Đương quy có tác dụng gì? Cách dùng và liều dùng đúng chuẩn

Cây Đương quy có tác dụng dược lý đa dạng trong các bài thuốc y học cổ truyền, bao gồm cả những bài thuốc điều trị rối loạn kinh nguyệt, vô kinh, đau nhức xương khớp, viêm tuyến tiền liệt, và nhiều bệnh lý khác. Khám phá chi tiết hơn về điều này trong bài viết dưới đây.

Cây đương quy là cây gì?

  • Tên khoa học: Angelica sinensis.
  • Tên tiếng Việt: Tần quy, Vân quy.
  • Phân loại khoa học:
    • Giới Plantae
    • Bộ Apiales
    • Họ Apiaceae – Hoa tán
    • Chi Angelica
    • Loài A. sinensis
  • Mô tả cây Đương quy:
    • Cây thảo nhỏ, đa niên, cao 40 – 60cm, có thể đến 1m khi cây có hoa.
    • Lá mọc so le, xẻ lông chim 3 lần, gốc phát triển thành bẹ to, đầu nhọn, cuống lá dài 3 – 12cm, có 3 đôi lá chét.
    • Cụm hoa mọc ở ngọn thân thành tán kép gồm 12 – 40 tán hoa, dài ngắn không đồng đều. Hoa rất nhỏ màu xanh trắng hay lục nhạt.
    • Quả bế dẹt, có rìa màu tím nhạt, thơm.
    • Rễ dài 10 – 20cm, gồm nhiều nhánh, thường phân biệt thành 3 phần. Phần đầu gọi là quy đầu, phần giữa gọi là quy thân, phần dưới gọi là quy vĩ.
    • Toàn thân của cây nhẵn và có mùi thơm đặc biệt.
  • Sinh thái:
    • Nguồn gốc ở vùng ôn đới. Cây được trồng từ lâu ở Trung Quốc, Triều Tiên và Nhật Bản. Cây ưa nơi khí hậu ẩm mát, đến mùa đông toàn bộ phần trên mặt đất tàn lụi, phần củ dưới mặt đất chịu đựng được băng tuyết và mọc lại vào mùa xuân năm sau.
    • Cây trồng Việt Nam ở vùng đồng bằng ra hoa quả sớm hơn ở vùng núi cao >1500m, những hạt giống này không được dùng để sản xuất dược liệu.
    • Mùa hoa quả rơi vào tháng 7 – 9.
  • Phân bố trên thế giới: Phân bố tại các tỉnh ở Trung Quốc và Triều Tiên.
  • Phân bố tại Việt Nam: Được trồng ở Sapa, Ngọc Linh (Kontum), Buôn Ma Thuột và Lâm Đồng.
  • Bộ phận dùng: Rễ củ hay còn gọi là Đương quy để làm thuốc.
Hình ảnh cây Đương quy
Hình ảnh cây Đương quy

Đương quy có tác dụng gì?

1. Tác dụng kích thích ham muốn

Cây đương quy là một loại thuốc kích thích, giúp tăng ham muốn cho cả nam và nữ. Thêm lá đương quy vào chế độ ăn uống có thể giúp tăng cơ hội thụ thai.

Xem thêm: Nghệ vàng: Tác dụng của tinh bột Nghệ vàng trong điều trị bệnh

Tác dụng giảm đau bụng kinh

Cồn chiết xuất từ Đương quy làm tăng hoạt động của tử cung cô lập và có tác dụng kích thích. Ngược lại, tinh dầu đương quy làm giảm hoạt động của tử cung. Nếu sử dụng cồn đương quy khi tử cung đang chịu áp lực cao, thuốc có thể làm tăng sự co bóp của tử cung. Ngoài ra, đương quy có khả năng tạo ra protid, làm cho tử cung trở nên dày hơn.

2. Tác dụng cho sức khỏe tim mạch

Loại thảo dược tự nhiên này có tác dụng tích cực đối với sức khỏe tim mạch. Nhờ khả năng giảm co thắt, loại bỏ tiểu cầu thừa trong động mạch và mạch máu, việc sử dụng nó có thể giúp hạ áp lực máu, điều chỉnh nhịp tim không bình thường. Kết quả, sức khỏe của hệ tim mạch được cải thiện và nguy cơ mắc bệnh giảm đi.

3. Tác dụng thúc đẩy tuần hoàn cơ thể

Sâm tố nữ (cây Đương quy) chứa sắt, giúp tăng cường tuần hoàn máu. Cung cấp năng lượng và thúc đẩy quá trình chữa bệnh. Ngoài ra, đương quy có khả năng điều chỉnh nồng độ estrogen, hỗ trợ điều hòa kinh nguyệt.

Rễ của cây Đương quy được dùng làm thuốc
Rễ của cây Đương quy được dùng làm thuốc

4. Tác dụng kháng khuẩn

Tác dụng kháng khuẩn của nước sắc và tinh dầu đương quy rất mạnh. Có khả năng ngăn chặn sự phát triển của nhiều loại khuẩn gây bệnh như thương hàn, phẩy khuẩn tả, liên cầu khuẩn tán huyết, phó thương hàn, E. coli, lỵ, bạch hầu và nhiều loại khuẩn khác.

5. Tác dụng tăng miễn dịch

Khả năng kích thích hoạt động của một số loại tế bào miễn dịch, như đại thực bào và lympho bào, giúp hệ miễn dịch hoạt động hiệu quả hơn. Tuy nhiên, một số nghiên cứu cũng ghi nhận rằng Đương quy có khả năng ức chế miễn dịch trong một số trường hợp cụ thể.

6. Tác dụng lợi tiểu

Cơ bàng quang thường gặp các vấn đề khi nó gặp hiện tượng co bóp quá mạnh hoặc tăng cường hoạt động không cần thiết. Đường mía trong Đương quy có khả năng tạo sự thư giãn cho bàng quang, giúp điều hòa hoạt động của nó. Điều này có thể giúp giảm triệu chứng về tiểu buốt hoặc tiểu không kiểm soát.

Ngoài ra, đường mía trong Đương quy cũng có tác dụng làm trơn ruột non, giúp ổn định hoạt động của hệ tiêu hóa. Làm giảm triệu chứng như táo bón hoặc tiêu chảy.

7. Tác dụng khác

  • Giúp ngăn ngừa glycogen trong gan giảm thấp và bảo vệ gan.
  • Làm giãn cơ trơn ống khí, giúp làm giảm cơn hen suyễn.
  • Có tác dụng làm dịu tiêu hóa và giúp đại tiện dễ dàng.
  • Nước sắc Đương quy có tác dụng kháng sinh đối với trực trùng lỵ và tụ cầu trùng.
  • Bài thuốc Tứ vật trong có Đương quy làm thành phần đã được nghiên cứu trên bệnh thiếu máu thực nghiệm gây bằng acetat chì, có tác dụng làm tăng số lượng hồng cầu và tỷ lệ huyết sắc tố của động vật thiếu máu.

Cao Đương quy có tác dụng gì?

  • Tác dụng an thần và ổn định nhịp tim
  • Thành phần chính là phtalid, có tác dụng chống hen và làm giãn cơ trơn.
  • Vitamin B12 và acid folic trong Đương quy giúp ngăn chặn tình trạng thiếu máu ác tính và ức chế sự giảm số lượng tế bào máu, đồng thời ức chế ngưng tập tiểu cầu.
  • Tăng cường sức đề kháng.
  • Chống viêm cấp và mãn tính.

Thu hái, chế biến dược liệu Đương quy

Thu hái

Thu hoạch rễ củ Đương quy ở những cây 3 tuổi vào mùa thu.

Chế biến

  • Sau khi đào lấy rễ củ, cắt bỏ rễ con, rửa sạch, loại bỏ tạp chất, sau đó bó dược liệu thành bó nhỏ, xếp lên giá, đốt xông nóng (không đốt trực tiếp) cho đến khi dược liệu xuất hiện màu đỏ tươi hoặc màu vàng kim tuyến rồi sấy than.
  • Có thể đồ chín củ rồi cán thành phiến mỏng (Đương quy phiến).
  • Tửu Đương quy: Đem Đương quy đã thái lát, phun rượu đều lên khắp mặt của dược liệu, ủ qua, cho vào chảo đun nhỏ lửa, sao nhẹ đến khô, lấy ra để nguội.

Bảo quản

Để dược liệu ở nơi khô mát, tránh ẩm, tránh mốc và mọt.

Thành phần hóa học

  • Trong Đương quy chứa tinh dầu (0,2 – 0,4%) màu vàng sẫm trong, acid hữu cơ, acid amin, vitamin, poluacetylen, sterol, ligustilid, coumarin, polysaccharid, brefeldin.
  • Trong tinh dầu có chứa: Các terpen, các hợp chất phenolic, các dẫn chất phtalid và các thành phần khác như acid myristic, acid nonandioic, acid camphoric, acordinen, isoacoradinen… Tỷ lệ acid tự do trong tinh dầu chiếm tới 40%.
  • Coumarin: umbeliferon, scopoletin, xanthotoxin, isopimpinelin, pergapten, decursin.
  • Acid hữu cơ: acid vanilic, acid linoleic, acid palmitic, acid nicotinic, acid sucinic.
  • Polysachrid khi thủy phân cho L – arabinose, D – galactose, D – glucose, L – rhamnose.
  • Acid amin: alanin, valin, isoleucin, serin, threonin, leucin, aspartat, glycin, acid glutamic, lysin, arginin, phenylalanin, prolin, histidin, emthionin, uracil, cholin.
  • Vitamin: vitamin B1, B2, E.
  • Polyacetylen: galcarinol, falcarindiol, falcarinolon.
  • Sterol: β – sitosterol, stigmasterol, β – stigmasterol – β – D – glucoside.
Dược liệu Đương quy
Dược liệu Đương quy

Công dụng của Đương quy

  • Quy là về, vì vị thuốc này có tác dụng điều khí, nuôi huyết, làm cho huyết đang loạn xạ trở về chỗ cũ.
  • Đương quy là một vị thuốc rất phổ thông trong Đông y, thường được dùng làm thuốc trị bệnh phụ nữ, dùng trong chứng kinh nguyệt không đều, bế kinh, đau bụng kinh, rối loạn tiền mãn kinh.
  • Đương quy còn được dùng làm thuốc bổ huyết, trị thiếu máu, có mặt trong nhiều trang thuốc bổ, trị suy nhược cơ thể và trị các bệnh khác.
  • Phụ nữ uống nước sắc Đương quy vài ngày trước cho tới khi đẻ sẽ dễ đẻ, làm giảm đau khi đẻ.
  • Ngoài ra còn chữa viêm khớp, chân tay đau nhức, tê bại, tê liệt.

Một số bài thuốc

Dùng 4 – 9g, có thể tới 10 – 12g, dạng thuốc sắc hoặc dạng ngâm rượu. Ngoài ra, Đương quy còn được áp dụng trong các bài thuôc sau:

Chữa bại liệt tứ chi và đau cột sống

40g Đương quy 40g, Đỗ trọng, Tục đoạn, Độc hoạt, Chỉ xác, mỗi thứ 12g, tế tân 4g, lưu ký nô 8g, cam thảo 4g đem sắc với 300ml nước cho tới khi còn lại 100ml. Ngày uống 2 lần vào buổi sáng và tối.

Chữa thiếu máu, cơ thể suy nhược, kinh nguyệt không đều

  • Đương quy, Thục địa (hoặc Sinh địa), mỗi vị 12g; Bạch thược 8g, Xuyên khung 6g. Đem sắc với 600ml nước, đun cho đến khi còn 200ml. Chia làm 3 lần uống trong ngày.
  • Đối với phụ nữ sau khi đẻ xuất hiện nhiều bệnh có thể dùng bài Tứ vật thêm một vài vị thuốc như Hắc can khương, Hắc đậu, Trạch lan, Ngưu tất, Ích mẫu, Bồ hoàng.

Chữa bệnh động mạch vành

10g Đương quy, 90g Sơn tra, 15g Ngó sen, 6g rễ hành. Nấu chung với 1 ít nước, uống 2 lần/ngày vào buổi sáng và bổi tối.

Chữa mất ngủ

Đương quy 12g, Viễn chí 10g, Nhân sâm 10g, Toan táo nhân 8g, Phục thần 10g. Sắc uống trong ngày.

Cây Đương quy được sử dụng trong các bài thuốc
Cây Đương quy được sử dụng trong các bài thuốc

Chữa viêm tuyến tiền liệt

Xuyên quy, hạt quýt, hạt vải, mỗi loại 15g, thịt dê 50g đem nấu nhừ. Ăn 2 lần/tuần, hoặc dùng xuyên quy 8g, lá hành 25g và trạch lan 5g sắc uống hằng ngày.

Chữa ra mồ hôi trộm

12g Đương quy, 10g Hoàng kỳ, Thục địa, Sinh địa, mỗi thứ 8g, hoàng cầm, hoàng bá, hoàng liên, mỗi thứ 6g. Sắc còn 1/3 nước, uống 2/ngày vào sáng và tối trước khi đi ngủ.

Chữa sốt rét lâu không khỏi

12g Đương quy, 10g Ngưu tất, 12g Miết giáp, 6g Quất bì, 3 lát gừng sống. Cho nước vừa đủ sắc còn 1/3, uống 2 lần/ngày vào buổi sáng và tối trước khi ngủ.

Cách sử dụng sâm Đương quy

Sâm Đương quy thường được sử dụng ngâm rượu, một phương pháp phổ biến được chọn để chiết xuất dược chất một cách hiệu quả và dễ dàng hấp thụ vào cơ thể. Phương pháp này thường được áp dụng trong việc điều trị các vấn đề như: rối loạn kinh nguyệt, đau bụng kinh, giảm căng thẳng, ổn định huyết áp, và giải quyết các vấn đề liên quan đến xương khớp. Dưới đây là cách 2 cách sử dụng sâm Đương quy tươi và khô để ngâm rượu:

Cách sử dụng sâm Đương quy tươi

Nguyên liệu:

  • 0.5kg sâm Đương quy tươi.
  • 4 – 12 lít rượu nếp (nồng độ 35 – 45 độ).
  • Bình thủy tinh hoặc sứ để đựng rượu và ngâm.

Cách thực hiện:

  • Rửa sạch sâm và để nắng 1 – 2 tiếng để loại bỏ mùi hăng và làm cho rượu thêm ngon.
  • Đặt sâm Đương quy vào bình và đổ rượu sao cho sâm được ngập trong rượu. Ngâm trong vòng 6 tháng.
  • Mỗi ngày, uống 1 – 2 chén rượu sâm Đương quy để cải thiện sức khỏe, hỗ trợ lưu thông máu và ổn định huyết áp.

Cách sử dụng sâm Đương quy khô

Nguyên liệu:

  • 0.5kg sâm Đương quy khô.
  • 12 lít rượu nếp (nồng độ 35 – 45 độ).
  • Bình thủy tinh hoặc sứ để đựng rượu và ngâm.

Cách thực hiện:

  • Rửa sạch sâm Đương quy khô và đợi cho đến khi sâm khô hoàn toàn.
  • Xếp sâm vào bình và đổ rượu sao cho sâm được ngập trong rượu. Đặt bình ở nơi thoáng mát và khô ráo.
  • Ngâm ít nhất 3 tháng trước khi sử dụng.
  • Mỗi ngày, uống 1 – 2 chén để cảm nhận hiệu quả theo thời gian.

Chú ý: Sâm Đương quy ngâm rượu có nhiều lợi ích, nhưng không phải ai cũng nên dùng. Những người bị suy nhược cơ thể, khó hấp thụ dưỡng chất từ sâm, hoặc có các vấn đề về sức khỏe như ung thư, gan, thận, cao huyết áp, và vấn đề đường tiêu hóa, hãy tránh sử dụng.

Những điều cần lưu ý khi sử dụng vị thuốc Đương quy

  • Khi uống Đương quy để trị kinh nguyệt không đều, đau kinh hay bế kinh nên uống trước khi thấy kinh 7 ngày.
  • Quy đầu có tác dụng bổ máu hơn. Quy vĩ tốt cho hoạt huyết. Quy thân hoạt huyết và bổ máu.
  • Khi dùng Tửu Đương quy có thể làm tăng tác dụng bổ máu.
  • Phụ nữ có kinh nguyệt ra nhiều nên tránh dùng vì có thể làm tăng chảy máu.
  • Phụ nữ đang trong thời kỳ mang thai hoặc dự định có thai không nên sử dụng vì vị thuốc này có thể gây sảy thai.
  • Để tránh các tình trạng không mong muốn khi sử dụng, nên tham khảo ý kiến của các thầy thuốc Đông y trước khi sử dụng các bài thuốc từ vị thuốc Đương quy.

Tài liệu tham khảo

  1. Đỗ Tất Lợi (2013), Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, Hồng Đức.
  2. Trần, C. L., Đỗ, V. M., & Vũ, T. B. (2016). Giáo trình Dược liệu học.
  3. Nguyễn Nhược Kim (2007). Bào chế đông dược.
  4. Trường Đại Học Dược Hà Nội – Chủ biên: PGS. TS. Nguyễn Mạnh Tuyển (2021), Dược lý dược cổ truyền, NXB Y Học.
5/5 - (2 bình chọn)
Bài viết mới nhất
Để lại câu hỏi về bài viết

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

1800 1799