Trần bì là vị thuốc cổ truyền có hương thơm đặc biệt, vị cay, đắng, tính ấm. Thường được sử dụng giảm các triệu chứng đầy bụng, khó tiêu, ho có đờm, nôn mửa, tiêu chảy,…Vậy cách sử dụng Trần bì trong các bài thuốc như nào? Cùng tìm hiểu dưới đây nhé!
Giới thiệu về cây Trần bì
- Tên khoa học: Pericarpium Citri reticulatae.
- Tên tiếng Việt: Vỏ quýt chín, Quất bì, Tần hội bì, Quảng trần bì.
- Phân loại khoa học: Họ Cam – Rutaceae.
- Đặc điểm nhận diện cây Trần bì:
- Cây gỗ nhỏ cao 5 – 8m, dáng chắc đều, thân và cành có gai ngắn hoặc không có gai, cành cứng
- Lá đơn, mọc so le, phiến lá hình trái xoan có khớp, mép nguyên hoặc có răng cưa hơi khía tai bèo, gốc thuôn, đầu tù hoặc hơi nhọn, mặt trên nhẵn bóng, mặt dưới nhạt có gân nổi rõ; cuống lá ngắn, hơi có cánh.
- Hoa nhỏ, màu trắng, mọc riêng lẻ ở kẽ lá.
- Trái Trần bì hình cầu hai đầu hơi dẹt, khi chín màu vàng cam hay vàng đỏ, cơm quả dịu, chua và thơm. Hạt xanh.
- Vỏ mỏng, lồi lõm, màu nâu, có chấm sậm. Mặt trong màu trắng. Vỏ dễ bong ra.
- Trần bì có mùi thơm đặc biệt, vị hơi đắng, hơi cay.
- Sinh thái:
- Nguồn gốc của cây Quýt được xuất xứ từ vùng Đông Dương và được trồng khắp nơi để lấy quả.
- Thích nghi với điều kiện khí hậu ôn hòa của vùng ôn đới ẩm, á nhiệt đới và nhiệt đới. Cây ưa sáng và có thể chịu được hạn, trồng ở vùng ôn đới ẩm và á nhiệt đới có hiện tượng rụng lá vào mùa đông.
- Ra hoa cùng lúc với lá non và mùa xuân, thụ phấn nhờ côn trùng, tái sinh tự nhiên từ hạt và mọc cây chồi khỏe sau khi bị chặt.
- Mùa hoa quả: Tháng 7 – 12.
- Trên thế giới: Phân bố rộng rãi ở Trung Quốc và các nước vùng Đông Nam Á.
- Tại Việt Nam: Tập trung ở nước ta nhiều nhất ở Nghệ An, Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế, Nam Hà, Hà Bắc, Bắc Thái, Tiền Giang, Cần Thơ, Đồng Tháp.
- Bộ phận dùng: Vỏ ngoài.

Tác dụng của Trần bì
Tác dụng đối với tim mạch
- Nước sắc Trần bì trên tim ếch cô lập và tim ếch tại chỗ đều có tác dụng tăng cường sức co bóp cơ tim, tăng lượng máu do tim đẩy ra, ảnh hưởng không lớn đến nhịp tim. Với liều cao, nước sắc ức chế sức co bóp cơ tim và làm giãn mạch vành, trên tiêu bản tim thỏ cô lập.
- Nước sắc Trần bì thí nghiệm trên chó tiêm tĩnh mạch, có tác dụng gây co bóp mạch máu thân, giảm lượng nước tiểu. Trên cho và thỏ lại có tác dụng tăng huyết áp và khi huyết áp trở lại bình thường thì tiếp theo có hiện tượng hạ huyết áp trong thời gian ngắn, tác dụng giống như adrenalin.
- Còn hesperidin của Trần bì trên tiêu bản tai thỏ cô lập, có tác dụng gây giãn mạch; methylhesperidin có tác dụng giảm tính thẩm thấu thành mạch.
Có thể bạn quan tâm: Cây Dong riềng đỏ: Vị thuốc quý hỗ trợ trị các bệnh về tim mạch
Tác dụng đối với cơ trơn
Nước sắc Trần bì trên tiêu bản ruột cô lập của thỏ và chuột nhắt trắng có tác dụng gây ức chế co bóp ruột; methylhesperidin đối với ruột cô lập và khí quản chuột lang, giãn động mạch chủ chuột cống trắng đều có tác dụng ức chế co bóp ruột, nhưng tương đối yếu, chỉ bằng 1/100 tác dụng của papaverin.

Tác dụng kháng viêm, lợi mật
Methylhesperidin có tác dụng ức chế loét dạ dày do thắt môn vị gây nên trên chuột cống trắng; tiêm xoang bụng ở chuột cống trắng có tác dụng lợi mật rõ rệt.
Xem thêm:
- Cao đậu tương
- Bạch liễu: Vị thuốc giảm đau, kháng viêm từ thiên nhiên
Các tác dụng khác
- Trên chuột cống trắng được nuôi dưỡng bằng chế ăn gây xơ vữa động mạch và hình thành huyết khối, hesperidin có tác dụng kéo dài thời gian sống của các súc vật thí nghiệm.
- Trên chuột cống trắng gây tắc nghẽn mạch huyết khối thực nghiệm, các flavonoid có tác dụng ức chế hoạt động men thrombogen, nhưng không ảnh hưởng đến thời gian đông máu.
Thành phần hóa học
- Trong quả Quýt, Trần bì chiếm 22 – 22,5%.
- Trần bì khi còn tươi chứa tinh dầu (0,5 – 1%) và flavonoid, thành phần chủ yếu của tinh dầu gồm d – limonen (90%), linalool (15,4%), các terpen. Ngoài ra, còn có một ít citral, methylanthranilat. Flavonoid chính là hesperidin và các polymethoxyflavon (nobiletin, tangeretin…).
- Khi phơi khô để lâu, chất gì tác dụng hiện chưa có nhà khoa học nào nghiên cứu.

- Tinh dầu Quýt là một chất lỏng màu vàng nhạt, có huỳnh quang xanh, mùi thơm dễ chịu. Tỷ trọng 0,853 – 0858. Thành phần chủ yếu trong tinh dầu Quýt là d – limonen, một ít xitrala, các andehyt nonylic và dexylic, chừng 1% metylanthranilametyl (do chất này tinh dầu có huỳnh quang và mùi thơm đặc biệt).
- Một nhà nghiên cứu người Nhật đã phân tích trong Trần bì thấy có 27 hợp chất gồm các loại chất phenyl propanoid glucosid, terpenoid glucosid, lunonoid glucosid và adenosin, trong đó chất citrusin A có tác dụng làm hạ áp.
Cách thu hái, chế biến dược liệu Trần bì
Thu hái
- Từ mùa đông năm trước đến mùa xuân năm sau, thu hái khi quả chín, bóc lấy vỏ phơi hay sất nhẹ đến khô làm Trần bì.
- Trần bì để càng lâu năm càng tốt.
Chế biến
Tách vỏ quả Trần bì thành 3 – 4 mảnh bám sát cuống, luồn vỏ vào sợi dây lạt, sau đó hãy để vỏ quả tự nhiên khô bằng cách treo dây nơi có gió hoặc sấy nhẹ. Tránh đặt gần bếp hoặc nơi có môi trường dơ bẩn để giữ cho tinh dầu tự nhiên không bị mất và tránh bị nhiễm bẩn.
Bảo quản
Để Trần bì ở nơi khô ráo, thoáng mát, tránh ánh sáng trực tiếp và tránh mốc mọt.

Công dụng của Trần Bì
- Trong y học cổ truyền, Trần bì là một vị thuốc thông dụng đối với nam giới, vì vậy có câu “Nam bất ngoại Trần bì, Nữ bất ly Hương phụ” nghĩa là đàn ông khi chữa bệnh không thể thiếu Trần bì, phụ nữ thì không thể thiếu Hương phụ.
- Theo kinh nghiệm dân gian, dùng Trần bì để chữa ho, tức ngực, nhiều đờm, trúng thực đầy bụng, đau bụng, ợ hơi, nôn mửa, tiêu chảy, sốt rét.
- Còn dùng để lợi tiểu, trừ thấp, giải độc cá tanh.
- Trần bì dùng để chế tinh dầu.
Cách sử dụng Trần bì vào một số bài thuốc
Ngày dùng 4 – 16g ở dạng thuốc sắc. Dưới đây là một vài bài thuốc sử dụng Trần bì:
Hỗ trợ tiêu hóa
Trần bì 0,5g; Hoàng bá, Hoàng liên, Đảng sâm, Cam thảo, mỗi vị 0,3g. Tất cả tán bột, trộn đều. Chia 3 lần uống trong một ngày.
Chữa ho mất tiếng
Trần bì 12g, đem sắc với 200ml nước, đun cho đến khi còn 100ml cho thêm đường vào cho đủ ngọt, chia đều uống nhiều lần trong ngày.

Chữa đau bụng, ợ hơi, nôn mửa, tiêu hóa kém
Xé vài miếng Trần bì thành miếng nhỏ, rửa qua nước ấm, sau đó hãm trong cốc nước sôi trong khoảng 10-15 phút. Uống khi nóng, loại bỏ bã trước. Uống liên tục trong vài ngày cho đến khi triệu chứng bệnh giảm.
Chữa ho có đờm, tức ngực
Trần bì, hạt vải (thái mỏng và phơi khô cho đến khi nâu vàng) và đại hồi, lấy 1 lượng bằng nhau, nghiền nhỏ và sàng thành bột mịn. Dùng 4-8g (tùy theo tình trạng) chia thành 2 lần và kết hợp với rượu để uống.
Chữa suy nhược cơ thể
Chuẩn bị một con gà trống và sơ chế, chặt thành các miếng nhỏ. Kết hợp với 3g Trần bì và 3g Hồ tiêu. Hầm tất cả với lửa nhỏ; chia thành 2-3 phần và ăn trong ngày.
Chữa viêm loét dạ dày – tá tràng
Lấy 20g Trần bì và 15g Hương phụ (sao giấm), sắc nước và kho cùng 100g thịt gà. Kho đến khi nước cạn, sau đó thêm gia vị và gừng, nêm nếm và tắt bếp.
Những điều cần lưu ý khi sử dụng vị thuốc Trần bì
- Kiêng kỵ khi âm hư, dương hư, chứng thoát.
- Người âm hư ho khan, không có đờm, thực nhiệt, khí hư, thổ huyết thì không nên dùng Trần bì.
- Không ứ trệ, không có thấp, hoặc dị ứng với các thành phần của dược liệu cũng không nên sử dụng.
- Không nên lạm dụng Trần bì với liều lượng quá nhiều vì có thể gây hại đến nguyền khí.
- Nên tham khảo ý kiến của bác sĩ và thầy thuốc để sử dụng Trần bì an toàn, tránh ảnh hưởng đến sức khỏe.
Tài liệu tham khảo
- Đỗ Tất Lợi (2013), Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, Hồng Đức.
- Trần, C. L., Đỗ, V. M., & Vũ, T. B. (2016). Giáo trình Dược liệu học.
- Nguyễn Nhược Kim (2007). Bào chế đông dược.
- Trường Đại Học Dược Hà Nội – Chủ biên: PGS. TS. Nguyễn Mạnh Tuyển (2021), Dược lý dược cổ truyền, NXB Y Học.