Sài hồ: Cây thuốc thông dụng “giải uất” và các tác dụng khác của Sài hồ

Hình ảnh cây Sài hồ
5/5 - (1 bình chọn)

Danh pháp

Tên khoa học

Bupleurum chinense.

Tên tiếng Việt

Bắc sài hồ, Sà diệp sài hồ, Trúc diệp sài hồ, Ngạnh sài hồ.

Phân loại khoa học

Giới Plantae

Bộ Apiales

Họ Apiaceae (Hoa tán)

Chi Bupleurum

Loài B. chinense

Mô tả cây

Sài hồ là cây thảo nhỏ sống lâu năm, cao 0,4 – 07m. Thân mọc thẳng đứng, mảnh, đôi khi phân cành hình chữ chi, nhẵn và có màu lục vàng nhạt. Lá mọc cách hay so le, mép nguyên có đường gân men, hình mác thuôn dài 3 – 6cm, không cuống, đầu lá nhọn, gốc thuôn, có 7 – 9 đường gân song song. Lá phía dưới có cuống ngắn, phía trên không có cuống; cuống lá có bẹ.

Cụm hoa lá tự hình tán kép, mọc ở kẻ lá hoặc đầu cành. Trục cụm hoa chung, nhỏ vài dài, có từ 4 – 10 cụm hoa phụ không dài bằng nhau, là bắc hình mác. Hoa nhỏ màu vàng.

Quả hình bầu dục hoặc hình trứng, dẹt, có ngấn dọc, những góc quả rất rõ, 3 ống tinh dầu nằm ở mặt tiếp giáp.

Rễ nhỏ, gầy, hình trụ hoặc hình nón thon dài, ít phân nhánh. Phần đầu rễ phình to; ở phía đỉnh có khoảng 3 – 15 gốc thân hoặc có gốc lá dạng sợi ngắn. Phần dưới của rễ có phân nhánh. Mặt ngoài rễ màu nâu, có nhiều vết nhăn dọc, vết sẹo còn sót lại của rễ con và lỗ vỏ. Rễ dai và cứng, khó bẻ gãy; mặt bên trong khi cắt có những lớp sợi, phần gỗ bên trong màu trắng ngà, vỏ màu nâu sáng. Mùi thơm nhẹ, vị hơi đắng.

Sinh thái

Sài hồ là cây mọc ở Trung Quốc và Nhật Bản. Cây ưa khí hậu ẩm mát của vùng ôn đới ấm, thích nghi với mùa đông, thường có tuyết hay băng giá.

Sinh trưởng vào mùa xuân và mùa hạ, ra hoa quả vào mùa thu. Quả già tự mở nắp, hạt rơi trên mặt đất, tồn tại qua mùa đông và nảy mầm vào mùa xuân năm sau.

Mùa hoa quả: tháng 7 – 10.

Hình ảnh cây Sài hồ
Hình ảnh cây Sài hồ

Phân bố

Trên thế giới

Cây mọc tập trung tại các tỉnh Trung Quốc gồm Hà Bắc, Sơn Tây, Nội Mông, Tứ Xuyên.

Tại Việt Nam

Cây được di thực về nước ta và trồng thử ở Tam Đảo và SaPa.

Bộ phận dùng

Thường dùng rễ đã phơi hay sấy khô của cây Sài hồ.

Thu hái, chế biến

Thu hái

Thu hoạch vào mùa xuân hay mùa thu.

Rễ cây Sài hồ được dùng làm thuốc
Rễ cây Sài hồ được dùng làm thuốc

Chế biến

Đào lấy rễ, cắt bỏ thân và lá trên mặt đất, rửa sạch đất cát, phơi hoặc sấy khô.

Sài hồ phiến: Sau khi đào lấy rễ, loại bỏ tạp chất và thân lá, rửa sạch, ủ mềm, thái lát dày, phơi hoặc sấy khô.

Thố Sài hồ: Lấy Sài hồ phiến, cho dấm vào trộn đều, ủ cho đến khi thấm hểt vào lõi, cho vào chảo, sao nhỏ lửa, đảo đều đến khô.

Bảo quản

Để dược liệu Sài hồ ở những nơi thoáng mát, tránh mốc và mọt.

Thành phần hóa học

Sài hồ chứa các hợp chất thuộc nhiều nhóm thành phần hóa học như saikosaponin, tinh dầu, flavonoid, sapogenin triterpen (saikogenin A – F).

Hàm lượng saponin trong rễ là 1,69%, thân và lá 0,29%, hàm lượng tùy theo kích thước của rễ. Các khảo sát cho thấy saponin có trong vỏ rễ mà không phải ở mặt gỗ.

Thành phần tinh dầu Sài hồ gồm acid pentanoic, acid heptanoic, acid octenoic, acid octanoic, acid valeric, acid hexanoic, acid nonanoic, acid 2 – heptenoic, acid 2 – nonenoic, eugenol, phenol, cresol, thymol, vanilin acetat, ethylphenol, O – methoxyphenol, và p – methoxyacetophenon. Hàm lượng tinh dầu có trong rễ Sài hô là 0,16%, trong thân 0,05%.

Lá có nhiều flavonoid: kaempferitrin và kaempferol – 7 – rhamnosid.

Rễ Sài hồ chứa 2 polysaccharid có hoạt tính sinh học là các bupleuran 2IIb và 2IIc.

Ngoài ra, rễ Sài hồ còn có α – spinasterol và β – D – glucopyranosid của α – spinasterol.

Tác dụng dược lý

Hoạt tính hạ sốt

Một số nghiên cứu in vivo đã xác nhận hoạt tính hạ sốt của rễ Sài hồ, có tác dụng hạ sốt trên động vật thí nghiệm được gây sốt bởi nhiều tác nhân khác nhau như nấm men, vi khuẩn phó thương hàn…

Thử nghiệm saikosaponin trên chuột nhắt trắc có tác dụng làm hạ sốt. Tiêm phúc mạc tinh dầu saponin, hoặc α – spinasterol từ rễ Sài hồ làm hạ sốt ở chuột nhắt trắng được gây sốt bằng tiêm men bia. Cho chuột nhắt uống phân đoạn saponin thô gây tác dụng an thần, giảm đau và hạ sốt, nhưng không có tác dụng chống co giật hoặc giảm trương lực cơ.

Saikosaponin và tinh dầu được coi là thành phần có hoạt tính hạ sốt chủ yếu trong rễ Sài hồ có khả năng hạ sốt nhanh.

Kháng vi sinh vật gây bệnh

Có tác dụng kháng Staphylococcus aureus, Entamoeba histolytica, Mycobacterium tuberculosis, Streptococcus sp., Entamoeba histolytica và Influenza virus in vitro mạnh. Ngoài ra có tác dụng trên virus viêm gan, đậu bò, herpes và sốt xuất huyết.

Trên chuột nhắt trắng viêm phổi được thử nghiệm lâm sàng, cao chiết nước nóng rễ Sài hồ dùng đường uống có khả năng làm giảm số chuột chết và giảm chỉ số phổi rõ rệt.

Hoạt tính chống viêm

Tiêm phúc mạc phân đoạn saponin, tinh dầu hoặc cao thô từ Sài hồ ức chế phù bàn chân chuột gây bởi caragenin. Saikosaponin là hoạt chất chống viêm. Cho uống saikosaponin thô ức chế phù bàn chân chuột gây bởi dextran serotonin, hoặc dầu Ba đậu. Hoạt lực chống viêm của saikosaponin tương tự như prednisolon. Trong tinh dầu Sài hồ có các hoạt chất chống viêm là acid 2 – nonenoic, acid valeric, và p – methoxyacetophenon; các hoạt chất hạ sốt là acid hexanoic, eugenol và p – methoxyacetophenon.

α – Spinasterol phân lập từ Sài hồ ức chế phù bàn chân chuột trên mô hình carragenin ở chuột nhắt trắng và chuột cống nguyên vẹn và cắt bỏ tuyến thượng thận, cũng ức chế phù chân chuột do bỏng và sự tăng sinh mô hạt trong túi u hạt gây bởi dầu Ba đậu ở chuột cống trắng.

Cơ chế chống viêm của α – spinasterol phức tạp. Tác dụng ức chế rõ rệt trên sự tổng hợp hoặc giải phóng PGE và bradtkinin; ức chế tác dụng gây viêm của PGE, bradykini, histamin, serotonin; ức chế sự di cư của bạch cầu.

Hoạt tính chống loét

Một phân đoạn polysaccharid của cao chiết nước nóng rễ Sài hồ ức chế có ý nghĩa sự sinh loét bới acid hydrocloric hoặc ethanol ở chuột nhắt trắng, có hoạt tính chống loét mạnh đã được chứng minh in vivo và in vitro.

Hoạt tính tăng cường miễn dịch

Nghiên cứu in vivo cho thấy cao chiết với nước nóng từ rễ Sài hồ làm tăng đáp ứng kháng thể và ức chế sự biến đổi của tế bào lympho gây bởi chất tạo phân bào. Một polysaccharid, buleurat 2IIb phân lập từ Sài hồ, làm tăng mạnh sự gắn của phức hợp miễn dịch vào đại thực bào. Hoạt tính của polysaccharid này có khả năng làm tăng chức năng của thụ thể Fc ở đại thực bào, tăng nồng độ kháng thể, ức chế phản ứng dị ứng.

Hoạt tính an thần

Cả phân đoạn saikosaponin thô và saikogenin A của rễ Sài hồ đều có tác dụng an thần rõ rệt. Nghiên cứu in vivo dùng thử nghiệm chuột leo que chứng minh tác dụng an thần của saikosaponin (200 – 800mg/kg) ở chuột nhắt trắng giống như của meprobamat (100mg/kg).

Cho uống saikosid hoặc saikosaponin A từ Sài hồ cũng kéo dài giấc ngủ gây bởi cyclobarbital natri.

Tiêm phúc mạc sakogenin A ức chế sự leo que ở chuột nhắt trắng và đối kháng với tác dụng kích thích của metamphetamin và cafein.

Hoạt tính giảm đau, giảm ho

Tiêm Cao thô Sài hồ hoặc sapogenin A tinh chế gây ức chế cơn quặn đau do tiêm phúc mạc dung dịch acid acetic cho chuột nhắt trắng. Saikosapinin là thành phần có hoạt tính giảm đau.

Tiêu phúc mạc cho chuột nhắt phân đoạn saponin là toàn phần gây giảm đau rõ rệt trên đau do sốc điện. Saikoponin cho chuột uống cũng có tác dụng giảm đau.

Saponin thô có tác dụng giảm ho mạnh, tốt khi tiêm phục mạc cho chuột lang.

Hoạt tính bảo vệ gan

Saponin thô từ Sài hồ cho chuột cống trắng uống, làm bình thường hóa chức năng gan, qua xác định phosphate kiềm trong huyết thanh chuột gây nhiễm độc gan với carbon tetraclorid. Điều trị chuột cống trắng với saikosaponin 2 giờ trước khi cho D – galactosamin, đã ức chế sự tăng AST và ALT trong huyết thanh do tổn thương gan.

Hoạt tính cơ trơn

Saponin thô từ rễ Sài hồ có tác dụng làm tăng co thắt ruột thỏ cô lập bằng acetylcholin. Polysaccharid và saponin cũng có tác dụng bảo vệ niêm mạc trên nhiều mô hình thử nghiệm gây tổn thương khác nhau. Sài hồ còn có tác dụng kích thích trên tử cung ở thỏ cô lập.

Tính vị, quy kinh

Khổ, tân, vi, hàn, mùi thơm. Quy vào bốn kinh can, đởm, tam tiêu, tâm bào.

Công năng: Hòa giải biểu lý, thăng dương, thoái nhiệt, điều kinh, giải uất, sơ can.

Chủ trị: Hàn nhiệt vãng lai, buồn nôn, miệng đắng, ngực sườn đau trướng, không muốn ăn; rối loạn kinh nguyệt, sa dạ con, sa trực tràng, chóng mặt, đau đầu, bứt rứt.

Dược liệu Sài hồ
Dược liệu Sài hồ

Công dụng và liều dùng

Công dụng

Sài hồ được dùng chữa sốt rét, sốt thương hàn, sốt cao, nhức đầu, ngực bụng đầy trướng, chóng mặt, kinh nguyệt không đều.

Ở các nước phương Đông, Sài hồ được dùng điều trị sốt, đau và viêm kết hợp với cúm và cảm lạnh, giảm đau trong điều trị đau tức ở ngực và vùng hạ sườn, điều trị vô kinh, viêm gan mạn tính, hội chứng hư thận và bệnh tự miễn dịch.

Trong y học dân gian của một số nước, Sài hồ chữa điếc, chóng mặt, đái tháo đường, vết thương và nôn mửa.

Trong y học cổ truyền Trung Quốc, Sài hồ được sử dụng rộng rãi trong điều trị các bệnh về gan và túi mật, nhiễm khuẩn có sốt.

Ngoài ra, còn có thể dùng ngoài chữa các bệnh về mắt, các bệnh da bị mẩn ngứa và có mủ.

Liều dùng

Ngày dùng 3 – 12g, dùng dưới dạng thuốc sắc. Có thể tăng giảm liều tùy theo tình trạng bệnh.

Thường cho Sài hồ phối hợp cùng các vị thuốc khác trong các bài thuốc.

Một số bài thuốc

Tiểu sài hồ thang (Chữa sốt, hư lao phát sốt, tinh thần mệt mỏi)

Sài hồ 15g; Bán hạ 7g; Nhân sâm, Sinh khương, mỗi vị 4g; nước 600ml, sắc còn 300ml. Chia 3 lần uống trong ngày.

Chữa hư lao phát sốt, cảm mạo phát sốt

Sài hồ 160g, Cam thảo 40g. Tán nhỏ, đều hai vị thuốc, mỗi ngày dùng 8g bột tán, sắc cùng với 1 bát nước.

Điều trị giai đoạn hồi phục sau áp xe phổi

Sài hồ 8; Đẳng sâm 16g; Hoàng kỳ, Bạch truật, mỗi vị 12g; Đương quy, Thăng ma, Bạch thược, mỗi vị 8g; Trần bì, Cam thảo, Ngũ vị tử, mỗi vị 6g. Sắc uống ngày 1 thang.

Chữa tăng huyết áp do các bệnh gây ra

Sài hồ, Câu đằng, Hoàng cầm, Xa tiền, Mộc thông, mỗi vị 12g; Thiên ma, Chi tử, Xuyên khung, Bạch thược, Đương quy, mỗi vị 8g. Sắc uống ngày 1 thang.

Chữa loét dạ dày tá tràng

Sài hồ, Bạch thược, mỗi vị 12g; Chỉ xác, Xuyên khung, Hương phụ, Thanh bì, mỗi vị 8g; Cam thảo 6g. Sắc uống ngày 1 thang.

Chữa di tinh

Sài hồ 10g; Đẳng sâm, Bạch truật, Hoàng kỳ, Đương quy, mỗi vị 12g; Thăng ma 10g; Trần bì, Cam thảo, mỗi vị 6g. Sắc uống ngày 1 thang.

Chữa đau kinh

Sài hồ, Xuyên khung, mỗi vị 12g; Thương truật, Hương phụ, Hậu phác, Chỉ xác, Chi tử, mỗi vị 8g; Thần khúc 6g. Sắc uống trong ngày.

Những điều cần lưu ý khi sử dụng vị thuốc Sài hồ

Không dùng cho người can dương thượng thăng, âm hư hỏa vượng.

Cần cẩn trọng khi sử dụng cho phụ nữ đang mang, người bị xơ giãn tĩnh mạch thực quản.

Người bị sỏi mật, huyết áp cao không được sử dụng dược liệu này.

Những người bị quá mẫn hay dị ứng với Sài hồ hoặc các thành phần có trong dược liệu cũng không được sử dụng.

Nên tham khảo ý kiến của những người có chuyên môn về dược liệu để sử dụng vị thuốc và các bài thuốc của Sài hồ đạt được hiệu quả cao và an toàn sức khỏe.

Tài liệu tham khảo

  1. 1. Đỗ Tất Lợi (2013), Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, Hồng Đức.
  2. 2. Trần, C. L., Đỗ, V. M., & Vũ, T. B. (2016). Giáo trình Dược liệu học.
  3. 3. Nguyễn Nhược Kim (2007). Bào chế đông dược.
  4. 4. Trường Đại Học Dược Hà Nội – Chủ biên: PGS. TS. Nguyễn Mạnh Tuyển (2021), Dược lý dược cổ truyền, NXB Y Học.
Ngày viết:
Để lại câu hỏi về bài viết

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

1800 1799