Danh pháp
Tên khoa học
Ligusticum wallichii.
Tên tiếng Việt
Khung cùng, Tang ky, Dược cần, Tây khung, Xà tỳ thảo, Giả mạc gia, Hương thảo, Mã hàm cung, Phủ khung, Sang sông (H’ Mông).
Phân loại khoa học
Giới Plantae
Bộ Apiales
Họ Apiaceae (Hoa tán)
Chi Ligusticum
Loài L. striatum
Mô tả cây
Xuyên khung là một loại cây thảo sống nhiều năm. Thân mềm, thẳng, rỗng giữa, hình trụ, cao 40 – 70cm, mặt ngoài có đường gân dọc nổi rõ. Lá mọc so le, xẻ lông chim, kép 3 lần, cuống lá dài khoảng 9 – 17cm, phía dưới có bẹ to ôm lấy thân, có 3 – 5 đôi lá chét, phiến xẻ sâu, khi vò có mùi thơm. Các thùy mọc đối, hình mác, gốc tròn hoặc men theo cuống, đầu nhọn, thùy lớn lại chia thành những thùy nhỏ, nông và khía răng không đều, hai mặt nhẵn, mặt trên màu lục bóng.
Cụm hoa mọc thành tán kép, mỗi tán 10 – 24 hoa có cuống phụ ngắn chừng 1cm. Tổng bao lá bắc gồm những lá nguyên hoặc chia 3 thùy hẹp; hoa nhỏ màu trắng.
Quả bế đôi hình trứng.
Rễ phình lên thành củ, có mùi rất thơm. Thân rễ có hình khối méo mó, nhiều hình dạng, đường kính 1 – 5cm, có nhiều đốt không đều, giữa đốt có đoạn lõi ngắn. Mặt ngoài màu nâu đất, có vết tích của rễ con hay đoạn rễ con còn sót lại, có nếp nhăn, xù xì. Phía đỉnh thân có vết thân cây cắt đi, bị lõm xuống, hình tròn. Chất cứng chắc, khó bẻ gãy. Mặt cắt ngang màu ngà vàng hay vàng nâu, rãi rác có những chấm màu nâu. Mùi thơm, vị hơi cay tê.
Sinh thái
Xuyên khung có nguồn gốc ở vùng Đông Bắc Trung Quốc.
Cây Xuyên khung ưa nơi đất tốt, nhiều mùn, có pha cát. Cây ưa những nơi cao, thích nghi phát triển trong điều kiện khí hậu ẩm mát.
Cây phát triển mạnh trong khoảng thời gian từ mùa xuân đến hè.
Mùa hoa quả bắt đầu từ tháng 8 – 10.

Phân bố
Trên thế giới
Chủ yếu được trồng tại các tỉnh tại Trung Quốc như Tứ Xuyên, Vân Nam, Quý Châu. Còn được trồng nhiều ở Triều Tiên, Nhật Bản và Đài Loan.
Tại Việt Nam
Lào Cai, Hà Giang, Lai Châu, Cao Bằng, Lâm Đồng.
Bộ phận dùng
Thường dùng thân rễ đã phơi hay sấy khô của Xuyên khung để làm thuốc.
Thu hái, chế biến
Thu hái
Thu hoạch sau 2 năm tính từ lúc được gieo giống. Thu hái vào lúc các mấu của thân phình ra.

Chế biến
Thu hoạch thân rễ, loại bỏ rễ con và đất cát, rửa sạch, ủ 2 – 3 ngày đêm cho mềm. Thái lát hoặc bào mỏng. Phơi hoặc sấy nhẹ, sao thơm hay tẩm rượu 1 đêm rồi sao qua.
Bảo quản
Để dược liệu ở nơi khô ráo, thoáng mát và tránh mốc mọt.
Thành phần hóa học
Trong Xuyên khung có chứa tinh dầu, alkaloid (dẫn chất của purin, pyrimidin…), các phthalid (butylidenephthalid, ligustilid, neocindilid), acid phenol và các sesquiterpenoid.
Thành phần hoạt chất chính của Xuyên khung là tetramethylpyrazin và acid ferulic.
Trong tinh dầu Xuyên khung, người ta đã xác định được một chất lacton rất giống chất cnidium lacton đã tìm thấy trong một loại khung khác.
Tác dụng dược lý
Các phthalid butylphthalid, butyliden phthalid và ligustilid có tác dụng ức chế chế co bóp của tử cung chuột cống trắng không mang thai gây bởi prostaglanin. Butyliden phthalid có tác dụng mạnh hơn ligustilid, có thể là do tính thơm của butyliden phthalid. Các phthalid cũng biểu lộ hoạt tính chống loạn nhịp tim và gây giãn động mạch vành.
Ligustrazin phân lập từ Xuyên khung ức chế sự kết tập tiểu cầu và có thể có khả năng dịch chuyển cả Ca2+ khỏi màng tiểu cầu. Dự phòng sự tạo cục đông máu ở động mạch. Ligustrazin tiêm tĩnh mạch cho chuột lang với liều 10mg/kg làm tăng lưu lượng máu ở động mạch vành và giảm lực co cơ tim ở tim cô lập. Ở chó gây mê, làm giảm huyết áp động mạch và tăng áp suất tâm thất trái, nhịp tim, lưu lượng máu ở động mạch vành và sự tiêu thụ oxy ở tim.
Xuyên khung là một thuốc có tác dụng tốt ức chế sự kết tập tiểu cầu và sự tổng hợp thromboxan. Trong thử nghiệm lâm sàng với Cao Xuyên khung để điều trị bệnh động mạch vành, thấy ở những bệnh nhân có bệnh động mạch vành trước khi điều trị, sự kết tập tiểu cầu, β – thromboglobulin, yếu tố tiểu cầu IV, và thromboxan B2 cao hơn nhiều trong khi 6 – cetoprostaglandin thấp hơn so với các đối tượng cùng tuổi và giới. Sau khi điều trị các yếu tố trên đã giảm, và 6 – cetoprostaglandin đã tăng lên.
Tetramethylpyrazin hydroclorid được thử nghiệm nghiên cứu, cho thấy có khả năng làm tăng vi tuần hoàn trong mạc treo thỏ, và làm giãn mao mạch in vitro. Tetramethylpyrazin không những ức chế sự kết tập tiểu cầu gây bởi adenosin diphosphat, mà còn làm tách rời tiểu cầu đã kết tập; tác dụng tốt trong điều trị các bệnh tác mạch máu não.
Rễ Xuyên khung có tác dụng chống đông máu, ức chế sự đông máu chung, ức chế các giai đoạn đông máu nội sinh, ngoại sinh và tạo fibrin, trong thử nghiệm in vitro trên máu người.
Thử nghiệm Xuyên khung trên mô gây mê mèo bằng cloral hydrat có tác dụng hạ huyết áp. Tác dụng giảm huyết áp không do đối kháng thu thể nhận α – adrenalin, mà có khả năng do tác dụng trực tiếp trên cơ trơn mạch máu gây giãn mạch.
Xuyên khung có tác dụng làm giảm cholesterol máu trong mô hình gây tăng cholesterol máu ngoại sinh trên chuột nhắt và cống; làm giảm cholesterol máu nội sinh trên gà; làm giảm tỷ trọng β/α lipoprotein máu và lipid máu toàn phần trên chuột cống trắng.
Nước sắc Xuyên khung có tác dụng in vitro làm tăng sức bền của hồng cầu thỏ chống sự tan máu khi cho hỗn dịch hồng cầu thỏ vào một dung dịch nhược trương.
Xuyên khung còn có tác dụng ức chế co thắt cơ trơn trên ruột thỏ cô lập gây bởi acetylcholin và histamin có tác dụng lợi tiểu.
Tinh dầu Xuyên khung có tác dụng kháng khuẩn in vitro đối với các chủng vi khuẩn: phế cầu, liên cầu tan máu, Streptococcus faecalis, tụ cầu vàng, Shigella shigae, Sh. sonnei, Sh. flexneri, Bacillus subtilis, trực khuẩn mủ xanh, Escherichia coli, Klebsiella pneumoniae.
Tính vị, quy kinh
Tân, ôn, mùi thơm. Quy vào ba kinh can, tâm bào, đởm.
Công năng: Hành khí hoạt huyết, điều kinh, trừ phong, giảm đau.
Chủ trị: Điều kinh, nhức đầu, hoa mắt, cảm mạo phong hàn, phong thấp nhức mỏi, ngực bụng đau tức, nhọt độc sưng đau.

Công dụng và liều dùng
Công dụng
Thường được dùng chữa nhiều triệu chứng nhức đầu, cảm mạo, ung nhọt, hoa mắt, huyết áp cao, phụ nữ sau khi sinh nở bị rong huyết mãi không ngừng..
Xuyên khung dùng để chữa kinh nguyệt không đều, ngực bụng đầy trướng, bán thân bất toại, chân tay co quắp, ung thư.
Dùng cho phụ nữ sau khi sinh nở bị rong huyết kéo dài.
Liều dùng
Ngày dùng từ 6 – 12g, dùng dưới dạng thuốc sắc, thuốc bột hay rượu thuốc.
Một số bài thuốc
Độc vị xuyên khung tán (Chữa thiên đầu thống, phụ nữ sau khi đẻ nhức đầu)
Xuyên khung tán nhỏ. Dùng nước chè chiêu thuốc. Ngày uống 2 lần, mỗi lần uống 4 đến 6g.
Chữa thấp tim
Xuyên khung 12g; Kim ngân, Thổ phục linh, mỗi vị 20g; Bạch truật, Đảng sâm, mỗi vị 16g; Phục linh, Đương quy, Bạch thược, Thục địa, Ngưu tất, mỗi vị 12g; Huyền hồ sách 8g; Cam thảo 4g. Sắc uống ngày 1 thang.
Chữa chảy máu do ứ huyết gây thoát vị khe thực quản
Xuyên khung, Bạch thược, Đương quy, Huyền hồ sách, Bồ hoàng, Ngẫu tiết, Huyết dư, Địa du, mỗi vị 8g. Sắc uống ngày 1 thang.
Chữa liệt dây thần kinh VII ngoại biên
Xuyên khung 8g; Ngưu tất, Thục địa, Đảng sâm, Bạch truật, mỗi vị 12; Khương hoạt, Độc hoạt, Tần giao, Bạch chỉ, Đương quy, Bạch thược, Phục linh, Hoàng cầm, mỗi vị 8g; Cam thảo 6g. Sắc uống mỗi ngày 1 thang.
Chữa trĩ
Xuyên khung 8g; Thục địa, Đương quy, Bạch thược, Địa du, Hoàng kỳ, mỗi vị 12g; A giao 8g; Cam thảo 4g. Sắc uống ngày 1 thang.
Chữa cảm mạo phong hàn
Xuyên khung, Bạch chỉ, Sinh địa, Hoàng cầm, mỗi vị 8g; Khương hoạt, Phòng phong, Thương truật, Tế tân, Cam thảo, mỗi vị 6g. Sắc uống ngày 1 thang.
Chữa rong huyết
Xuyên khung 8g; Bạch truật, Đảng sâm, mỗi vị 12g. Thục địa, Bạch thược, Đương quy, Hương phụ, Hoàng kỳ, Địa du, Bồ hoàng, mỗi vị 8g. Sắc uống ngày 1 thang.
Những điều cần lưu ý khi sử dụng vị thuốc Xuyên khung
Người âm hư, hỏa vượng, kinh nguyệt nhiều không nên dùng.
Sử dụng Xuyên khung thời gian dài có thể làm gây mất chân khí.
Không dùng dược liệu đối với phụ nữ có thai và bà mẹ đang cho con bú.
Những người có các triệ chứng họng khô, đổ mồ hôi trộm, phát sốt, miệng khát không được sử dụng vị thuốc.
Tỳ hư, ăn kém, hỏa uất nên kiêng kỵ.
Dị ứng hoặc quá mẫn với vị thuốc Xuyên khung cũng không nên dùng.
Nên đi tham khảo ý kiến của các thầy thuốc hoặc bác sĩ khi dùng các bài thuốc của vị Xuyên khung để chữa bệnh, đạt hiệu quả cao.
Tài liệu tham khảo
- Đỗ Tất Lợi (2013), Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, Hồng Đức.
- Trần, C. L., Đỗ, V. M., & Vũ, T. B. (2016). Giáo trình Dược liệu học.
- Nguyễn Nhược Kim (2007). Bào chế đông dược.
- Trường Đại Học Dược Hà Nội – Chủ biên: PGS. TS. Nguyễn Mạnh Tuyển (2021), Dược lý dược cổ truyền, NXB Y Học.