Thục địa là gì? Công dụng, Cách dùng hiệu quả, Lưu ý khi dùng

Thục địa là loại dược liệu có tác dụng điều trị can, thận âm hư, thắt lưng đầu gối mỏi yếu, cốt chưng, triều nhiệt, mồ hôi trộm, âm hư ho suyễn, háo khát, di tinh. Huyết hư, đánh trống ngực hồi hộp, rong huyết, kinh nguyệt không đều, mắt mờ, chóng mặt ù tai, táo bón,… Vậy Thục địa có đặc điểm như thế nào, cách áp dụng trong bài thuốc ra sao? Cùng Sao Thái Dương tìm hiểu chi tiết trong bài viết dưới đây nhé!

Giới thiệu về cây Thục địa

  • Tên khoa học: Rehmanniae glutinosae.
  • Tên tiếng Việt: Thục địa hoàng, Địa hoàng thán, Sao tùng thục địa, Địa hoàng thán, Cửu chưng thục địa sa nhân mạt bạn.
  • Phân loại khoa học: Họ latinh là Scrophulariaceae – Hoa mõm chó.
  • Mô tả cây Thục địa:
    • Cây thân thảo cao 10 – 40cm. Toàn cây có lông mềm và có lông bài tiết màu trắng tro.
    • Lá dày, phiến lá hình trứng ngược hoặc bầu dục dài 3 – 15cm, rộng 1,5 – 6cm, gốc thuôn, đầu lá hơi tròn hoặc nhọn, phía cuống lá hẹp lại, mép lá có răng cưa không đều, mặt lá nhăn nheo, mặt dưới màu đỏ có gân nổi rõ, chia lá thành những múi nhỏ, gân lá chằng chịt hình mang, có lông nhỏ. Lá mọc vòng ở gốc, ít khi thấy ở thân.
    • Cụm hoa màu tím sẫm hay tím đỏ, mọc thành chùm ở ngọn. Đài và tràng đều hình chuông, có 5 răng nhọn; tràng hợp thành ống uốn hơi cong, dài 3 – 4cm, mặt ngoài tím sẫm, mặt trong hơi vàng với những đốm tím, chia thành 5 cánh tròn, 4 nhị với 2 nhị lớn.
    • Thân rễ phù to thành dạng củ, lúc đầu mọc thẳng, sau mọc ngang. Rễ củ mập, có cuống dài, vỏ màu đỏ nhạt. Phiến dày hoặc khối không đều.

Tìm hiểu thêm về cây Đảng sâm

Hình ảnh cây Thục địa
Hình ảnh cây Thục địa
  • Sinh thái:
    • Loài cây bắt nguồn từ vùng ôn đới ấm của Trung Quốc, nên khi cây được đem về trồng ở Việt Nam thường đúng vào thời kỳ nhiệt độ trong năm thấp, khi thời tiết nắng gắt, mưa nhiều, đã có thể thu hoạch.
    • Mùa hoa nở thường vào tháng 4 – 5, mùa kết quả thường rơi vào tháng 5 – 6.
  • Phân bố trên thế giới: Tập trung hầu như ở Triều Tiên và Trung Quốc.
  • Phân bố tại Việt Nam: Dược liệu được phân bố trải dài từ miền Bắc đến miền Nam.
  • Bộ phận dùng: Rễ củ đã được chế biến từ cây Sinh địa.

Tác dụng của Thục địa

Tác dụng cải thiện chức năng gan và tiêu hóa

Chiết xuất từ rễ Địa hoàng, thục địa đặc biệt giàu tinh bột và có vị ngọt có hiệu quả như 1 chất đông tụ, giúp cải thiện chức năng gan và quá trình tiêu hóa. Đồng thời, Thục địa còn chứa các hợp chất làm se giúp hỗ trợ cơ thể ngăn chặn sự xuất hiện của các vết loét và giảm viêm trong hệ tiêu hóa.

Tác dụng tăng cường hệ miễn dịch

Thục địa chứa tinh chất giống như corticoid, loại chất ức chế miễn dịch, nhưng không mang lại tác dụng phụ như các loại thuốc kháng sinh khác. Có nghĩa là Thục địa có thể giúp kiểm soát miễn dịch mà không gây ra những vấn đề không mong muốn.

Ngoài ra, các nghiên cứu còn cho thấy rằng Thục địa có lợi cho tim mạch, gan, máu và có khả năng giảm viêm mạnh mẽ. Vì vậy, Thục địa không chỉ tốt cho hệ miễn dịch mà còn mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe toàn diện của cơ thể.

Tác dụng bổ thận

Thục địa được coi là một loại thảo dược “thần kỳ” trong việc điều trị bệnh thận và kiểm soát đường huyết. Nó không chỉ giúp loại bỏ độc tố, ổn định đường huyết, mà còn bồi bổ thận. Đặc biệt, Thục địa có tính hàn vì vậy rất tốt cho những người gặp vấn đề với táo bón.

Thục địa có thể giúp hỗ trợ cải thiện tình trạng suy thận bằng cách bảo vệ và tái tạo tổn thương trên thận. Một nghiên cứu đã chứng minh rằng sử dụng rễ Địa hoàng kết hợp với thuốc chẹn thụ thể angiotensin có thể giúp cải thiện tình trạng protein niệu ở những người mắc bệnh viêm cầu thận mãn tính, đồng thời đảm bảo tính an toàn và hiệu quả của liệu pháp.

Tác dụng của Thục địa
Tác dụng của Thục địa

Tác dụng điều hòa kinh nguyệt

Thục địa không chỉ giúp phụ nữ duy trì chu kỳ kinh nguyệt ổn định mà còn hỗ trợ giải quyết các vấn đề liên quan đến sức khỏe sinh lý nam giới, như việc điều trị tình trạng xuất tinh sớm,…

Tác dụng giảm suy nhược cơ thể

Thục địa thường được sử dụng để bồi bổ sức khỏe cho những người có thể trạng yếu, mệt mỏi, suy nhược cơ thể. Sử dụng Thục địa thường xuyên giúp cơ thể bổ sung lượng máu thiếu, cải thiện tuần hoàn máu, và sức khỏe được cải thiện nhanh chóng.

Tác dụng chống lão hóa

Nghiên cứu trên chuột cho thấy rằng việc sử dụng Địa hoàng có thể giúp chống lại quá trình lão hóa và kéo dài thời gian sống. Cụ thể, những con chuột không được bổ sung Thục địa trong chế độ ăn đã xuất hiện các dấu hiệu rõ rệt của lão hóa sớm hơn, bao gồm sự mất khả năng vận động và phản ứng, giảm độ đàn hồi của da, rụng lông, tổn thương quanh mắt, và tăng mức độ nghiêm trọng của lão hóa. Trong khi đó, những con chuột được bổ sung Thục địa đầy đủ trong thời gian dài hơn không chỉ sống lâu hơn mà còn không thể thấy được những dấu hiệu lão hóa nặng nề như chuột không được bổ sung. Thục địa có thể đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ chống lại quá trình lão hóa và duy trì sức khỏe.

Công dụng của Thục địa

  • Thục địa dùng trong các trường hợp thiếu máu, tim đập nhanh, rối loạn kinh nguyệt, rong kinh, chóng mặt ù tai, tóc bạc sớm. Đây là vị thuốc bổ chữa suy nhược cơ thể rất tốt.
  • Thục địa chữa âm hư, huyết suy, chứng nóng âm ỉ, cơ thể yếu mệt, khó thở, đái tháo đường, kinh nguyệt không đều, sáng mắt, đen râu tóc, chữa chát máu, điều kinh, bổ huyết.
  • Trong Y học cổ truyền Trung Quốc, Thục địa được sử dụng để chữa âm suy ở gan và thận với đau nhức và yếu thắt lưng và đầu gối, ra mồ hôi ban đêm, thiếu máu, đánh trống ngực, di tinh, đái tháo đường, rối loạn kinh nguyệt, chảy máu, tử cung, chóng mặt, ù tai, bạc râu tóc sớm.

Xem thêm: Bá bệnh: Công dụng, liều dùng và một số bài thuốc trong dân gian

Công dụng của Thục địa dược liệu
Công dụng của Thục địa dược liệu

Thu hái, bào chế Thục địa

Thu hái

Thu hoạch vào mùa thu hoặc xuân, đào lấy rễ, loại bỏ thân, lá, rễ con.

Cách bào chế Thục địa

Cách 1:

Lấy 10kg củ Địa hoàng rửa sạch, để ráo. Lất 5 lít nước cho vào 300g bột Sa nhân sắc lấy 4 lít nước. Lấy nước Sa nhân tẩm vào củ Địa hoàng rồi xếp vào khay hay thùng men. Cho nước Sa nhân còn lại với 100g Gừng tươi giã nhỏ và nước sôi cho đủ ngập hết các củ. Đun sôi liên tục trong 2 ngày đêm, nước cạn đến đâu phải cho nước sôi vào cho đủ mức cũ, thỉnh thoảng đảo củ (chú ý nấu phải thật đều lửa và thật kỹ, nếu không sau này có nấu lại củ cũng không thể mềm được). Sau đó nấu cạn còn 1 nửa nước, vớt củ ra để ráo. Lấy nước thục còn lại pha thêm ½ lượng rượu 25 – 30°, đem tẩm và đồ trong 3 giờ, đem phơi. Làm nhiều lần như vậy cho khi cạn hết nước thục.

Cách 2:

Đem cây Địa hoàng đi rửa sạch sau đó cho vào thùng, xếp các củ to ở dưới, củ nhỏ ở trên, củ nhỡ ở giữa. Cứ 90kg Sinh địa thêm 10L rượu. Đun to lửa cho đến sôi, tiếp tục đun nhỏ lửa từ 6 – 8 giờ đến cạn. Trong khi đun, cứ 1 giờ lại lấy phần nước ở đáy nồi tưới lên các củ cho thấm đều. Sau đó lấy của cây Địa hoàng ra phơi trong 3 ngày, rồi lại tiếp tục đem nấu lần 2 với nước Gừng. Lấy 2kg Gừng tươi giã nhỏ cho vào nước, khuấy đều, lọc lấy dịch nước và cho nấu. Nấu xong tiếp tục vớt của cây Địa hoàng địa ra phơi khô, rồi lại nấu. Lặp lại các bước trên 5 đến 7 lần cho đến khi củ cây Địa hoàng mềm, đổi sang màu đen nhánh là thành công bào chế Thục địa.

Cách 3: Theo Dược học cổ truyền, dựa theo kinh nghiệm các lương y

Sấy nhẹ củ Địa hoàng ở nhiệt độ 35 – 40°C đến khi vỏ khô se. Các ngày sau sấy ở 50 – 60°C cho đến khi củ mềm dẻo, khoảng 5 – 7 ngày thịt củ có màu đen thì lấy ra. Rải củ đã chế ra nền, ủ kín bằng bao tải đến khi có lớp mốc màu trắng mọc đều, thịt củ đen bóng, có chất dịch đen dính, củ dẻo là đạt tiêu chuẩn. Tiếp tục sất ở nhiệt độ 50 – 60° đến khi khô kiệt.

Bảo quản

Để dược liệu trong thùng, ở nơi khô mát, tránh mốc mọt.

Rễ của cây Thục địa được dùng làm thuốc
Rễ của cây Thục địa được dùng làm thuốc

Thành phần hóa học

Trong rễ củ Thục địa có chứa:

  • Iridoid glycosid: catalpol, rehmaniosid (A, B, C, D), ajugol, maltoside, aucubin. Ngoài ra còn có các iridoid: rehmaglutin (A, B, C, D) và một iridoid glucosid có nguyên tố Cl là glutinosid.
  • Ionone glucoside: rehmaniosid A, B, C. Ngoài ra còn có monoterpen glucoside là rehmapicrosid.
  • Carbohydrat gồm stachyose, sucrose, rafinose, vesbascose, maninotriose, D – glucose, D – fructose, D – manitol. Stachyose là thành phần chính của dịch chiết nước của rễ củ.
  • Các thành phần khác gồm 0,15 – 6,15% acid amin (ít nhất 15 acid amin tự do), 0,01% este của acid béo (methyl linolcat, methyl palmitar, methyl – n – octadecanoat), daucosterol, acid palmitic, acid sucinic, campesterol.
  • Monosacharid ở Thục địa có hàm lượng cao hơn gấp 3 lần so với Sinh địa.
  • Catalpol có hàm lượng thấp nhất sau khi được chế biến thành Thục địa.
  • Acid amin của Thục địa thấp hơn so với Sinh địa.
Dược liệu Thục địa
Dược liệu Thục địa

Một số bài thuốc chữa bệnh sử dụng dược liệu Thục địa

Ngày dùng từ 9 – 15g, dùng dưới dạng thuốc sắc hoặc thuốc hoàn. Các thầy thuốc thường cho phối hợp với các thuốc khác như:

Lục vị hoàn (Chữa suy nhược thần kinh, tăng huyết áp, xơ cứng động mạch, rối loạn chất tạo keo, thời kỳ hồi phục của các bệnh nhiễm khuẩn)

Thục địa 16g; Sơn thù, Hoài sơn, mỗi vị 12g; Tạch tả, Đan bì, Bạch linh, mỗi vị 8g. Sắc uống hoặc tán bột làm thành viên, mỗi ngày uống 20g.

Thận khí hoàn (Chữa suy nhược cơ thể, suy nhược thần kinh, ỉa chảy, mạn tính ở người cao tuổi)

Thục địa 16g; Sơn thù, Hoài sơn, mỗi vị 12g; Trạch tả, Đan bì, Phục linh, Phụ tử chế, mỗi vị 8g; Nhục quế 4g. Sắc uống trong ngày.

Tà quy ẩm (Chữa hen phế quản khi hết cơn hen)

Thục địa 16g; Hoài sơn, Kỷ tử, Phục linh, Sơn thù, mỗi vị 8g; Cam thảo. Sắc uống ngày 1 thang. Hoặc làm thành viên uống mỗi ngày 20g.

Lục vị quy thược thang (Chữa tăng huyết áp)

Thục địa 16g; Hoài sơn 12g; Sơn thù, Trạch tả, Đan bì, Phục linh, Đương quy, Bạch thược, mỗi vị 8g. Sắc uống ngày 1 thang.

Bát vị tri bá (Chữa viêm bàng quang mạn tính)

Thục địa, Hoài sơn, Hoàng bá, mỗi vị 12g; Sơn thù, Trạch tả, Đan bì, Phục linh, Tri mẫu, mỗi vị 8g. Sắc uống hoặc làm thành viên uống mỗi ngày 18 lần, chia làm 3 lần.

Dược liệu Thục địa trong các bài thuốc chữa bệnh
Dược liệu Thục địa trong các bài thuốc chữa bệnh

Đại bổ âm hoàn gia giảm (Chữa di tinh)

Thục địa 16g; Hoàng bá, Kim anh, Khiếm thực, Liên nhục, Quy bản, Tri mẫu, tủy lợn, mỗi vị 12g. Làm thành viên viên, mỗi ngày dùng 30g.

Dương hòa thang gia giảm (Chữa lao xương và lao khớp xương)

Thục địa 40g; Cao ban long 20g; Tục đoạn, Ngưu tất, mỗi vị 12g; Quế chi 6g; Bạch giới tử, Ma hoàng, Cam thảo, mỗi vị 4g. Sắc uống trong ngày

Hỗ trợ tăng cường chức năng sinh dục của nam giới

Thục địa 40g, Dâm dương hoắc 60g, Ngài tằm đực khô 100g, Ba kích, Kim anh (mỗi vị 50g), Sơn thù, Ngưu tất, mỗi vị 30g; Lá hẹ, Khởi tử mỗi vị 20g. Đem ngâm tất cả dược liệu với 2 lít rượu trắng, cho thêm đường. Uống khoảng 30ml/ngày.

Những điều cần lưu ý khi sử dụng vị thuốc Thục địa

  • THục địa kỵ sắt. Tỳ vị hư hàn không được dùng.
  • Thục địa là vị thuốc quý rất tốt để chữa bệnh về huyết. Thục địa làm ôn và bổ thận, người nào huyết suy thì nên dùng.
  • Người bị đau bụng, tiêu chảy, tiêu hóa kém không nên sử dụng dược liệu này.
  • Đối với cơ thể thiên hàn, tích tụ khí, dịch tiết cần kiêng kỵ vị thuốc này.
  • Cấm sử dụng với người thiếu dương khí, vị khí hư hàn, tức ngực tuyệt đối không dùng.
  • Nên tham khảo ý kiến của các bác sĩ và thầy thuốc Đông y để sử dụng vị thuốc Thục địa đạt đươc hiệu quả tốt nhất cho sức khỏe.

Tài liệu tham khảo

  1. Đỗ Tất Lợi (2013), Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, Hồng Đức.
  2. Trần, C. L., Đỗ, V. M., & Vũ, T. B. (2016). Giáo trình Dược liệu học.
  3. Nguyễn Nhược Kim (2007). Bào chế đông dược.
  4. Trường Đại Học Dược Hà Nội – Chủ biên: PGS. TS. Nguyễn Mạnh Tuyển (2021), Dược lý dược cổ truyền, NXB Y Học.
5/5 - (1 bình chọn)
Bài viết mới nhất
Để lại câu hỏi về bài viết

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

1800 1799