Tế tân: Vị thuốc cay nồng với nhiều công dụng. Cách sử dụng Tế tân

Dược liệu Tế tân
5/5 - (1 bình chọn)

Danh pháp

Tên khoa học

Asarum sieboldii

Tên tiếng Việt

Hoa tiên, Tế tân nam, Hoa tế tân, Liêu tế tân.

Phân loại khoa học

Giới Plantae

Bộ Piperales

Họ Aristolochiaceae (Mộc hương)

Chi Asarum

Loài A. balansae

Mô tả cây

Tế tân là một loại cây thảo nhỏ, cao chừng 12 – 24cm. Thân nằm rồi đứng 8 – 10cm.

Lá mọc từ thân rễ, gồm 2 – 3 lá, mảnh và có cuống dài, thường là nhẵn hay hơi có lông, trên có rãnh chạy dọc, dày, bóng, phiến lá hình tim dài 10 – 12cm, đầu nhọn, phía đáy lá hình tim hoặc tròn, mép nguyên, mặt dưới có lông dày mịn ở gân, mặt trên thưa hơn, gân lá hình chân vịt.

Hoa mọc đơn độc từ rễ lên, màu nâu đỏ nhạt, cuống dài 3 – 5cm và đài có lông. Bao hoa gồm 1 vòng màu nâu đỏ nhạt, phía trên chia 3 thùy hình trái xoan hay hình tim, màu vàng có đốm trắng, đầu nhọn, 12 nhụy; bao phấn dài hơn chỉ nhị. Quả nang gần hình cầu thò ra khỏi bao hoa tồn tại, có nhiều hạt.

Thân rễ dưới đất bò ngang trong đất, đầu thân rễ có phân nhánh, dài 3 – 8cm, đốt dài 0,2 – 1cm. Mùi và vị hơi nhẹ. Rễ nhiều, dài và nhỏ, khi vê lên ở tay có mùi thơm.

Sinh thái

Cây mọc dưới tán rừng ẩm của vùng núi cao.

Hình ảnh cây Tế tân
Hình ảnh cây Tế tân

Phân bố

Trên thế giới

Tế tân tập trung nhiều ở các tỉnh Trung Quốc gồm Liêu Ninh, Hà Nam, Triết Giang, Sơn Đông, Phúc Kiến, Thiểm Tây.

Tại Việt Nam

Cây hiện nay vẫn cần phải nhập từ Trung Quốc.

Bộ phận dùng

Thường dùng toàn cây phơi hay sấy khô của cây.

Thu hái, chế biến

Thu hái

Thu hoạch vào mùa hạ tháng 5 – 6 và đầu mùa thu, khi quả chín, đào lấy cả cây Tế tân.

Hình ảnh rễ cây Tế tân
Hình ảnh rễ cây Tế tân

Chế biến

Đào lấy toàn cây lúc quả chín, rửa sạch, phơi âm can, không được phơi trực tiếp dưới nắng.

Tế tân cắt đoạn: Lấy cả cây Tế tân rửa sạch, phơi khô, loại bỏ tạp chất, rắc nước vào cho mềm dược liệu, cắt thành từng đoạn, cuối cùng phơi âm can cho đến khô.

Bảo quản

Để dược liệu ở những chỗ khô thoáng, tránh mốc và mọt.

Thành phần hóa học

Tinh dầu 2,75%: cineol, asaricin, pinen, α – terpineol…

Trong Tế tân có 2,75% tinh dầu (không <2%), trong đó thành phần chủ yếu là pinen, methyleugenola, 1,8 – cineol, asaricin, β/α – pinen, α – thuyen, myrcen, terpinen – 4 – ol, α – terpineol, safrol và myristicin. Trong tài liệu khác, còn có asaryceton.

Theo một tài liệu khác, thì trong Tế tân có L. asarinin và chừng 3% tinh dầu, trong tinh dầu thành phần chủ yếu là metyl ugenola chừng 50%, ngoài ra còn một ít asarylxeton chừng 50%, ngoài ra còn một ít asaryxeton, chất phenol, acid panmitic.

Tác dụng dược lý

Tinh dầu Tế tân trên ếch, chuột và thỏ lúc đầu gây hưng phấn, sau đó có hiện tượng mê, dần dần vận động hô hấp giảm, các phản xạ mất, cuối cùng chết do hô hấp tê liệt. Khi hô hấp không còn hoạt động, tim vẫn còn đập.

Tác dụng gây tê cục bộ

Dịch chiết bằng cồn của Tế tân trên tiêu bản thần kinh – cơ đùi ếch có tác dụng phong bế sự dẫn truyền các xung trong dây thần kinh, còn dạng nước sắc không có tác dụng.

Tinh dầu Tế tân có tác dụng gây tê bề mặt, giò vào mắt thỏ làm mất các phản xạ của giác mạc. Dùng dạng cồn thuốc Tế tân bôi lên lưỡi sau nửa phút có cảm giác tê, rồi cảm giác đau hoàn toàn biến mất, sau một giờ mới dần dần hồi phục.

Ngoài ra, còn dùng Tế tân phối hợp với các vị thuốc khác bôi vào lợi gây tê để nhổ răng.

Tác dụng hạ sốt, giảm đau

Tinh dầu Tế tân dưới dạng nhũ dịch, cho thỏ uống với liều 0,2 – 1ml/kg có tác dụng hạ nhiệt cả trên thỏ bình thường và thỏ gây sốt thực nghiệm. Trên thỏ gây sốt bằng vaccin thương hàn, tinh dầu Tê tân với liều 0,5ml/kg bằng đường uống thể hiện tác dụng hạ sốt.

Thí nghiệm trên thỏ gây đau bằng phương pháp kích thích tủy răng, Tế tân có tác dụng giảm đau với cường độ giảm đau tương đương aspirin.

Tác dụng đối với tim mạch

Dịch chiết bằng cồn của Tế tân (1:2) trên động vật thí nghiệm bằng đường tiêm tĩnh mạch với liều 0,4ml/kg, có tác dụng tăng cường sức co bóp cơ tim, nâng cao hiệu suất làm việt của tâm thất. Trên cho thí nghiệm, dịch chiết bằng cồn của Tế tân tiêm tĩnh mạch với liều 0,1mg/kg, có tác dụng hạ huyết áp, giảm sức kháng mạch máu ngoại vi.

Tác dụng đối với hệ cơ trơn

Thí nghiệm trên chuột lang gây co thắt khí phế quản bằng histamin hoặc acetylcholin, tinh dầu Tế tân có tác dụng gây giãn cơ trơn khí phế quản. Trên tiêu bản hồi trường cô lập chuột lang gây co thắt bởi histamin, acetylcholin và bari clorid, tinh dầu Tế tân cũng có tác dụng gây giãn cơ trơn.

Tác dụng an thần, chống co giật

Tinh dầu Tế tân thí nghiệm trên chuột nhắt trắng, tiêm xoang bụng với liều 0,06ml/kg có tác dụng an thần, giảm hoạt động tự nhiên của chuột thí nghiệm, dùng với liều lớn có tác dụng gây ngủ, gây mê. Tinh dầu Tế tân dùng kết hợp với cloral hydrat có tác dụng tăng cường ức chế thần kinh trung ương, đối kháng với co giật do kích thích điệnm strychin gây nên.

Các tác dụng khác

Tinh dầu Tế tân thử nghiệm trên chuột cống trắng bằng đường cho vào dạ dày, có tác dụng ức chế phù bàn chân chuột do formaldehyd và carragenin gây nên. Trên chuột đã cắt bỏ tuyến thượng thận, Tế tân vẫn còn tác dụng trên.

Dạng chiết cồn Tế tân có tác dụng ức chế sự phát triển của các vi khuẩn gram dương với nồng đồ thấp nhất có tác dụng là 50mg/ml.

Chất methyleugenol trong Tế tân có tác dụng ức chế sự sản sinh ra độc tố của Asprtgillus versicolor và 3 nòi Aspergillus khác.

Safrol tồn tại trong Tế tân có tác dụng gây ung thư trên chuột nhắt trắng và chuột cống trắng. Bằng đường uống, thuốc gây ung thư gan, bằng đường tiêm dưới da gây ung thư gan và phổi trên chuột nhắt trắng còn non.

Độc tính

Tinh dầu Tế tân đối với ếch, chuột nhắt trắng, thỏ ở giai đoạn đầu sau khi dùng thuốc có tác dụng kích thích, sau đó dần dần bị tê liệt, vận động tự nhiên và hô hấp giảm dần, các phản xạ dần dần biến mất, cuối cùng xuất hiện tử vong do liệt hô hấp.

Trên người dùng quá liều Tế tân gây ngộ độc biểu hiện đau đầu dữ đội, kèm theo nôn mửa, toát mồ hôi, khát nước, thở gấp, cổ cứng, giãn đồng tử, thể nhiệt tăng cao. Sau đó, dần dần hôn mê dẫn tới tử vong.

Tính vị, quy kinh

Tân, tính ôn, không độc. Quy vào bốn kinh can, thận, phế, tâm.

Công năng: Khu phong, tán hàn, thông khiếu, giảm đau, ôn phế, hóa đàm ẩm, hành thủy khí, phong thấp, ứ huyết.

Chủ trị: Cảm mạo phong hàn, nhức đầu, chảy nước mũi, phong thấp đau tê, đàm ẩm, ho suyễn.

Dược liệu Tế tân
Dược liệu Tế tân

Công dụng và liều dùng

Công dụng

Tế tân được dùng để trị trúng phong hàn, đau nhức, ho giải cảm, phong thấp, đau răng, ngạt mũi, bí mồ hôi.

Dùng ngoài chữa hôi miệng, gây tê cục bộ.

Liều dùng

Ngày dùng từ 4 – 8g, dùng dưới dạng thuốc sắc, bột, hay viên hoàn.

Thầy thuốc thường phối hợp cùng các vị thuốc khác.

Một số bài thuốc

Chữa đau răng

Tế tân, Thạch cao, mỗi vị 10g, ngâm vào 100ml rượu trong nửa ngày. Dùng rượu thuốc ngậm rồi nhổ đi.

Chữa trúng gió lạnh, chân tay co cứng, giá lạnh, hôn mê

Tê tân, Ma hoàng, Quế chi, Thạch xương bồ, Phụ tử chế, Cam thảo, mỗi vị 4g. Sắc nước uống. Dùng ngoài, Tế tân tán bột, lấy bột thổi vào mũi làm cho hắt hơi và xát vào chân răng nếu răng cắn chặt không nói.

Chữa lở miệng, loét lưỡi

Tế tân, Hoàng liên, lượng bằng nhau, tán nhỏ trộn đều bôi vào miện lưỡi, đồng thời ngậm cho chảy nước miếng ra.

Chữa đau nửa đầu

Tế tân, Hùng hoàng, lượng bằng nhau, nghiền thành bột, trộn đều. Thổi bột vào mũi. Đau bên trái thì thổi vào lỗ bên phải và ngược lại.

Chữa cảm lạnh

Tế tân, Bán hạ, Phục linh, Cát cánh, Quế chim Cam thảo, mỗi vị 2g; Cam thảo 1g; nước 200ml sắc còn 100ml chia 3 lần uống trong ngày.

Chữa hôi miệng

Ngâm Tế tân, cho đến khi mỏi thì nhả.

Những điều cần lưu ý khi sử dụng vị thuốc Tế tân

Không dùng phối hợp với Lê lô.

Cần dùng thận trọng với người âm hư hỏa vượng.

Ngươi có phàm khí hư mà không ra mồ hôi, huyết hư sinh nhức đầu, âm hư mà ho thì không dùng được.

Không cho phụ nữ đang mang thai và cho con bú sử dụng vị thuốc này.

Nên tham khảo ý kiến của các thầy thuốc khác để đảm bảo dùng vị thuốc Tế tân đạt được hiệu quả tốt nhất và an toàn sức khỏe.

Tài liệu tham khảo

  1. 1. Đỗ Tất Lợi (2013), Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, Hồng Đức.
  2. 2. Trần, C. L., Đỗ, V. M., & Vũ, T. B. (2016). Giáo trình Dược liệu học.
  3. 3. Nguyễn Nhược Kim (2007). Bào chế đông dược.
  4. 4. Trường Đại Học Dược Hà Nội – Chủ biên: PGS. TS. Nguyễn Mạnh Tuyển (2021), Dược lý dược cổ truyền, NXB Y Học.
Ngày viết:
Để lại câu hỏi về bài viết

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

1800 1799