Quế nhục: Từ gia vị quen thuộc của mọi nhà đến thuốc quý trong Đông y

Vỏ thân hoặc vỏ cành cây quế được dùng làm thuốc
Đánh giá post

Danh pháp

Tên khoa học

Cortex Cinnamomi cassiae.

Tên tiếng Việt

Vỏ quế, Quế Trung Quốc, Ngọc Thụ, Quế đơn, Quế bì, Sambor lo veng (Campuchia), Mạy quẻ (Tày).

Phân loại khoa học

Giới Plantae

Bộ Laurales

Họ Lauraceae (Họ latinh: Long não)

Chi Cinnamomum

Loài C. cassia

Mô tả cây

Quế là cây gỗ cao 10 – 20m. Cành hình trụ, nhẵn, màu nâu. Lá mọc so le, đầu nhọn, phiến lá dày cứng, hình mác, dài 12 – 15cm, gốc thuôn, mặt trên của lá bóng nhẵn, mặt dưới lúc đầu có lông; có 3 gân hình cung, gân phụ nhiều, gân bên kéo dài đến đầu lá; cuống to, mặt trên có kẻ rãnh.

Cụm hoa ở kẽ lá gần đầu ngọn mọc tạo thành chùy, hoa màu trắng; bao hoa có 6 phiến, độ dài gần bằng nhau, mặt ngoài của hoa có lông nhỏ.

Quả hạch, hình trứng hoặc hình bầu dục, thuôn dài, phía dưới có đài tồn tại hoặc nguyên hoặc hơi chia thùy.

Mảnh vỏ Quế thường được cuộn tròn thành hình ống dài 25 – 40cm, hoặc là những mảnh cong, rộng 3 – 5cm, dài 1 – 5mm. Mặt ngoài của vỏ có màu nâu đến nâu xám, có các lỗ vỏ và vết cuống lá. Mặt trong màu đỏ đến nâu sẫm, nhẵn hoặc hơi gồ ghề. Chất cứng và giòn, dễ bẻ gãy; mặt bẻ màu nâu đỏ, không nhẵn, ít có sợi. Mắt cắt ngang có hai lớp, lớp ngoài hơi thô ráp màu vàng nâu, lớp trong có xơ ngắn màu nâu đỏ, có vòng màu nâu hơi vàng giữa hai lớp. Sau khi ngâm nước, mặt cắt ngang thấy rõ một vòng mô cứng màu trắng ngà mùi thơm, vị cay ngọt, sau tê nhẹ.

Sinh thái

Cây tập trung ở vùng nhiệt đới châu Á. Cây gỗ ưa sáng và chịu được bóng, cây thích nghi với điều kiện khí hậu nhiệt đới nóng và ẩm, mọc được trên đất ẩm, tơi xốp và nhiều mùn.

Mùa ra hoa vào tháng 4 – 7; mùa kết quả vào tháng 10 – 12.

Hình ảnh cây Quế
Hình ảnh cây Quế

Phân bố

Trên thế giới

Được trồng chủ yếu ở các tỉnh Trung Quốc (Quảng Đông, Quảng Tây).

Tại Việt Nam

Cây được phân bố ở các tỉnh của miền Trung nước ta gồm Nghệ An, Yên Bái, Quảng Nam, Quảng Ninh, Quảng Ngãi, Thanh Hóa.

Bộ phận dùng

Dùng vỏ thân hoặc vỏ cành đã chế biến và phơi khô trong bóng râm của cây Quế.

Thu hái, chế biến

Thu hái

Thu hoạch vỏ quế khi cây đã được trồng 10 năm trở lên. Thu hoạch vào tháng 4 – 5 và 9 – 10, cây có nhiều nhựa dễ bóc.

Trước khi bóc, lấy lạt buộc quanh thân và cành to, buộc một vòng để cắt cho đều, cách khoảng 40cm. Dùng dao nhọn cắt đứt phân nửa thân hoặc cành, rồi cắt dọc từng đoạn. Mỗi lần lấy vỏ, chỉ lấy một nửa bên, để lại nửa bên cho cây tái sinh. Sau đó lấy que nứa đã vót nhọn và mỏng lách vào khe, tách vỏ Quế ra, để riêng từng loại. Không được làm sót lại gỗ khi bóc vỏ vì sẽ làm giảm giá trị của Quế.

Vỏ thân hoặc vỏ cành cây quế được dùng làm thuốc
Vỏ thân hoặc vỏ cành cây quế được dùng làm thuốc

Chế biến

Vỏ Quế – Quế nhục to dày phải ủ, ngâm nước một ngày, rửa sạch, đê ráo nước. Lấy lá chuối tươi, hơ mềm lót quanh sọt dày độ 5cm, xếp Quế nhục vào đầy sọt, đậy bằng lá chuối. Buộc chặt để 3 ngày (mùa nóng) hoặc 7 ngày (mùa lạnh), đảo liên tục từ trên xuống dưới, dưới lên trên cho nóng đều.

Lấy dược liệu ở sọt ra, đem ngâm nước thêm 1 giờ. Vớt ra đặt lên tấm đan bằng nứa, lấy một tấm khác đè lên, ép phẳng, để nơi khô mát đến khi dược liệu se lại. Lấy từng thanh Quế, buộc ép vào ống nứa tròn thẳng, trong thời gian buộc ép, hàng ngày mở ra hai lần, lau chùi mặt trong cho bóng, rôi lại buộc vào. Cứ làm như vậy hằng ngày cho đến khi dược liệu khô. Thời gian chế biến dược liệu khoảng 15 – 16 ngày (mùa nóng) hoặc 1 tháng (mùa lạnh) và có khi hơn.

Bảo quản

Để dược liệu ở những nơi khô ráo, thoáng mát, nên đựng trong bình kín.

Để không làm mất hương vị của Quế, dùng sáp ong miết đều vào hai đầu thanh Quế, bọc bằng giấy polyetylen và cho vào thùng kín để ở nơi khô mát.

Thành phần hóa học

Quế nhục chứa tinh dầu có thể đến 4%, tanin, chất nhựa, chất nhầy, đường, calci oxalt, coumarin.

Tinh dầu Quế chứa aldehyd cinnamic 75 – 90%, salicylaldehyd, methylsalicylaldehyd, methyleugenol, eugenol. Ngoài ra còn có 2’ – hydroxycinnamaldehyd và polysaccharide.

Quế nhục có nhiều diterpen có tác dụng bổ thể gọi là cinnacassiol. Ngoài ra, còn có nhiều chất nhân thơm, các dẫn chất của flavonol, các procyanidin

Tác dụng dược lý

Tác dụng trên hệ tim mạch

Aldehyd cinnamic trong Quế nhục có tác dụng tăng lực co bóp và tăng nhịp tim lợn cô lập. Tác dụng cường tim của Quế nhục có liên quan đến tác dụng cường giao cảm và tăng tiết catecholamin.

Quế nhục, aldehyd cinnamic, natri cinnamate có tác dụng giãn mạch ngoại vi động vật thí nghiệm một cách trực tiếp, làm tăng lưu lượng tuần hoàn mạch vành và não, giảm sức cản của mạch, hạ huyết áp.

Tác dụng trên huyết áp

Trên chuột cống trắng tăng huyết áp do cường tuyến thượng thận bẩm sinh, Quế nhục làm giảm huyết áp, giảm tổng lượng aldosteron bài tiết qua đường tiết niệu trong 24 giờ rõ rệt.

Tác dụng trên nhu động ruột dạ dày

Dịch chiết nước Quế nhục có tác dụng ức chế nhu động ruột non chuột cống trắng, chuột nhắt trắng. Dịch chiết nước và cắn chiết ether ethylic Quế nhục có tác dụng giảm đáng kể số lần tiết tả (đi ngoài) trên chuột nhắt trắng do dầu Thầu dầu gây ra, đồng thời có tác dụng tăng tiết mật trên chuột cống trắng. Tinh dầu Quế có tác dụng tăng nhu động ruột thỏ, tăng tiết dịch tiêu hoá, giảm đau do co thắt đường tiêu hoá.

Tác dụng chống loét

Quế nhục có tác dụng chống loét trên nhiều mô hình thực nghiệm khác nhau. Dịch chiết nước, cắn chiết ether ethylic và các glycosid chiết xuất từ Quế có tác dụng ức chế các tác nhân gây loét dạ dày ở chuột như căng thẳng, indomethacin, acid acetic, 5-HT và các tác nhân khác.

Dịch chiết nước Quế nhục tiêm phúc mạc có tác dụng ức chế tiết dịch vị và hoạt tính men pepsin trên chuột cống trắng, tăng hàm lượng hexosamine trong niêm mạc dạ dày, tăng tưới máu niêm mạc dạ dày, cải thiện vi tuần hoàn nhờ vậy có tác dụng ức chế hình thành vết loét.

Tác dụng chống đông máu và chống kết tập tiểu cầu

Aldehyd cinnamic có tác dụng ức chế ADP gây kết tập tiểu cầu chuột cống trắng in vitro, cắn chiết methanol của dịch chiết nước Quế nhục có tác dụng kéo dài thời gian tái calci hoá (recalcification) trong huyết tương chuột cống trắng in vitro, kéo dài thời gian đông máu.

Tác dụng trên hệ nội tiết

Quế nhục làm giảm rõ rệt hàm lượng cholesterol trong tuyến thượng thận của chuột nhắt trắng mô hình dương hư; aldehyd cinamic làm giảm hàm lượng vitamin C trong tuyến thượng thận chuột cống trắng, thể hiện tác dụng kích thích trục tuyến yên, tuyến thượng thận.

Ngoài ra, Quế nhục còn có tác dụng cải thiện chức năng tình dục và chức năng tuyến giáp, làm tăng nồng độ testosterone và làm giảm hàm lượng T3 huyết tương.

Tác dụng an thần, giảm đau và chống co giật

Aldehyd cinnamic có tác dụng giảm đau rõ rệt trên chuột nhắt trắng, giảm thiểu số cơn đau trên chuột nhắt trắng do acid acetic gây ra, kéo dài thời gian biểu hiện phản ứng đau của chuột nhắt trắng bằng nghiệm pháp kẹp đuôi.

Aldehyd cinnamic, natri cinnamate có tác dụng an thần, chống co giật. Aldehyd cinnamic làm giảm hoạt động tự phát ở chuột nhắt trắng, kéo dài thời gian gây mê của hexobarbital; trì hoãn thời gian gây co giật và thời gian sống thêm do ngộ độc strychnin; giảm mức độ phản ứng gây co giật và tỷ lệ tử vong do nicotin gây ra.

Chống viêm

Quế nhục có tác dụng chống viêm trên nhiều mô hình gây viêm cấp và mạn. Ngoài ra, tinh dầu Quế có tác dụng ức chế vi khuẩn Gram dương; cắn chiết ethanol và diethyl ether Quế nhục có tác dụng ức chế trên Achorion schoenleinii và nhiều chủng vi khuẩn, nấm gây bệnh ngoài da khác. Quế nhục còn có tác dụng chống thiếu oxy, chống lão hóa, kháng tế bào ung thư.

Tính vị, quy kinh

Tân, cam, mùi thơm, tính rất nóng. Quy vào năm kinh can, thận, tâm, tỳ.

Công năng: Bổ hỏa trợ dương, tán hàn chỉ thống, hoạt huyết thông kinh, dẫn hỏa quy nguyên, ấm thận tỳ.

Chủ trị; Lưng gối đau lạnh, bụng đau lạnh, nôn mửa, tiêu chảy, bế kinh, đau bụng kinh, phù thũng, tiểu tiện rối loạn, thận hư hen suyễn.

Dược liệu Quế nhục
Dược liệu Quế nhục

Công dụng và liều dùng

Công dụng

Quế nhục chữa những bệnh cảm lạnh, tiêu chảy, đau vùng hông, đau dạ dày, đau bụng, đau kinh, mụn nhọt lâu lành.

Có tác dụng kích thích tiêu hóa, trợ hô hấp và tuần hoàn, tăng sự bài tiết, co mạch, tăng nhu động ruột và co bóp tử cung, chống khối u, chống xơ vữa động mạch vành, chống oxy hóa.

Còn được dùng làm gia vị.

Ở Nepal, Quế được dùng với tác dụng long đờm, chữa viêm phế quản, khó thở.

Liều dùng

Ngày dùng từ 1 – 4g, dùng dưới dạng thuốc hãm, thuốc hoàn tán, cồn thuốc, rượu thuốc hoặc rượu khai vị.

Một số bài thuốc

Chữa suy nhược cơ thể do bệnh tiểu đường tiêu hóa

Quế nhục 4g; Đẳng sâm, Bạch truật, Hoàng kỳ, Đại táo, mỗi vị 12g; Trần bì, Ngũ vị tử, mỗi vị 6g; Cam thảo 4g; Gừng 2g. Sắc uống ngày 1 thang.

Chữa dương hư, khí lực suy nhược, di tinh, liệt dương, thai nghén khó khăn, sợ lạnh

Quế nhục 12g; Thục địa 24 – 32g; Sơn thù, Hoài sơn, Bạch linh, mỗi vị 16g; Mẫu đơn, Trạch tả, mỗi vị 8g. Tán tất cả các vị thuốc thành bột tạo viên hoàn, mỗi ngày uống 30 – 40g; có thể sắc uống.

Chữa hen phế quản khi hết cơn

Quế nhục 4g; Đẳng sâm, Bạch truật, Phụ tử chế, mỗi vị 12g; Can khương 8g; Cam thảo 6g. Sắc uống ngày 1 thang.

Chữa nhồi máu cơ tim

Quế nhục 6g; Đương quy, Đan sâm, Nhục thung dung, Ba kích, mỗi vị 12g; Nhân sâm, Phụ tử chế, mỗi vị 8g. Sắc uống ngày 1 thang.

Chữa kinh nguyệt không đều hay chậm kinh

Quế nhục 4g; Bạch truật, Đẳng sâm, Bạch thược, Hoàng kỳ, mỗi vị 12g; Phục linh, Thục địa, Xuyên khung, Đương quy, mỗi vị 8g; Cam thảo 4g. Sắc uống ngày 1 thang.

Những điều cần lưu ý khi sử dụng vị thuốc Quế nhục

Người bị âm hư dương thịnh, hỏa vượng, nội nhiệt không nên sử dụng.

Phụ nữ có thai nên kiêng kỵ dược liệu này.

Khi dùng liều cao cùng với thời gian dài có thể gây táo bón, nhức đầu.

Tài liệu tham khảo

  1. Đỗ Tất Lợi (2013), Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, Hồng Đức.
  2. Trần, C. L., Đỗ, V. M., & Vũ, T. B. (2016). Giáo trình Dược liệu học.
  3. Nguyễn Nhược Kim (2007). Bào chế đông dược.
  4. Trường Đại Học Dược Hà Nội – Chủ biên: PGS. TS. Nguyễn Mạnh Tuyển (2021), Dược lý dược cổ truyền, NXB Y Học.
Ngày viết:
Để lại câu hỏi về bài viết

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

1800 1799