Phục linh mang đến lợi ích tuyệt vời đối với sức khỏe và sắc đẹp

Phục linh sau khi được thu hái
5/5 - (1 bình chọn)

Nội dung bài viết

Danh pháp

Tên khoa học

Poria cocos F.A.Wolf, Wolfiporia extensa Ginns

Tên tiếng việt

Phục linh, Bạch phục linh, Bạch thần

Phân loại khoa học

Giới: Fungi

Ngành: Basidiomycota

Lớp: Agaricomycetes

Bộ: Polyporales

Họ: Polyporaceae

Chi: Wolfiporia

Loài: P. cocos, W. extensa

Mô tả cây

Phục linh hay còn gọi là bạch phục linh, là một loại nấm mọc hoại sinh trên rễ của cây thông. Quả thể to, nặng, chắc, hình khối cầu, hơi dẹt, có quả nặng đến 5 kg, mặt ngoài có hình nhăn nheo to và lồi lõm, đôi khi còn có hình bướu.

Mặt ngoài có màu nâu đen, khi cắt ngang qua quả sẽ thấy mặt bẻ có vết nứt, sần sùi, lổm chổm màu trắng hoặc hồng xám, có khi còn bắt gặp rễ thông xuyên qua giữa nấm (còn gọi là Phục thần).

Phục linh không có mùi, cắn vào có vị nhạt và bị dính lại ở răng.

  • Phục linh bì: Là lớp nằm ngoài cùng của Phục linh, có màu nâu đến nâu đen và có kích thước không đồng nhất. Lớp vỏ này có tính đàn hồi nhẹ và tương đối xốp
  • Phục linh khối: Là phần mà sau khi tách bỏ lớp ngoài cùng, phần còn lại được cắt thành các miếng hoặc phiến kích thước không đồng đều. Phần này thường có màu trắng, nâu nhạt đôi khi cũng có hồng nhạt.
  • Xích phục linh: Là phần tiếp theo sau khi bỏ lớp vỏ ngoài, có màu hồng nhẹ hoặc màu nâu nhạt.
  • Bạch phục linh: Là phần lõi bên trong của nấm, chúng thường có màu trắng.
  • Phục thần: Là củ (quả) Phục linh ở giữa có rễ thông đâm vào.

Sinh thái

Theo kinh nghiệm của những người đi rừng lâu năm truyền lại, Phục linh thường được tìm thấy ở những cánh rừng thông, nằm sâu 20-30cm dưới một lớp đất, ở vùng núi có khí hậu ấm, thoáng, hướng có nhiều ánh mặt trời chiếu đến, không bị gió bấc thổi và có đất mịn, tơi xốp.

Hình ảnh cây nấm Phục linh
Hình ảnh cây nấm Phục linh

Phân bố

Trên thế giới

Phục linh được phân bố chủ yếu tại 2 tỉnh là Vân Nam và Quảng đông – Trung Quốc.

Tại Việt Nam

Phục linh thường phân bố ở những vùng núi có khí hậu ấm và đặc biệt là có rừng thông.

Vào năm 1977, Phục linh được tìm thấy tại rừng thông Đà Lạt ở nước ta, tuy nhiên số lượng vẫn còn rất hạn chế và chưa được khai thác nhiều.

Ngày nay, loại nấm này thường được tìm thấy tại các rừng thông ở Hà Giang, Lâm Đồng, Thanh Hóa, Tam Đảo. Ðang nghiên cứu trồng Phục linh ở Sapa, Tam Ðảo.

Bộ phận dùng

Toàn bộ cây nấm Phục linh đều được sử dụng để chế biến thành thuốc gồm có cả: Phục linh bì, Phục linh khối, Xích phục linh, Bạch phục linh và Phục thần.

Thu hái, chế biến

Thu hái

Nấm Phục linh thường thu hái vào tháng 7 đến tháng 9 hằng năm.

Sau khi hái về, rửa loại bỏ đất, cát và tạp chất, sau đó chất thành đống cho đổ mồ hôi.

Phục linh sau khi được thu hái
Phục linh sau khi được thu hái

Bào chế

Phụ linh sau khi đã được thu hái, chúng được rải rộng ra ở những chỗ thoáng gió để làm se bề mặt của nấm. Sau đó, gom chúng lại và chất thành đống, đem đi phơi nắng thêm vài lần nữa, cho đến khi bề mặt nấm nhăn lại thì không phơi ngoài nắng nữa. Cuối cùng, đem chúng phơi âm can ( hay còn gọi là phơi trong bóng râm) cho đến khi nấm khô ráo hoàn toàn.

Hoặc cũng có thể ngâm Phục linh vào nước, rửa sạch, có thể đồ thêm cho mềm ra, gọt vỏ, sau đó thái nấm tươi thành từng miếng, phiến rồi mang phơi ở nơi thoáng gió cho khô.

Sau khi phơi khô, để Phục linh ở nơi khô ráo, thoát mát, tốt nhất nên đậy kín, không nên để Phục linh ở nơi quá nóng vì dễ gây nứt vụn và mất tính dính vốn có của Phục linh.

Thành phần hóa học

Thành phần có trong Phục linh chứa 2 nhóm hóa học chính là polysaccharide và triterpenes:

  • Triterpene và các dẫn xuất của Triterpene : Axit pachymic, axit eburicoic,axit tumolosic, axit polyporenic, axit pinicolic, axit dehydropachymic …
  • Polysaccharide: pachyman trong phục linh chiếm đến 75% và còn lại là các monosaccharide gồm các dạng D của glucose, fucose, mannose, xylose, galactose, và rhamnose.

Ngoài ra, Phục linh còn chứa các thành phần khác như: axit amin, choline, enzym, steroid và cũng như histidine và các muối của kali

Tác dụng dược lý

Có tác dụng lợi tiểu

Tác dụng lợi tiểu của phục linh có liên quan nhiều đến khả năng điều hòa chuyển hóa muối nước của cơ thể. Phục linh giúp hoạt hóa các enzym của kênh vận chuyển ion Na+-K+-ATPase từ đó thúc đẩy quá trình chuyển hóa muối nước của cơ thể dẫn đến tác dụng lợi tiểu.

Có tác dụng an thần

Dịch chiết từ phục linh khi thử nghiệm tiêm phúc mạc cho chuột được cho dùng cafein nhận thấy rằng, đã có tác dụng an thần trên những sinh vật này. Nhờ tác dụng an thần mà đã làm giảm được một số hoạt động tự phát của chuột, đồng thời chất ức chế tác dụng của cafein gây hưng phấn trên động vật thử nghiệm theo cơ chế hiệp đồng với pentobarbital.

Có tác dụng chống ung thư (tác dụng này có được là từ hoạt chất polysaccharide của thuốc) do đó làm tăng khả năng miễn dịch của cơ thể.

  • Tác động lên chức năng miễn dịch không đặc hiệu của cơ thể:

Thành phần Polysaccharide (pachymaran) có trong phục linh có tác dụng giúp làm gia tăng số lượng đại thực bào. Bên cạnh có các methyl pachymaran có tác dụng đối kháng với các thuốc ức chế miễn dịch acetat cortisol, nhờ đó mà gián tiếp giúp cho những thực bào bị suy giảm chức năng được hồi phục lại trạng thái bình thường.

Carboxymethyl pachymaran khi thử nghiệm trên chuột, nhận thấy được chúng có tác dụng kích thích làm tăng sinh các tế bào lympho và tăng khả năng thực bào của đại thực bào.

  • Tác động làm tăng cường các phản ứng miễn dịch tế bào:

Dịch chiết phục linh giúp làm tăng tỷ lệ chuyển hóa của các tế bào bạch cầu được kích thích bằng phytohemagglutinin và các tế bào lympho kích thích kháng nguyên ,nhờ đó làm tăng hoạt động của Interferon gamma- giúp làm tăng khả năng miễn dịch của cơ thể.

Hydroxymethyl pachymaran giúp làm tăng số lượng tế bào phân tiết kháng thể ở lá lách và làm tăng số lượng tế bào kết hợp với các kháng nguyên.

Ngoài ra, Pachymaran còn làm tăng trọng lượng của một số cơ quan miễn dịch trong cơ thể như như tuyến ức, hạch bạch huyết và lá lách.

Tác dụng bảo vệ gan

Hoạt chất carboxymethyl tuckahoe polysaccharide giúp làm giảm các tổn thương ở gan và rối loạn chuyển hóa do CCl4 gây ra, giảm hoạt tính ALT trong huyết thanh.

Thử nghiệm trên chuột, khi cắt một phần của gan và liên tục cho chuột uống phục linh trước và sau phẫu thuật, nhận thấy có tác dụng làm tăng rõ rệt tốc độ phục hồi của gan, phòng ngừa hoại tử tế bào gan và làm tăng trọng lượng gan.

Tác dụng bảo vệ vị tràng, phòng chống loét dạ dày

Phục linh có tác dụng phòng và điều trị loét dạ dày trên chuột cống trắng đã được gây loét dạ dày thực nghiệm, đồng thời ức chế phân tiết dịch vị ở vật thử nghiệm.

Nước sắc từ nấm Phục linh có tác dụng làm bất hoạt, gây ức chế với hoạt động của vi khuẩn tụ cầu vàng, trực khuẩn biến dạng,trực khuẩn đại tràng.

Cồn ngâm kiệt thuốc Phục linh có tác dụng diệt xoắn khuẩn.

Tác dụng điều trị trong bệnh đái tháo đường

Thử nghiệm trên chuột thu được kết quả, bạch phục linh có hiệu quả làm giảm đường huyết ở những con chuột mắc bệnh đái tháo đường. Điều này có thể là do thành phần triterpenes có trong bạch phục linh giúp cải thiện độ nhạy cảm của insulin với các tế bào đích, từ đó dẫn đến hiệu quả giảm đường huyết.

Tính vị, quy kinh

Vị: nhạt, ngọt

Tính: bình

Quy được 3 kinh chính: Tâm, Tỳ, Thận.

Công năng: Kiện tỳ, hòa vị, an thần, lợi thủy, trừ thấp.

Chủ trị: Tỳ khí hư nhược, bí tiểu, đái buốt, đàm ẩm, tiêu chảy, nhịp tim nhanh, tim yếu, mất ngủ, hồi hộp, phù nề, viêm bàng quang, chướng bụng.

Có tác dụng lợi thủy trừ thấp, bổ tỳ vị, tỳ hư, chữa bụng đầy trướng, tiêu chảy, kém ăn, ngoài ra còn làm thuốc bổ cho toàn thân, điều trị suy nhược, hoa mắt, chóng mặt và di mộng tinh.

Hình ảnh của Bạch phục linh
Hình ảnh của Bạch phục linh

Công dụng và liều dùng

Công dụng

Phục linh bì: có công dụng lợi tiểu và điều trị phù thũng.

Xích phục linh: có công dụng chữa thấp nhiệt (các triệu chứng như chướng bụng, tiểu vàng,viêm bàng quang, đái rắt).

Bạch phục linh: Chữa các chứng ăn uống khó tiêu, đầy chướng bụng, ho có đờm,bí tiểu tiện, ỉa chảy.

Phục thần: Trị các chứng yếu tim, hồi hộp, hoảng sợ, mất ngủ.

Liều dùng

Phục linh thường được sử dụng ở dạng hoàn, tán và sắc. Có thể dùng đơn độc hoặc phối hợp Phục linh cùng với các dược liệu khác tùy theo mục đích sử dụng.

Liều dùng tham khảo ngày dùng 6 – 12g.

Một số bài thuốc từ Phục linh

Bài thuốc điều trị mất ngủ

Chuẩn bị: Long nhãn nhục, đảng sâm, phục thần, xương bồ, viễn chí, và phục linh với hàm lượng như nhau.

Tiến hành: Tán các loại dược liệu thành bột mịn, sau đó luyện với mật ong làm thành viên hoàn và dùng chu sa làm lớp áo phủ. Dùng 10 – 20g/ lần x 2 lần/ngày (chiều và tối trước khi ngủ).

Bài thuốc điều trị tiêu chảy

Bài thuốc 1:

Chuẩn bị: Chuẩn bị sa nhân và mộc hương (mỗi loại 4g), trần bì, gừng chế và bán hạ mỗi loại 5g, chích với cam thảo khoảng 3g, bạch phục linh, đảng sâm và bạch truật mỗi loại 10g.

Tiến hành: Tán các loại dược liệu thành bột mịn, sau đó trộn bột với nước gừng táo, nhào rồi vê thành viên ( kích thước bằng hạt đậu xanh). Dùng 4 – 8g/ lần, có thể tăng hoặc giảm liều tùy theo từng độ tuổi.

Bài thuốc 2:

Chuẩn bị: Ý dĩ nhân, , bạch truật, đậu ván trắng (sao), đảng sâm, củ mài, hạt sen và bạch linh mỗi loại đều 80g, chích với cam thảo, trần bì, cát cánh và sa nhân mỗi loài đều 40g.

Tiến hành: Tán tất cả các dược liệu thành bột mịn, trộn với nước vo gạo tẻ, vê thành viên. Dùng 4-8/ lần x 3 lần/ ngày.

Bài thuốc điều trị bí tiểu, tiểu ít

Chuẩn bị: Nhục quế 4g, bạch linh, bạch truật trư linh mỗi loại 10g, trạch tả 12g.

Tiên hành: Tan tất cả dược liệu thành bột mịn, sắc uống 10g/ lần x 2 – 3 lần/ngày cho đến khi bệnh có triệu chứng thuyên giảm hoặc giảm hoàn toàn.

Bài thuốc điều trị phù (do mang thai)

Chuẩn bị: Cám gạo làm mịn 60g và bạch linh 250g.

Tiến hành: Đem tán dược liệu thành bột mịn, dùng 10g/lần x 2 lần/ngày.

Bài thuốc điều trị phù thũng, tắt tiểu tiện

Chuẩn bị: Cam thảo và đương quy mỗi loại 20g, chi tử và xích thược mỗi loại 125g, xích phục linh 24g.

Thực hiện: Đem tán tất cả dược liệu thành bột mịn, sắc 8g dược liệu cùng 1 chén nước còn lại 8 phần, uống thuốc khi còn nóng. Ngày dùng 2 lần cho đến khi tình trạng bệnh được cải thiện.

Bài thuốc điều trị tỳ hư

Chuẩn bị: Phục linh và bạch linh mỗi loại lấy 12g.

Tiến hành: Sắc dược liệu lấy nước uống và dùng trước khi ăn.

Bài thuốc an thần, ngủ ngon

Chuẩn bị: Trầm hương cân 16g, nhân sâm khoảng 24g và phục thần 125g.

Tiến hành: Đem tán hết dược liệu thành bột và làm thành viên hoàn, dùng 4g/lần x 2 lần/ ngày.

Bài thuốc điều trị tiêu chảy, vàng da

Chuẩn bị: Ý dĩ khoảng 100g, xích tiểu đậu khoảng 50g và bột phục linh 20g.

Tiến hành: Cho vào dược liệu vào nồi, thêm gạo và nước nấu thành cháo. Khi cháo chín, có thể ăn kèm với đường cát trắng.

Bài thuốc điều trị tăng mỡ máu ở người cao tuổi

Chuẩn bị: Gạo tẻ 100g và bạch phục linh sau khi tán thành bột mịn 15g.

Tiến hành: Nấu gạo thành cháo, sau đó thêm bột bạch phục linh vào vào đun sôi lần nữa. Khi chín có thể ăn cùng với đường, muối hoặc các gia vị ăn uống thường ngày.

Những điều cần lưu ý khi sử dụng vị thuốc Phục linh

Không nên dùng trong trường hợp âm hư mà không thấp nhiệt.

  • Đi tiểu nhiều lần, di hoạt tinh hư do hàn, tỳ hư hạ hãm (sa gián: sa dạ dày, sa trực tràng) và
  • Người bị thoát vị không nên sử dụng Phục linh với liều lượng cao.
  • Tránh dùng giấm phối hợp với các món ăn từ nấm phục linh.

Tài liệu tham khảo

  1. Đỗ Tất Lợi (2013). Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam. NXB Hồng Đức
  2. Trần, C. L., Đỗ, V. M., & Vũ, T. B. (2016). Giáo trình Dược liệu học.
  3. Tuệ Tĩnh, Tuyển tập 3303 cây thuốc đông y, NXB Y học.

 

Ngày viết:

    Để lại câu hỏi về sản phẩm

    Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc gì hãy để lại câu hỏi của bạn. Chúng tôi sẽ giải đáp ngay!



    Để lại câu hỏi về bài viết

    Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

    1800 1799