Danh pháp
Tên khoa học
Chinemys reevesii.
Tên tiếng Việt
Kim quy, Quy giáp, Mai rùa, Yếm rùa, Cao yếm rùa.
Phân loại khoa học
Họ Rùa – Testudinidae.
Mô tả
Quy bản hay còn gọi là Rùa là vật thường sống dưới nước, 4 chân, đuôi ngắn, thường ăn cá con hoặc sâu bọ, chúng có thể nhịn ăn rất lâu và đây là loài động vật có tuổi thọ cao. Khi gặp nguy hiểm có thể rụt cả đầu lẫn chân và đuôi vào trong mai và yếm.
Mai và yếm rùa là những vỏ rất cứng, liền nhau bởi các cầu xương.
Mai dài hơn yếm, hình bầu dục hẹp, uốn cong vồng lên, có chiều dài khoảng 7,5cm – 22cm, rộng khoảng 6cm – 18cm, mặt ngoài màu nâu hay nâu đen, phần phía trước mai hẹp hơn phía sau, có 1 khối sừng cổ, giữa sống lưng cỏ 5 khối sừng đốt. Ở 2 bên mai rùa là 4 khối sửng sườn, đối nhau, 11 khối sừng rìa ở cạnh mỗi bên. Phần cuối mai có 2 khối sừng mông (Đồn giáp).
Yếm rùa có dạng phiến (tấm) gần như hình chùy viên chiều rộng khoảng 5,5cm – 17cm, dài 6,4cm – 21cm, mặt ngoài màu nâu vàng nhạt gồm 12 tấm khối sừng, mỗi tấm có vân dạng tia xạ, màu nâu tía. Phía trong trắng vàng hay trắng tro, còn vết máu hoặc thịt sót lại. Ở phía trong yếm rùa có 9 khối xương dẹt khớp nhau bằng mép nối có răng chưa (9 bản).
Sinh thái
Quy bản sinh sống ở nhiều vùng biển và ao hồ trên thế giới.

Phân bố quy bản
Trên thế giới
Sống ở nhiều nước như Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản…
Tại Việt Nam
Gặp khắp nơi ở nước ta, nhưng nhiều nhất tại các tỉnh có nhiều ao, hồ.
Bộ phận dùng
Sử dụng Yếm rùa hoặc Mai rùa đã phơi khô của con Rùa đen.
Thu hái, chế biến
Thu bắt
Thu bắt quanh năm, nhưng thường vào mùa thu và mùa đông, nhiều nhất vào các tháng 8 – 12.
Chế biến
Sau khi bắt được rùa, đập chết rùa, bóc lấy mai và yếm, cạo và loại bỏ hết thịt, rửa sạch, phơi khô (Huyết bản).
Nếu luộc chín rùa, bóc lấy mai và yếm, cạo thịt còn sót lại, lọc bỏ gân thịt phơi khô thì được “Thang bản”.
Huyết bản bóng láng, không bóc da, có khi vết máu vẫn còn sót lại.
Thang bản màu thẫm hơn, có vết da bị lóc, mặt trong màu trắng tro, hoặc màu vàng nhạt, không bóng.
Quy bản đem nấu thành cao gọi là Cao quy bản. Đem ngâm yếm rùa vào nước để gân thịt còn sót lại rữa ra rồi cạo hết thịt hoặc đun chín cho dễ, dùng nước rửa sạch cho hết mùi. Phơi khô, đạp nhỏ, đun cùng nước chế biến như nấu cao ban long. Lọc loại bỏ bã, sau đó dùng nước lọc được đem đi cô đặc, đổ vào khuôn, để nguội cắt thành từng miếng nhỏ tùy lượng.

Bảo quản
Bảo quản ở nơi khô ráo, tránh mọt.
Miếng Cao Quy bản nên được gói kín, phía dưới có lót vôi sống để hút ẩm.
Đóng cao Quy bản lỏng vào chai lọ sạch, gắn nắp kỹ.
Thuốc phiến nên để nơi khô ráo.
Thành phần hóa học có trong dược liệu quy bản
Trong Quy bản có thành phần lipid, chất keo, gelatin, amino acid, muối calci…
Khi thủy phân quy bản thu được các acid amin: glycocole 19,36%, tyrosin 13,59%, xystin 5,19%, leuxin 3,6%, alanin 2,95%, acid glutamic, histidin, lysin, acginin; không có tryptophan.
Tác dụng dược lý
Quy bản có tác dụng nâng ngưỡng đau được thử nghiệm trên chuột cống gây trên mô hình âm hư thể cường giáp, độ dính huyết tương giảm rõ.
Có tác dụng điều chỉnh hai chiều hiệu suất tổng hợp DNA.
Tác dụng an thần, bổ huyết và giải nhiệt.
Quy bản còn có tác dụng điều tiết chức năng vùng dưới đồi – tuyến yên – tuyến giáp nhờ cải thiện sự biến đổi chức năng và hình thái tổ chức tuyến giáp trên mô hình âm hư dương thịnh bằng hormon tuyến giáp.
Quy giáp đều có tác dụng giảm số điểm liên kết cực đại trung bình thụ thể P, nhưng lại làm tăng lên số điểm liên kết cực đại trung bình thụ thể M, do vậy có tác dụng điều hòa rõ rệt.
Tính vị, quy kinh
Hàm, cam, vị hàn. Quy vào các kinh là can, tâm, tỳ, thận.
Công năng: Tư âm tiềm dương, dưỡng huyết bổ tâm, ích thận cường cốt.
Chủ trị: Âm hư trào nhiệt, cốt chưng, đạo hàn (mồ hôi trộm), chóng mặt, hoa mắt, thắt lưng chân teo yếu, hư phong nội động, trẻ chậm liền thóp, nữ băng lậu đới hạ.
Công dụng và liều dùng
Công dụng
Theo y học dân gian, Quy bản và Cao quy bản là thuốc bổ thận âm, chữa ho lâu lành, chữa nhức mỏi… còn dùng chữa lỵ kinh niên, sốt rét, cơ thể suy nhược…
Chữa di tinh, bạch đới, chân tay lưng đau nhức.
Hạ được chứng âm hư nóng âm ỉ trong xương, băng huyết, lao nhiệt, khí hư kéo dài và chứng trĩ dò lâu ngày.
Có thể trị được các bệnh trước và sau khi phụ nữ sinh đẻ hay trẻ nhỏ xương yếu.
Liều dùng
Ngày dùng 12 – 24g Quy bản dưới dạng thuốc sắc, thuốc viên hay thuốc bột.
Cao quy bản dùng 10 – 15g/ ngày chia làm 3 lần uống.
Các thầy thuốc thường sử dụng Quy bản dùng phối hợp với các vị thuốc khác.

Một số bài thuốc
Trị nóng trong xương, ra mồi hôi trộm, lao nhiệt, sốt về chiều
Quy bản, Thục địa, mỗi vị 24g. Hoàng bá, Tri mẫu, mỗi vị 16g. Tất cả đem tán thành bột. Thêm mật và tùy xương heo làm thành hoàn. Uống 2 lần mỗi ngày vào lúc đói, mỗi lần uống 8 – 12g với nước Gừng hoặc nước muối nhạt.
Trị mộng tinh, di tinh
Cao Quy bản 10g; Thục địa 16g; Hoài sơn 12g; Phá cố chỉ, sao Thỏ ty tử, Rau má, mỗi vị 8g; vỏ rễ cây Đơn đỏ, sao Khiếm thực, mỗi vị 6g. Đem Cao Quy bản hơ nóng cho đến chảy, Thục địa được giã nhuyễn. Đem trộn đều với các vị thuốc khác đã phơi khô, tán nhỏ. Cho mật ong vừa đủ vào các vị đã được trộn làm thành viên 2g. Mỗi ngày 2 lần, mỗi lần uống 10 viên.
Trị sốt rét lâu ngày
Sao Quy bản 200g, Hà thủ ô 200g, Hùng hoàng 50g. Tán nhỏ, trọn với mật ong tạo thành viên. Ngày dùng 5 – 10g, chia thành nhiều lần uống.
Những điều cần lưu ý khi sử dụng vị thuốc Quy bản
Người bệnh hư nhược mà không có hỏa, người hư hàn, tiêu lỏng không được dùng.
Phụ nữ có thai phải sử dụng cận trọng.
Sắc Quy bản trước khi thêm các vị thuốc khác vào nếu ở dạng thuốc sắc.
Nên tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc các thầy thuốc Đông Y để tránh những tác dụng không mong muốn.
Tài liệu tham khảo
- 1. Đỗ Tất Lợi (2013), Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, Hồng Đức.
- 2. Trần, C. L., Đỗ, V. M., & Vũ, T. B. (2016). Giáo trình Dược liệu học.
- 3. Nguyễn Nhược Kim (2007). Bào chế đông dược.
- 4. Trường Đại Học Dược Hà Nội – Chủ biên: PGS. TS. Nguyễn Mạnh Tuyển (2021), Dược lý dược cổ truyền, NXB Y Học.