Chiều ngày 15/12/2017, tại thành phố Lào Cai, Hội nghị phát triển vùng dược liệu Tây Bắc đã được Ban Kinh tế Trung ương, Ban Chỉ đạo Tây Bắc, Bộ Y tế và tỉnh Lào Cai phối hợp tổ chức. Dự và chủ trì hội nghị có đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, Trưởng ban chỉ đạo Tây Bắc; đồng chí Hầu A Lềnh, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo Tây Bắc; đồng chí Nguyễn Văn Vịnh, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy,Chủ tịch HĐND tỉnh Lào Cai; đồng chí Trương Quốc Cường – Thứ trưởng Bộ y tế; đồng chí Lê Quốc Doanh – Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn. Tham dự hội nghị còn có lãnh đạo các Bộ,ban, ngành Trung ương cùng hơn 200 đại biểu 14 tỉnh khu vực Trung du, miền núi phía Bắc.

Tại hội nghị, đại diện các Bộ, ngành, địa phương Tây Bắc cùng đại diện một số công ty phát triển dược liệu tại Việt nam đã trình bày các đề án phát triển dược liệu bền vững, gắn với bảo vệ và phát triển rừng, phát triển văn hóa du lịch thảo dược, góp phần quan trọng cho việc bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân, tích cực xóa đói, giảm nghèo cho đồng bào các dân tộc Tây Bắc.

Về phía công ty CTCP Sao Thái Dương, Ths. Nguyễn Thị Hương Liên- PGĐ công ty đã có những chia sẻ về việc phát triển vùng trồng Dược liệu, góp phần quan trọng cho việc bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân, tích cực xóa đói, giảm nghèo cho đồng bào các dân tộc tại khu vực Tây Bắc.
Theo Ths. Hương Liên: ” Việc phát nguồn dược liệu sạch là yếu tố then chốt để tạo ra các sản phẩm chất lượng. Đặc biệt là những sản phẩm xuất khẩu quốc tế như dòng mỹ phẩm Nature Queen. Vì vậy, công ty tập trung liên kết với nông dân để trồng, thu hái và thu mua các dược liệu đạt tiêu chuẩn chất lượng. Để chủ động hơn nữa trong nguồn cung nguyên lệu và với mong muốn phát triển nguồn dược liệu sạch tại Việt Nam, công ty Sao Thái Dương đang đầu tư thực hiện dự án “Khai thác bảo tồn, trồng và chế biến dược liệu tại Hà Giang”. Dự án có tổng vốn đầu tư 80 tỷ đồng, thực hiện tại huyện Xín Mần, Hà Giang. Dự kiến đến giai đoạn sau của dự án tổng diện tích dự án 8.000 ha, trong đó diện tích trồng dược liệu 600 ha, diện tích rừng tự nhiên bảo vệ, khai thác 7.360 ha. Khi đi vào hoạt động đầy đủ sẽ cần khoảng 150 – 200 lao động quản lý, vận hành, nuôi trồng và chế biến dược liệu.
Các hoạt động chính bao gồm khai thác dược liệu tự nhiên bảo tồn kết hợp bảo vệ rừng; bảo tồn nguồn genes; nuôi trồng dược liệu và chế biến dược liệu.”
Kết luận hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban kinh tế Trung ương, trưởng Ban chỉ đạo Tây Bắc khẳng định: Tây Bắc đã là một trong các vùng có định hướng phát triển dược liệu rõ nét với tổng cộng 36 loài được nuôi trồng khắp 14 tỉnh trong khu vực. Nhiều tỉnh đã chủ động tổ chức quy hoạch các vùng nuôi trồng, khai thác, biến cây dược liệu trở thành vùng chuyên canh hàng hóa như các vùng quế (Yên Bái) hay, Actiso (Lào Cai)
Qua các ý kiến phát biểu, đề xuất, kiến nghị của các địa phương, doanh nghiệp, Hội nghị đã xác định loài dược liệu đặc thù phù hợp cho đặc thù vùng và địa phương; đồng thời đưa ra một số giải pháp, đề xuất cơ chế chính sách đặc thù giúp tăng cường quản lý, phát triển thành vùng hàng hóa dược liệu liên kết chặt chẽ từ khâu trồng trọt đến tiêu thụ sản phẩm.