào các immunoglobulin, bạch cầu, tế bào lympho, CD5+ và CD72+.

Tính vị, quy kinh

Phòng phong có vị cay, ngọt, tính ấm, không độc, quy vào 5 kinh: can, phế, tỳ, vị, bàng quang, có tác dụng phát hãn giải biểu, tán phong, trừ thấp, thông kinh hoạt lạc, giảm có thắt.

Dược liệu phòng phong
Dược liệu phòng phong

Công dụng và liều dùng

Công dụng

  • Phòng phong được dùng điều trị ngoại cảm, nhức đầu, choáng váng, mắt mờ, phong thấp, đau khớp, mụn lở.
  • Người nhiễm độc tính Phụ tử có thể dùng Phòng phong điều trị.
  • Trị 36 chứng phong, ích thần, bổ trung, mắt sưng đau do phong, thông lợi ngũ tạng quan mạch, ngũ lao, thất thương, cơ thể nặng nề, chữa chứng mồ hôi trộm, tâm thần không yên, điều hòa khí mạch.
  • Thông kinh lạc, trừ thấp, giảm đau, thư cân mạch (khớp, gân, cơ), thông quan tiết, hoạt khớp tứ chi, chữa mắt đỏ, chảy nước mắt sống, tự tiết mồ hôi, mồ hôi trộm, rối loạn kinh nguyệt.
  • Khu phong, trừ thấp, giải biểu.
  • Khu phong, thắng thấp, phát hãn, giải biểu.

Liều dùng

Ngày dùng 6 – 12g. dạng thuốc sắc hoặc hoàn tán. Thường phối hợp cới các vị thuốc khác.

Một số bài thuốc

  • Chữa nhức nửa đầu

Phòng phong, Bạch chỉ, hai vị thuốc bằng nhau, tán nhỏ, hòa với mật, viên bằng quả táo, mỗi lần ngậm một viên, dùng nước ấm để chiêu thuốc.

  • Chữa ra mồ hôi trộm khi ngủ

Phòng phong 80g, Nhân sâm 20g, Xuyên khung 40g,. Các vị tán nhỏ, trộn đều, mỗi lần uống 10 – 12g bột trước khi đi ngủ.

  • Thuốc tránh tái phát cơn hen

Phòng phong 8g; Bạch truật, Hoàng kỳ, hạt Tía tô, mỗi vị 12g. Sắc uống ngày một thang.

  • Chữa đau dây thần kinh hông

Phòng phong 8g; Bạch thược, Đại táo, Đảng sâm, Độc hoạt, Đương quy, Ngưu tất, Phục linh, Tang ký sinh, Thục địa, mỗi vị 12g; Cam thảo, Đỗ trọng, mỗi vị 8g; Quế chi, Tế tân, mỗi vị 6g. Sắc uống ngày một thang.

  • Chữa đau vai, gáy

Phòng phong, Bạch chỉ, Ma hoàng, Quế chi, mỗi vị 8g; Đại táo 12g; Cam thảo 6g; Gừng 4g. Sắc uống ngày một thang.

  • Chữa đau dây thần kinh liên sườn

Phòng phong, Bạch chỉ, Chỉ xác, Khương hoạt, Quế chi, Uất kim, Xuyên khung, mỗi vị 8g; Đan sâm 12g;Thanh bì 6g. Sắc uống ngày một thang.

  • Chữa đau nhức các khớp xương không triệu chứng nóng đỏ

Phòng phong, Khương hoạt, Đương quy, Bạch thược, mỗi vị 12g; Tần giao, Quế chi, Phục linh, Ma hoàng, mỗi vị 8g; Cam thảo 6g. Sắc uống ngày một thang.

  • Chữa viêm khớp dạng thấp có đợt tiến triển cấp

Phòng phong 12g; Kim ngân hoa 16; Bạch thược, Bạch truật, Liên kiều, Tri mẫu, mỗi vị 12g; Ma hoàng, Quế chi, mỗi vị 8g; Cam thảo 6g. Sắc uống ngày một thang.

  • Chữa cảm mạo phong hàn

Phòng phong, Cát cánh, Chỉ xác, Độc hoạt, Khương hoạt, Kinh giới, Phục linh, Tiền hồ, Sài hồ, Xuyên khung, mỗi vị 40g; Cam thảo 20g. Tán nhỏ thành bột, ngày uống 12 – 20g dạng thuốc sắc.

  • Chữa rong huyết do nhiễm khuẩn

Phòng phong, Khương hoạt, Hoàng kỳ, Thương truật, Sài hồ, mỗi vị 8g; Cảo bản, Độc hoạt, Đương quy, Mạn kinh, Thăng ma, mỗi vị 6g; Cam thảo 4g. Sắc uống ngày một thang.

  • Chữa chàm cấp tính

Phòng phong 12g; Thạch cao 20g; Sinh địa 16g; Kinh giới, Ngưu bàng tử, Khổ sâm, Mộc thông, mỗi vị 12g; Tri mẫu 8g; Thuyền thoái 6g. Sắc uống ngày một thang.

  • Chữa chàm mạn tính

Phòng phong 8g; Hoàng bá, Hy thiêm, Ké đầu ngựa, Phù bình, Bạch tiễn bì, mỗi vị 12g; Thương truật 8g. Sắc uống ngày một thang.

  • Chữa viêm da thần kinh

Phòng phong 12g; Sinh địa, Ý dĩ, Kim ngân, mỗi vị 16g; Kinh giới, Kê huyết đằng, cây Cứt lợn, Cỏ nhọ nồi, Ké đầu ngựa, mỗi vị 12g. Sắc uống ngày một thang.

  • Chữa viêm kết mạc dị ứng

Phòng phong 12g; lá Dâu, Nhân trần, mỗi vị 16g; Hoàng đằng, Kinh giới, Mạn kinh, Mã đề, mỗi vị 12g; Bạc hà, Cúc hoa, mỗi vị 8g. Sắc uống ngày một thang.

Những điều cần lưu ý khi sử dụng vị thuốc Phòng phong

  • Không nên dùng cho người có nguyên khí hư yếu, hen suyễn, có mồ hôi và phế hư.
  • Không sử dụng cho tình trạng sốt cao co giật, bị bệnh thiếu máu, hạ đường huyết, tai biến mạch máu não, Packinson…
  • Trường hợp bốc nóng lên đầu hay đau đầu, khó ngủ, miệng khô, mặt đỏ, mạch huyền cần lưu ý khi sử dụng vị thuốc
  • Thận trọng khi dùng Phòng phong khi bị co thắt do thiếu máu.
  • Các trường hợp phụ nữ sau sinh, trẻ nhỏ co giật và tỳ hư khi bị tiêu chảy nặng không nên sử dụng.
  • Không dùng các bài thuốc cho người huyết hư cấp đầu thống (đau đầu do huyết hư kinh giật).
  • Dược liệu có tính ấm, thận trọng khi sử dụng liên tục thời gian dài.
  • Để giảm thiểu tác dụng ngoài ý muốn, người dùng vị thuốc nên tham khảo ý kiến của thầy thuốc trước khi dùng bài thuốc từ dược liệu này.

Tài liệu tham khảo

  1. Đỗ Tất Lợi (2013). Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam. NXB Hồng Đức
  2. Trần, C. L., Đỗ, V. M., & Vũ, T. B. (2016). Giáo trình Dược liệu học.
  3. Nguyễn Nhược Kim (2007). Bào chế đông dược.
  4. Nguyễn Mạnh Tuyển (2021)-Dược lý dược cổ truyền, NXB Y Học
Ngày viết:
Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

X